Cơ quan thống kê Hàn Quốc đã tiến hành một nghiên cứu về xã hội Hàn Quốc dựa trên nhiều dữ liệu khảo sát khác nhau và nhận thấy, chỉ có 27,5% phụ nữ ở độ tuổi 20 có quan điểm tích cực về hôn nhân.
Quan điểm tích cực về hôn nhân của những phụ nữ trẻ này là thấp nhất trong tất cả các nhóm tuổi và thấp hơn đáng kể so với 41,9% đối với nam giới ở độ tuổi 20.
Để so sánh, năm 2008, 52,9% phụ nữ ở độ tuổi 20 phản ứng tích cực với hôn nhân, cho thấy sự sụt giảm lớn sau 14 năm.
Khoảng 31,8% số phụ nữ được hỏi ở độ tuổi 30 cho rằng, hôn nhân là một điều tích cực, cũng giảm mạnh so với con số 51,5% trong dữ liệu năm 2008.
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi có xu hướng nhìn nhận hôn nhân kém tích cực hơn so với nam giới. Đối với cả hai giới, các nhóm tuổi lớn hơn có xu hướng phản ứng tích cực hơn với hôn nhân so với nhóm trẻ - 74,9% nam giới ở độ tuổi 60 cho rằng mọi người nên kết hôn, trong khi 68,7% phụ nữ ở độ tuổi 60 nghĩ như vậy.
Xu hướng ủng hộ hôn nhân của nam thanh niên tuy không thấp bằng phụ nữ nhưng cũng giảm mạnh từ năm 2008 đến năm 2022. Khoảng 71,9% nam giới ở độ tuổi 20 phản ứng tích cực với hôn nhân vào năm 2008, nhưng chỉ có 41,9% vào năm ngoái.
Trong số nam giới thuộc nhóm tuổi 30-39, từ năm 2008 đến năm 2022, những người có quan điểm tích cực về hôn nhân đã giảm từ 69,7% xuống 48,7%.
Lý do lớn nhất mà người ở tất cả các nhóm tuổi tại Hàn Quốc được khảo sát đưa ra để tránh kết hôn là vì không có đủ tiền.
Báo cáo cũng cho thấy, giới trẻ ngày càng ưa chuộng những lối sống phi truyền thống từ năm 2015 đến năm 2020. Năm 2015, 39,1% số người ở độ tuổi 20 và 30 coi việc sống một mình là điều tích cực và con số này tăng lên 47,7% vào năm 2020.
Tỷ lệ phần trăm những người ở độ tuổi 20 và 30 cho rằng việc sống chung mà không kết hôn đã tăng từ 25,9% lên 40,6% trong cùng thời điểm. Nhận thức tích cực đối với các cặp vợ chồng không có con đã tăng từ 27,7% lên 44,1% ở cùng nhóm tuổi, trong khi 20,7% trong số họ có quan điểm tích cực về việc có con mà không kết hôn - so với 11,1% vào năm 2015.