Khó nhất trên đời là "nghề" làm cha mẹ

(VOH) –Có một câu ca dao được nhiều người biết đến: “Sinh con rồi mới sinh cha; Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Một đứa trẻ ra đời rồi, thì người tạo ra sinh linh ấy cũng mới bắt đầu làm cha mẹ.

Có cháu nội, cháu ngoại thì mới “lên chức” ông bà.

Vậy đó, nhưng “nghề” cha mẹ lại chẳng trải qua một trường lớp bài bản nào. Họ học từ trải nghiệm bản thân khi mình làm con bố mẹ mình, học từ những quan niệm xã hội, từ các phương tiện truyền tin, những người xung quanh….

Về mặt chủ quan, họ “học” từ những thất bại bản thân, từ kỳ vọng, mong đợi đối với con.

“Nghề” đặc biệt ấy càng khó khăn hơn bởi mỗi đứa trẻ chẳng là bản sao của ai hết. Chúng chẳng giống chúng ta khi nhỏ, cũng chẳng như “con nhà người ta”, chúng lại thay đổi tính nết từng giai đoạn cuộc đời…. 

Còn các bậc cha mẹ thì sao?

Họ đâu có nhàn rỗi chỉ để làm “nghề” cha mẹ.

Cái “thiên chức” ấy song song với cơm áo gạo tiền, với mưu cầu sự nghiệp, những mối quan hệ xã hội chằng chéo và bao áp lực.

Trở về nhà, mỗi tối bố phải theo sát con học, mẹ làm việc nhà, "đau đầu" vì những hóa đơn học chính khóa, học thêm, bồi dưỡng, kỹ năng, thi cử… và hàng hà sa thứ thuộc về nhu cầu lứa tuổi của con.

Để rồi những đứa trẻ nhìn đời qua lăng kính internet, vẫn u uẩn nỗi niềm sao cha mẹ cứ gắt gỏng, xa cách, mệnh lệnh, chỉ tiền và tiền, sao không hiểu con, sao coi lời con không quan trọng….

Các con ơi, không chỉ các con cần cha mẹ hiểu, cần cha mẹ làm bạn, mà cha mẹ cũng cần được các con yêu thương, thấu hiểu và tin tưởng vào họ.

nghề làm cha mẹ, làm bạn cùng con
Đồng hành cùng con là hành trình cần sự yêu thương, thấu cảm. Ảnh minh họa: PN

Chừng hai thập niên trở về trước, khi internet, wifi và smartphone còn xa lạ với nhiều người thì mối quan hệ của một đứa trẻ gói gọn trong khuôn viên nhà trường và gia đình, chòm xóm. Với con, lời dạy của cha mẹ, thầy cô là kim chỉ nam.

Nhưng giờ đây thế giới quan của con rộng lớn và ảo diệu, thậm chí viển vông và lệch lạc với những trẻ “lỡ” tiếp cận thông tin độc hại từ internet.

Làm bạn với con quá khó giữa muôn trùng bạn bè "thật-ảo". Thông tin cha mẹ truyền tải cho con có khi lạc lõng giữa trăm ngàn tin độc, tin lạ, tin tiêu cực…. bủa vây. Thậm chí, ngay trong gia đình, cha mẹ và con cái còn mất kết nối thực sự với nhau.

Với những ai đầu thế hệ 8X trở về trước, có thể hành trình làm cha mẹ còn gian nan hơn, bởi họ là những người chịu sự chuyển tiếp giữa phương pháp giáo dục “thương cho roi cho vọt” (khi còn là một đứa trẻ) sang phương pháp hiện đại như dạy con tích cực, kỷ luật không nước mắt (lúc trở thành cha mẹ)….  Rồi cả phương cách dạy con thời hiện đại cũng muôn trùng vây các kiểu: mẹ Âu, mẹ Á, mẹ “hổ”, bố mẹ “voi”, cha mẹ tự do….

Cha mẹ vừa phải thông thái, phải tâm lý, thức thời…. , “nghề” gì mà phải tôi luyện cả đời cũng chưa đủ kinh nghiệm.

Rồi khi tỷ lệ ly hôn tăng lên, những ông bố bà mẹ một mình gánh cả hai vai càng phổ biến, họ vừa đóng vai cha, vừa đóng vai mẹ trong những gia đình khuyết.

“Bù đắp” trở thành khái niệm miên man trong chuỗi đời nuôi dạy con của họ. “Nghề” làm cha mẹ với họ càng gập ghềnh hơn, đòi hỏi sự bản lĩnh hơn.

