“Khủng hoảng tuổi trung niên” ở gen Z

VOH - Khủng hoảng tuổi trung niên thường xảy ra ở độ tuổi 40-60 đang ngày càng trở thành vấn đề ở thế hệ trẻ.

Theo báo cáo của nền tảng công nghệ Arta Finance, khoảng 38% Gen Z (những người sinh từ 1997 đến 2012) cho biết họ đang trải qua khủng hoảng tuổi trung niên, với áp lực tài chính là nguyên nhân chính.

Một trong những yếu tố quan trọng là sự bất ổn tài chính. 30% Gen Z thừa nhận tiền bạc là nguồn gốc của sự căng thẳng lớn nhất trong cuộc sống.

Trong thập kỷ qua, chi phí sinh hoạt đã tăng trung bình 28,3%, khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống. Đồng thời, 25% Gen Z phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần, và 23% lo ngại về sự nghiệp.

Việc không đạt được các cột mốc quan trọng, như mua nhà hay lập gia đình cũng tạo ra cảm giác thất bại. 42% thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996) không sở hữu nhà khi bước vào tuổi 30, thấp hơn so với 52% của thế hệ Baby Boomers.

young-asian-millennial-gen-z-600nw-1715256343-17349371558661524670731-1734942156641-17349421572081113370198
Ảnh minh họa

Ngoài ra, 45% Gen Z vẫn đang sống cùng cha mẹ, tỷ lệ cao nhất trong 80 năm qua. Căng thẳng tài chính khiến họ phải hoãn việc mua nhà hoặc lập gia đình. 55% Gen Z và Millennials cho biết cha mẹ họ dễ dàng đạt được những cột mốc này hơn, tạo ra sự so sánh và cảm giác tụt hậu.

Khủng hoảng tuổi trung niên ở Gen Z còn thể hiện qua các hành vi như tiêu xài phung phí (20% Gen Z chi nhiều tiền cho quần áo và đồ điện tử) hoặc thay đổi công việc liên tục (30% Millennials).

Chuyên gia tài chính Alex Beene nhận định rằng hội chứng FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ) và sự so sánh với người khác càng làm gia tăng sự căng thẳng.

Samita Malik, chuyên gia tư vấn tài chính, khuyến nghị Gen Z nên tìm lời khuyên tài chính rõ ràng và khả thi, để thiết lập nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Khủng hoảng tuổi trung niên ở thế hệ này không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn là cảm giác thiếu kiểm soát trong cuộc sống.

Bình luận