Con trâu là hình ảnh gắn với nông nghiệp và nông dân và được mượn để ví von, so sánh, để răn dạy nhau trong cách đối nhân xử thế hàng ngày.
Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam có rất nhiều câu nói về con trâu. Dưới đây là một số câu ca dao, tục ngữ lấy hình tượng con trâu được lưu truyền từ xưa tới nay.
Tục ngữ, thành ngữ sử dụng hình tượng con trâu
Trâu ta ăn cỏ đồng ta: Người đời nhắc nhở nhau chỉ nên dùng những gì thuộc quyền sở hữu của mình, những thứ trong phạm vi mình có.
Trâu chết để da, người chết để tiếng: Răn dạy người đời nên sống ra sao để không hổ thẹn với đời sau.
Lạc đường nắm đuôi chó/Lạc ngõ nắm đuôi trâu: Kinh nghiệm tìm đường
Trâu buộc thì ghét trâu ăn/Quan võ thì ghét quan văn dài quần: Nói lên sự ghen ghét, đố kỵ về sự không bình đẳng ấy sinh ra mâu thuẫn.
Trâu đẻ tháng Năm, vợ đẻ tháng Sáu: Nói lên việc cần toan tính, cân nhắc vì tháng 5 mùa cày bừa cần đến trâu, tháng 6 vào vụ cấy cần đến sức lao động của phụ nữ.
Muốn giàu thì nuôi trâu nái/Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu: Kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, đầu tư.
Trâu quá sá, mạ quá thì/Hồng nhan bị bỏ còn gì là xuân: Chỉ về lứa thì, xuân sắc của người phụ nữ, khi tuổi trẻ qua đi.
Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết: Ám chỉ kẻ mạnh xung đột, tranh chấp nhau, kẻ yếu bị tai họa, vạ lây.
Trâu chậm uống nước đục: Khi nói một điều gì đó kém may mắn. Do con trâu đi lại thong dong, nó không tranh giành hơn thiệt với ai, thế nên thường bị nhận phần thiệt về mình.
Yếu trâu còn hơn khỏe bò: so sánh giữa trâu và bò khi kéo cày.
Hùng hục như trâu húc bờ: Chỉ về hành động như một ai đó không chịu suy nghĩ, chỉ thục mạng khi làm một việc gì đó.
Trâu trao chạc, bạc trao tay: Trâu có đặc điểm là khi bắt được mũi thì trâu thuần thục ngay, vì thế người ta thường buộc chạc, xỏ dây thừng vào mũi trâu mà dong, dắt, đây là cách để nói sự sòng phẳng, dứt điểm.
Trâu to ngà, càng già đường kéo: Cách chọn trâu cày khỏe dựa trên kinh nghiệm của nhà nông.
Trâu dong bò dắt: Chỉ về kinh nghiệm chăn trâu, chăn bò. Con trâu luôn luôn tuân theo chủ, nó thuộc đường đi lối về, nên người ta thường dong nó đi, chứ ít ai phải dắt mũi, khác hẳn với bò.
Trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã nhiều gã cầm dao: Câu này phê phán thói đời cơ hội vì con trâu là đầu cơ nghiệp và cũng đồng thời là thực phẩm có giá trị. Khi trâu còn khỏe thì không ai giết mổ trâu lấy thịt, mà khi trâu yếu, ngã mới có cơ hội thịt trâu.
Con trâu là đầu cơ nghiệp: Câu này nói lên con trâu rất quan trọng với người nông dân Việt Nam.
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/Trong ba việc ấy ắt là khó thay: Câu này ý nói tậu trâu vẫn là công việc đầu tiên, quan trọng bậc nhất của một người nông dân, nó nhấn mạnh cho câu con trâu là đầu cơ nghiệp.
Thứ nhất vợ dại trong nhà/Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn: Ý nói 3 nỗi niềm của người chồng xưa khi không may lấy phải vợ chậm chạp, khờ khạo và mua phải con trâu chậm, dao rựa cùn.
Ruộng sâu, trâu nái: Nói lên sự sung túc, thành công của nhà nông.
Trâu đi tìm cọc chứ ai đời cọc đi tìm trâu: Nói lên quan niệm yêu được cưới hỏi của người Việt xưa, theo đó người đàn ông phải là người chủ động trong việc tìm kiếm, ngỏ lời, cưới hỏi chứ không phải là người phụ nữ.
Cưa sừng làm nghé: Chỉ những người phụ nữ đã già rồi nhưng còn cố tình làm ra vẻ trẻ con, ngây thơ.
Kéo cày thay trâu: Lối ví von sinh động để phản ánh cảnh cơ cực của người nông dân xưa.
Đầu trâu, mặt ngựa: Chỉ về những hạng người ba trợn, côn đồ, giang hồ, anh chị
Đàn gảy tai trâu: Chê những người không có kiến thức, không biết thưởng thức nghệ thuật
Hoa nhài cắm bãi phân trâu: Chỉ về sự yêu đương, hôn nhân không tương xứng
Tan đàn xẻ nghé: Chỉ sự tan hoang
Nghé con không sợ hổ: Chỉ sự thiếu trải nghiệm
Mười bảy bẻ gãy sừng trâu: Chỉ về giai đoạn sung sức của con người
Trai thì cày ruộng, khiển trâu/Gái thì phải biết bổ cau têm trầu: Chỉ những công việc mà trai, gái thành niên xưa phải biết làm
Lỳ như trâu: Ví von về sự lỳ lợm
Trâu lấm vẩy càn: Người đời cũng gán cho trâu cái sự ẩu, bừa bãi.
Trâu gầy cũng tầy bò kéo: So sánh giữa trâu và bò khi kéo cày
Trâu ho bằng bò rống: Chỉ sự vượt trội của trâu so với bò
Trâu không có bắt chó kéo cày: Ngoa dụ của người đời về một con vật không thể kéo cày mà lại dám thay trâu để kéo cày.
Khỏe như trâu: Chỉ về sức khỏe của trâu.
Trâu quá sá, mạ quá thì: Chỉ việc bắt trâu làm việc quá sức thì trâu kiệt sức.
Trâu ra, mạ vào: Chỉ về việc canh tác
Một số câu ca dao sử dụng hình tượng con trâu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
---
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn việc nông gia
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cho lúa trổ bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
---
Sớm mai cắp nón ra đồng
Một đôi vợ chồng với một con trâu.
---
Phình phình ở giữa phình ra
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu
Ở nhà làng bắt mất trâu!
---
Ầu ơ! Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
Ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng.
---
Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng 9 tháng 8 chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mồng 9 tháng 8 nhớ về chọi trâu.
---
Công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé đã thành trâu, ai cày.
---
Đàn đâu mà gảy tay trâu
Đạn đâu bắn sẻ, kiếm đâu chém ruồi.
---
Dù ai đi đâu về đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về.
---
Nước giữa dòng chê trong, chê đục
Vũng trâu đầm hì hục khen ngon.
---
Em như ngọn cỏ phất phơ
Anh như con nghé nhởn nhơ trên đồng.
---
Chăn trâu chẳng biết mặt trâu
Trâu về cầu Cậy biết đâu mà tìm.
---
Có cưới thì cưới con trâu
Đừng cưới con nghé nàng dâu không về.
---
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm.
---
Thiệt tình hổng phải ba hoa
Hôm qua tui thấy con gà đá trâu
Gà đá trâu bao lâu mới thắng
Trâu đá gà, què cẳng con trâu.