Lò vi sóng là phát minh của kỹ sư Percy Spencer, thuộc tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia Raytheon. Ở phiên bản đầu tiên, lò vi sóng to gần bằng chiếc tủ lạnh, nặng hơn 300kg và có giá là 3.000 USD. Nó được sử dụng chủ yếu trên tàu và xe lửa.
Sau đó, lò vi sóng được Percy Spencer nâng cấp thành một phiên bản gần giống với lò vi sóng ngày nay. Từ 1967 đến năm 1993, lò vi sóng dần được nhiều người biết đến. Thống kê của Viện vi sóng Campbell vào năm 1993, hơn 80% hộ gia đình và hơn ¾ công sở của nước Mỹ có lò vi sóng.
Thế nhưng, kể từ năm 2000, doanh số của mặt hàng này bắt đầu sụt giảm bởi người tiêu dùng lo ngại về bức xạ phát ra từ lò vi sóng cũng như việc giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Khi vấn đề sức khỏe ngày càng được quan tâm và thực phẩm tươi sống cũng được ưu tiên, lò vi sóng càng bị “thất sủng”.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, có 4 lý do cơ bản khiến lò vi sóng “hết thời”, đó là:
1. Mức độ cạnh tranh cao
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về việc sử dụng thực phẩm tươi sống và bảo toàn tối đa dinh dưỡng, các thiết bị gia dụng cho nhà bếp đã thay đổi liên tục như nồi nấu chậm, nồi sành, nồi chiên không dầu, chảo chống dính…Tất cả chúng chiếm được tình cảm của người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ.
Sự ra đời liên tục của những sản phẩm mới đã khiến cho lò vi sóng mất dần chỗ đứng trên thị trường.
2. Chức năng hạn chế
Dường như nhiều gia đình mua lò vi sóng chỉ để sử dụng một mục đích duy nhất đó là hâm nóng và rã đông, dù cho chức năng của thiết bị này nhiều hơn thế. Tuy vậy, so với những thiết bị đa chức năng thì “khả năng” của lò vi sóng có vẻ còn khá hạn chế.
3. Mùi vị thức ăn kém ngon
Bạn có thể sử dụng lò vi sóng để chế biến thức ăn, nhưng hương vị sẽ có sự khác biệt so với những thiết bị nhà bếp chuyên dụng khác. Lý do là vì chức năng chính của lò vi sóng không phải để nấu ăn mà là một thiết bị gia dụng để hâm nóng thức ăn, rã đông.
4. Độ an toàn không cao
Không phải tất cả lò vi sóng đều có vấn đề độ an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, một số trường hợp lò vi sóng bị nổ đã khiến người tiêu dùng e ngại. Thực tế, không phải tất cả các chất liệu đều có thể cho vào lò vi sóng, đặc biệt là inox và nhựa. Nhựa cho vào lò vi sóng có thể bị chảy, còn vật bằng kim loại cho vào lò vi sóng có thể gây nguy cơ phóng điện và nổ.