Để nghệ thuật cải lương truyền thống được phát triển rộng rãi, bên cạnh sự nỗ lực của ngành văn hoá và các ban ngành liên quan, công tác tuyên truyền của báo chí là rất quan trọng.
Nhằm thúc đẩy tình yêu của những người làm báo dành cho nghệ thuật cải lương và tạo điều kiện cho các nhà báo giao lưu, học hỏi trong lĩnh vực đờn ca, Hội nhà báo Việt Nam đã phối hợp cùng Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức Hội thi tiếng hát người làm báo khu vực miền Tây và Đông Nam bộ năm 2022 với chủ đề Âm vang vọng cổ.
Hội thi quy tụ các thí sinh là những người công tác trong lĩnh vực báo chí, đến từ 20 Hội nhà báo các tỉnh thành khu vực Bắc Sông Hậu, Nam Sông Hậu, Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Tại các điểm bán kết là tỉnh Đồng Tháp và Bạc Liêu, Ban giám khảo hội thi gồm Thạc sĩ, NSUT Huỳnh Khải, Nghệ sĩ Thanh Hằng, NSUT Đào Vũ Thanh đã chọn ra 2 tiết mục có số điểm cao nhất để bước tiếp vào đêm chung kết xếp hạng và 1 tiết mục có điểm cao thứ ba được nhận giải khuyến khích. Riêng khu vực TP.HCM, có thêm 1 tiết mục có số điểm cao thứ 3 được đặc cách vào vòng chung kết.
Trải qua nhiều ngày luyện tập và sự đầu tư công phu, đêm 25/11/2022, 8 thí sinh đến từ 6 Hội nhà báo đã mang đến Đêm chung kết xếp hạng những phần tranh tài kịch tính và hấp dẫn.
Kết quả, cúp vàng danh giá đã thuộc về thí sinh Phạm Thị Cẩm Nguyên, đến từ Chi hội Nhà báo Đài PTTH Hậu Giang, Hội nhà báo tỉnh Hậu Giang.
Cẩm Nguyên lựa chọn bài hát “Bông bồn bồn rụng trắng” của tác giả Trúc Linh. Dù không phải là một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp, Cẩm Nguyên đã dám bước ra khỏi “vùng an toàn” khi quyết định phá cách trong lúc hát chứ không đi theo lối mòn. Dù vậy, cô vẫn giữ được bài hát tròn trịa, không rớt nhịp và quên lời. Chính điều này đã giúp cô MC Hậu Giang đoạt được chức quán quân.
Cẩm Nguyên chia sẻ: “Em yêu thương nghệ thuật cải lương từ lúc mình còn nhỏ xíu, em mong rằng giải thưởng ngày hôm nay sẽ giúp em có thêm động lực trong công tác tuyên truyền, thông tin để bảo vệ và loại hình nghệ thuật đặc sắc của miền Tây sông nước”.
Hai bài dự thi đoạt giải nhì là hai tiết mục hát về hình ảnh quê hương của chính thí sinh.
Có lẽ vì vậy mà thí sinh Lê Hải Đăng đến từ Chi hội nhà báo Đài PTTH tỉnh Bến Tre, Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre đã thể hiện bài hát rất cảm xúc. Là tiết mục mở màn cho Hội thi, Hải Đăng cùng vũ đoàn đã mang lên sân khấu hình ảnh những rặng dừa nước quen thuộc của tỉnh nhà. Những hình ảnh đầy cảm xúc của vũ đoàn cộng với giọng hát sáng và khoẻ của Hải Đăng đã giúp anh mang đạt hạng hai của Hội thi.
Nhận xét về Lê Hải Đăng, Thạc sĩ, NSUT Huỳnh Khải nói: Bài hát “Cây dừa nước mồ côi” của tác giả Trần Việt Liêm được Đăng thể hiện rất tốt. Nhưng phần trình diễn chưa có sự đổi mới so với vòng thi trước”.
Giải nhì thứ hai thuộc về phần dự thi của thí sinh Lê Thái, thuộc Chi Hội nhà báo Đài PTTH Bạc Liêu, Hội nhà báo tỉnh Bạc Liêu.
Khi thể hiện bài hát Biển Cạn của soạn giả Ngô Hồng Khanh, thí sinh Lê Thái dường như mang vào bài toàn bộ cảm xúc của mình dành cho quê hương xứ biển. Với giọng hát trải đời, thí sinh Lê Thái đã giúp người nghe đến được với từng cung bậc cảm xúc của chàng trai xứ biển dành cho người yêu của mình.
Trong hội thi, Ban giám khảo cũng chọn ra 3 giải ba. Đó là các tiết mục của các thí sinh thuộc các Hội nhà báo TP.HCM, Hội nhà báo tỉnh Bình Dương và Hội nhà báo tỉnh Đồng Tháp. Đây là các tiết mục thể hiện rất tốt nhưng vẫn có một số khuyết điểm nhỏ trong khi thể hiện.
Chia sẻ về Hội thi, ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nói: “ Công tác tuyên truyền, báo chí cần có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương. Chúng tôi mong rằng Hội thi sẽ tiếp tục để cổ vũ thêm tinh thần cho những người làm báo trong công cuộc phát triển loại hình nghệ thuật này”.
Hội thi được tổ chức với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cùng các đơn vị: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ (FSI), Công ty May Thêu Giày An Phước, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank), PNC Healthcare, Vietravel Airline.