Nghề nào cũng có tuổi nghỉ hưu, nhưng “nghề” làm cha mẹ chỉ có thể ngơi lòng khi đã buông tay. Con từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, vẫn luôn bé bỏng và là mối quan tâm lớn nhất trong lòng cha mẹ.

Tuổi nào có nỗi lo tuổi đó, con càng lớn, lo lắng, quan tâm càng tăng. Đường đời cha mẹ đi qua, đã cảm đủ hỉ nộ ái ố, nhìn con bươn chải gian truân, chỉ biết lặng lẽ dõi theo, làm “hậu phương” bình yên cho con trở về bất cứ lúc nào. Nhưng vẫn đầy rẫy cảnh con cái ruồng bỏ cha mẹ, hắt hủi khi không còn cậy nhờ được hay thậm chí đoạt mạng, từ nhau vì tài sản…

Khi những dòng tin đau đớn chạy dài trên các phương tiện truyền thông về sự ra đi của cậu bé 16 tuổi, không ít những đả kích hướng về phía bậc sinh thành.

Có thể đó là những người chưa từng làm cha, làm mẹ. Còn ai đã từng và đang nuôi dạy con cái, chỉ cảm thấy vụn vỡ, lồng ngực như bị bóp nghẹt, tim như thắt lại trước những câu chữ, hình ảnh đó. Để rồi, bất giác hỏi lòng, con mình có đang hạnh phúc?

Nhưng có ai tự hỏi rằng, sau những bài học đắng chát này, chúng ta cần những kỹ năng gì cho “nghề” làm cha mẹ của mình?

Ông bà ta lại có câu: “Lá vàng là bởi đất khô. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Đứa trẻ điềm đạm cho ta thấy những ông bố bà mẹ luôn điềm tĩnh trong ứng xử với con, đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc đủ hiểu cha mẹ luôn truyền nguồn năng lượng tích cực cho con, đứa trẻ cáu bẳn phản ánh những cư xử giữa cha mẹ với chúng thường như vậy.

Cho nên, nhìn thái độ sống của con để “sửa” mình cho phù hợp, để làm gương cho con, muốn con lớn lên là người như thế nào thì bộc lộ của mình với con phải như thế ấy.

Làm bạn với con không phải là để “soi” mọi chuyện trong đời tư con và can thiệp vào tất cả những chuyện ấy. Dù mục đích tốt đẹp là “để hiểu con” nhưng cách “soi” có thể khiến con xa cách.

Nếu ai xem bộ phim “Anh có phải đàn ông không” sẽ nhớ chuyện người bố để hiểu đứa con gái tuổi ô mai nổi loạn, giả làm “bạn trai mưa” trên mạng, cuối cùng chuyện bại lộ, đứa con gái càng trở nên xa cách bố hơn.

Chỉ đến khi người mẹ dịu dàng kể những chuyện người bố đã từng hy sinh sức khỏe, sự nghiệp để con lớn lên khỏe mạnh, cô bé mới hết giận bố và biết trân trọng bố mình.

Làm bạn với con có khi đơn giản chỉ là lắng nghe, không phán xét, không dành phần quyết định của con.

Một ông bố, bà mẹ cứ luôn nghĩ “con có mỗi việc học cũng không xong” sẽ chẳng bao giờ hiểu và làm bạn được với con. Người lớn có áp lực người lớn, trẻ nhỏ có áp lực của trẻ nhỏ. Và nếu chỉ khăng khăng "cha mẹ luôn luôn đúng", cha mẹ không biết nhận lỗi khi mình sai cũng khó có thể làm cho con tin tưởng.

Một ông bố bà mẹ sống trong áp lực, căng thẳng triền miên, luôn bức bối, mệt mỏi, không hạnh phúc thì dù cố gắng đến mấy cũng không thể làm cho con họ hạnh phúc được.

Trong gia đình, bố mẹ phải thống nhất với nhau cách dạy con, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ làm con đứng giữa không biết xử sự sao, hoặc con sẽ biết cách lợi dụng sự “tréo ngoe” của bố mẹ để “luồn lách”, vậy là “lợi bất cập hại”.

Và cần nhớ, con mình là con mình, đừng ví con mình với “con người ta”. Coi trọng sự khác biệt của con, và việc của mình là khơi gợi, mở lối sao cho con phát triển đúng sở trường, đam mê của con.

Nhưng nếu chỉ chăm chăm phục vụ con mọi thứ, lại tạo ra suy nghĩ trong con rằng việc cha mẹ hy sinh tất cả cho mình là hiển nhiên, khiến chúng không biết ơn và thiếu sự trân trọng trong mối quan hệ chỉ biết nhận về, chẳng biết cho đi này.

Vậy đó, khó nhất trên đời là nghề làm cha mẹ!

Bình luận