Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, nằm giữa thung lũng rộng lớn dưới chân núi Ngọc Linh. Toàn xã có khoảng 500 hộ với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xê Đăng (tên gọi khác là Sedang, Xơ Đeng) sống bằng nghề trồng sâm Ngọc Linh và lúa nước.
Trung tâm xã tập trung nhiều cư dân sinh sống cùng các công trình dân sinh do đất đai tương đối bằng phẳng. Tuy nhiên, trái ngược với sự nhộn nhịp nơi đây, cách UBND xã Măng Ri chỉ vài trăm mét, khu tái định cư làng Chung Tam với hơn 70 căn nhà khang trang lại bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua.
1. Ám ảnh vì “ma rừng” đoạt mạng
Cạnh căn nhà bê tông, ông A Ưm (64 tuổi) cùng vợ đang cặm cụi hái cà phê. Ông Ưm bảo phải hái nhanh để quay về làng cũ cách đây 4 con dốc trước khi trời tối, vì không muốn ở lại nơi “ma ám” này.
Ông Ưm kể, trước đây, làng Chung Tam ở trên một quả đồi bên kia bờ suối Đăk Psi. Năm 2009, khu làng nằm trong vùng sạt lở nên được chính quyền địa phương hỗ trợ di dời đến khu tái định cư. Bên cạnh lợi thế về điện, đường, trường, trạm, đất đai bằng phẳng, nơi này còn giúp người dân tránh được tai họa vào những mùa mưa bão.
Khi cuộc sống của người dân dần ổn định, bỗng một ngày, 2 người em ruột của ông Ưm đột ngột qua đời. Không lâu sau, 2 người cháu của ông Ưm cũng chết không rõ nguyên nhân.
Ban đầu, ông Ưm cho rằng, người thân qua đời do bệnh tật, nhưng khi xâu chuỗi nhiều câu chuyện, nhiều cái chết khác nhau, ông bắt đầu nghi ngờ ngôi làng "đã bị ma ám".
Nhiều đêm, ông Ưm còn nghe tiếng gió hú, tiếng khóc của trẻ nhỏ phát ra từ cây đa trong làng.
“Làng mình chuyển về đây 5 - 7 năm. Nhưng dân làng chết nhiều lắm, có ngày 1 người, có ngày 2 - 3 người chết. Già làng bói đầu gà, xin ý thần linh rồi bảo làng có con ma rừng. Sợ có thêm người chết, cả làng rủ nhau về làng cũ ở thôi”, ông Ưm nói.
Lời đồn “ma rừng ám làng” dần lan rộng. "Thần linh về bắt tội dân làng. Có ngày có đến 2 người chết", già làng A Doi (65 tuổi) nói và cho biết, dân làng nhiều lần chuẩn bị lễ vật như dê, dúi, gà... cúng thần linh, nhưng những cái chết vẫn tiếp diễn. Gần 9 năm đến nơi ở mới, có khoảng 50 người chết.
Người dân sau đó đã thu dọn đồ đạc, rời bỏ khu tái định cư để quay về làng cũ cách đó khoảng 4km, sống chênh vênh dưới ngọn núi. Ông A Doi cho biết, về lại làng cũ gần 3 năm qua vẫn có người chết nhưng chủ yếu là người già và khẳng định sẽ không trở lại khu tái định cư nữa.
2. Do “ma rừng” hay “ma men”?
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, khu tái định cư trước đây là đất lâm trường. Chính quyền sau đó đã chuyển mục đích sử dụng, san ủi mặt bằng để di dời hơn 70 hộ dân làng Chung Tam có nguy cơ sạt lở. Về nơi ở mới vài năm, dự án mở đường Ngọc Hoàng – Măng Bút xuyên qua đất đai, vườn tược của người làng Chung Tam, nhiều hộ được đền bù một khoảng tiền lớn.
Có tiền trong tay, người dân (chủ yếu thanh niên) sau đó sa vào những cuộc rượu thâu đêm suốt sáng, khiến sức khỏe giảm sút, sinh ra nhiều bệnh tật. "Những người chết ở làng Chung Tam đa phần là bị xơ gan", ông Trí nói.
Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện chữa trị, dân làng lại tổ chức cúng thần linh, già làng "bói đầu gà" và bảo rằng khu vực này không ở được, chỉ canh tác nương rẫy.
Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng người dân không chịu về khu tái định cư, chỉ “đồng ý quay về những hôm giông bão như một điểm sơ tán bất đắc dĩ", ông Trí cho hay. Nếu sắp tới, người dân không quay về khu tái định cư, chính quyền sẽ thu hồi quỹ đất này giao cho hợp tác xã.