Chờ...

Kenya: Kiến đầu to đã cứu ngựa vằn thoát khỏi sư tử như thế nào?

VOH - Một nghiên cứu cho thấy ở đâu có sự xuất hiện của loài kiến ​​đầu to thì báo hiệu gần như chắc chắn môi trường bị phá hủy trầm trọng, các loại kiến khác bị diệt vong.

Kiến đầu to là loài xâm lấn rất thành công, đôi khi được coi là mối nguy hiểm đối với kiến ​​bản địa và đã được đề cử là một trong số 100 loài xâm lược “Tồi tệ nhất Thế giới”.

kiến đầu to
Kiến đầu to, kiến ​​thợ phụ (phía trên bên trái) và kiến ​​thợ lớn (phía dưới bên phải) - Ảnh: Florida University

Ở Kenya một đội quân kiến đầu to ​​xâm lấn đã gây rối loạn hệ sinh thái đến mức nó đã làm thay đổi thói quen săn mồi của loài sư tử vốn là chúa tể ở các khu rừng tại đây .

Loài kiến ​​đầu to có nguồn gốc từ đảo Mauritius, là một trong những loài côn trùng xâm lấn mạnh nhất trên thế giới, loại kiến ​​được tìm thấy ở 1.600 địa điểm, từ Đông Phi đến các bang trên khắp miền Nam nước Mỹ.

Ở những vùng có khí hậu ấm áp, sự xuất hiện của chúng gần như báo trước cho sự diệt vong đối với côn trùng bản địa, nơi chúng sử dụng cái đầu to không cân đối của mình để tấn công những con kiến ​​khác và xẻ thịt con mồi .

hình minh họa
Hình minh họa cho thấy việc thiếu cây cối ảnh hưởng như thế nào đến việc săn bắt của sư tử ở Ol Pejeta - Ảnh: Đại học Wyoming

Nghiên cứu từ đại học Wyoming, Mỹ được công bố hôm thứ 5 qua, cho thấy tác động của kiến đầu to đến Ol Pejeta, một khu bảo tồn động vật hoang dã ở Hạt Laikipia của Kenya.

Cây cỏ là loài chiếm ưu thế ở phần lớn Đông Phi, cung cấp mật hoa và nơi trú ẩn cho loài kiến ​​bản địa. Đổi lại, kiến ​​bảo vệ cây bằng cách thải ra axit formic và cắn những động vật ăn cỏ cố gắng ăn thịt chúng, một chiến lược đặc biệt hiệu quả chống lại voi.

Nhưng khi kiến ​​đầu to xâm lấn vào khu vực, chúng không chỉ giết chết kiến ​​bản địa mà còn không bảo vệ được những cây cỏ.

Điều này cho phép voi xơi tái cây cỏ quá mức, khiến cây bị nhai và gãy gấp từ 5 đến 7 lần ở những vùng có kiến đầu to so với những vùng không có​.

Không có cây cối, cảnh quan trở nên trống trải hơn rất nhiều, khiến sư tử không còn nơi ẩn náu để rình rập con mồi ưa thích của chúng là ngựa vằn. Do đó ngựa vằn dễ có cơ hội trốn thoát hơn khi bị sư tử “chiếu tướng”.

Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ngựa vằn bị sư tử giết chết ở nơi không có kiến đầu to xâm chiếm cao hơn gần gấp ba lần ở những khu vực bị kiến ​​đầu to xâm chiếm.

Các thành viên của đàn sư tử
Các thành viên của đàn sư tử tại khu bảo tồn Ol Pejeta ở hạt Laikipia, Kenya: Ảnh: AFP -  Getty 

Mặc dù số lượng sư tử không giảm trước sự xâm lược của kiến đầu to nhưng do ít cơ hội săn ngựa vằn hơn, sư tử chuyển sự chú ý sang săn loài lớn hơn là trâu rừng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong 20 năm qua, tỷ lệ ngựa vằn bị sư tử giết đã giảm từ 67% xuống 42% trong khu vực, trong khi số trâu bị giết đã tăng từ 0% lên 42%.

Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi nghiên cứu sinh tiến sĩ Douglas Kamaru từ Khoa Động vật học và Sinh lý học của Đại học Wyoming cho biết: “Chúng tôi cho thấy rằng một kẻ xâm lược nhỏ bé đã định hình lại động lực của động vật ăn thịt có tính biểu tượng như sư tử”.

Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng loài kiến ​​có thể sẽ làm thay đổi thói quen của đàn sư tử ở Ol Pejeta nhưng lưu ý rằng hậu quả lâu dài là không thể lường trước được khi cuộc xâm lược của loài kiến ​​đầu to vẫn tiếp tục.