Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam - Cuộc đời và sự nghiệp của cố NSNA Lâm Tấn Tài

(VOH) - Sáng 18/3, tại Hội Nhiếp ảnh TP đã diễn ra lễ kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam và hội thảo “Cuộc đời và Sự nghiệp của Cố NSNA Lâm Tấn Tài”- được coi là người sáng lập HOPA.

Buổi lễ được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) phối hợp cùng Hội Nhiếp ảnh TPHCM (HOPA) tổ chức với sự tham dư của lãnh đạo hai hội cùng đông đảo các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia, người yêu mến bộ môn nhiếp ảnh.

VAPA trao kỷ niệm chương các lãnh đạo hội
VAPA trao kỷ niệm chương cho các lãnh đạo hội, đơn vị.

Buổi lễ được tổ chức nhằm tri ân với các lớp thế hệ NSNA đi trước, lớp nghệ sĩ khởi nghiệp từ những ngày đầu phôi thai nền nhiếp ảnh ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã ôn lại truyền thống lịch sử của nền Nhiếp ảnh Việt Nam, bối cảnh ra đời, sự phát triển, trưởng thành cũng như những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Qua 69 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay đội ngũ của VAPA đã có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt ở các tỉnh thành trong cả nước và HOPA có gần 500 hội viên. Đây là lực lượng sáng tác thường xuyên có mặt trong các hoạt động nhiếp ảnh từ địa phương đến khu vực, quốc gia, quốc tế là chủ thể sáng tạo góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, hoạt động văn học nghệ thuật ở các địa phương trong cả nước.

Ngày nay, vai trò của Nhiếp ảnh Việt Nam đã được nâng cao, có vị thế trong đời sống xã hội. Nhiếp ảnh đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quí.

Kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống NA. Việt Nam và Cuộc đời và Sự nghiệp của Cố NSNA Lâm Tấn Tài 2

Trao kỷ niệm chương cho hội viên VAPA.

Ngày truyền thống của giới nhiếp ảnh hàng năm là dịp để chúng ta nhìn những ưu điểm, hạn chế để đúc kết thành những bài học bổ ích, giúp cho những người hoạt động nhiếp ảnh đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghệ thuật, sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới. Cùng với sự phát triển của đất nước, Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có những bức phá ngoạn mục hơn, hoàn thành sứ mệnh của mình.” bà Thu Đông nói.

Kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống NA. Việt Nam và Cuộc đời và Sự nghiệp của Cố NSNA Lâm Tấn Tài 3
Tượng đúc đồng của cố NSNA Lâm Tấn Tài sẽ được lưu giữ tại phòng Truyền thống của HOPA

Với 24 tham luận buổi hội thảo về “Cuộc đời và Sự nghiệp của Cố NSNA Lâm Tấn Tài" đã khắc họa được chân dung người được coi là sáng lập Hội Nhiếp ảnh TPHCM.

Là một người cầm máy bước ra từ cuộc chiến tranh, ông đã tập hợp được các nhiếp ảnh gia tên tuổi của miền Nam trước giải phóng, lực lượng nhiếp ảnh giải phóng và một số nghệ sĩ nhiếp ảnh từ miền Bắc vào Nam để lập ra Hội Nhiếp ảnh TPHCM tại trụ sở 122 Sương Nguyệt Anh là căn nhà mà chủ nhà đã hiến tặng cho Hội Nhiếp ảnh TPHCM theo thuyết phục của ông.

Nhận giải
Trao giải đầu tư sáng tác - 2021 cho hội viên của HOPA

Có thể nói ông Lâm Tấn Tài đã đặt những "viên gạch", tạo nền móng đầy riêng biệt và đặc sắc cho Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu thành lập.

Cùng với dòng nhiếp ảnh ghi thực, cốt lõi của nghệ thuật nhiếp ảnh, cố NSNA Lâm Tấn Tài và cố nghệ sĩ Nguyễn Đặng đã sớm mở đường cho dòng nhiếp ảnh kỹ xảo phát triển, mở rộng ngôn ngữ nhiếp ảnh, nhanh chóng hòa nhập với Nhiếp ảnh thế giới.

Ông và NSNA Nguyễn Đặng có sáng kiến tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, khiến cho không khí sáng tác ảnh ở phía Nam sôi động và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ và liên hoan được tổ chức thành truyền thống cho đến ngày nay. Ông là người rất quan tâm đến việc đào tạo nhiếp ảnh. Bản thân ông cũng viết sách dạy nhiếp ảnh và dạy học cho các học viên.

Từ trụ sở 122 Sương Nguyệt Anh, đã có hàng ngàn nhiếp ảnh gia được đào tạo, trưởng thành kế thừa thế hệ đi trước xây dựng Hội Nhiếp ảnh TP ngày càng vững mạnh như hiện nay.

“Là một nghệ sĩ sáng tác và nhà quản lý, việc HOPA đúc tượng đồng chân dung NSNA Lâm Tấn Tài là công trình giàu ý nghĩa văn hóa, gìn giữ quá khứ, giáo dục thế hệ tương lai khi tình yêu và trái tim nghệ sĩ hòa nhịp với xã hội tìm được hạnh ngộ giữa Trao và Nhận.", nguyên Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Lê Xuân Thăng phát biểu.

Cố nghệ sĩ Lâm Tấn Tài cũng tận tụy giúp các địa phương phía Nam xây dựng quản lý phong trào, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn công tác giám khảo và phát triển lực lượng nghệ sĩ nhiếp ảnh trong hàng chục năm trời ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Ông đã có công rất lớn xây dựng phong trào nhiếp ảnh của TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là người đầu tiên mang ảnh nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.

Kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống NA Việt Nam: Cuộc đời và Sự nghiệp của Cố NSNA Lâm Tấn Tài 5
Các thế hệ NSNA chụp hình kỷ niệm chung.

"Tấm gương sáng của nhà sáng lập và Tổng Thư ký đầu tiên Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh sẽ là bài học giáo dục cho các thế hệ trẻ cầm máy dám dấn thân vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật.”, Chủ tịch HOPA Đoàn Hoài Trung nói.

Nhân kỷ niệm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, VAPA cũng trao tặng kỷ niệm chương, phong tước hiệu nghệ sĩ, bằng khen cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh và kết nạp hội viên mới.

Ngày 15/3/1953 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự phát triển và định ra hướng đi cho Nhiếp ảnh tạo nền móng cho ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Theo quyết định số 274 QĐ-UB ký ngày 28/11/1981 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhiếp ảnh TPHCM (HOPA) được chính thức thành lập với vị Tổng Thư ký đầu tiên là Lâm Tấn Tài (ngày nay là chủ tịch hội).

Cố nghệ sĩ Lâm Tấn Tài (1935-2001), quê ở tỉnh Đồng Tháp, sinh ngày 22/5/1935 tại phường Thắng Tam, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông đi theo cách mạng từ tháng 5/1947, rồi tham gia văn công trước khi tập kết ra Bắc  năm 1954. Ở ngoài Bắc, ông học văn hóa tại các trường phổ thông, theo học ở Trường Học sinh Miền Nam rồi theo học khoa lịch sử trường Đại học Lomonosov – Liên Xô. Khi thi hành hiệp định Paris, năm 1973, ông làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Bình luận