Làng nghề làm lồng đèn ở TPHCM đang dần mai một

(VOH) - Gần đến tết Trung thu nhưng không khí tại xóm làm lồng đèn Phú Bình quận 11 khá ảm đạm, chỉ có một vài hộ dân ở đây còn làm đèn với số lượng không nhiều.

Dọc hai bên đường đã không còn rộn ràng chìm trong sắc đỏ những chiếc lồng đèn giấy kiếng truyền thống như hơn chục năm về trước. Làng nghề lồng đèn vang danh một thời, giờ phải đối diện với nguy cơ mai một...

Làng nghề làm lồng đèn ở TP HCM đang dần mai một 1
Niềm vui của người theo nghề làm lồng đèn giấy kiếng tại Phú Bình

Đã tồn tại hơn 50 năm, làng nghề sản xuất lồng đèn Phú Bình trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc tìm kế sinh nhai. Với sự cố gắng và muốn giữ lại nghề truyền thống của ông bà, nhiều gia đình ở đây vẫn cứ bám trụ để tiếp tục gìn giữ nghề tuyền thống của gia đình trước nguy cơ mai một. Điển hình như nhà của chị Lê Thị Thắm chuyên làm các mẫu lồng đèn nhỏ với các hình như con công, cá, rồng, bướm, thuyền, ngôi sao… rồi giao đến mối, các sạp trong chợ, chị Thắm cho biết: Những năm gần đây, mẫu lồng đèn có gắn đèn điện, nhạc đã khiến cho lồng đèn giấy kiếng Phú Bình mất dần chỗ đứng. Nhiều hộ đã bỏ nghề…

Cả xóm chỉ còn lác đác vài hộ cố bám trụ, hầu hết là những người già và trung niên. Gia đình của chị là một trong số ít hộ còn trụ được với nghề đến giờ. Những nơi còn đặt mua đèn Trung thu truyền thống chủ yếu là các hội đoàn mua tặng cho các em thiếu nhi khó khăn vùng sâu vùng xa, hoặc một số nơi mua đèn để tặng trẻ em các khu phố, còn các chợ, các cửa hàng chỉ mua với số lượng rất ít. 

“Chỉ người lớn tuổi người ta làm thôi, chứ mấy đứa nhỏ ban ngày đi làm, ban đêm đi chơi chứ không thích làm. Bây giờ thì công phu nhiều hơn hồi xưa vì mình phải xếp khung lại, khung được làm bằng kẽm ở bên trong. Hồi xưa thì khung này làm bằng tre, chưa có thiết kế thì không xếp lại như bây giờ được. Mình xếp xong cột lại rồi bỏ vào bao. Nhiều người đi từ thiện họ chọn đèn truyền thống. Còn TP mình thích mấy đèn điện tử, lạ lạ. TP họ chỉ có 1, 2 đứa con nên thích đèn nhạc kêu ríu rít. Làm lồng đèn khó khăn ở chỗ cái gì cũng lên giá hết. Giá bán thì không lên” - chị Lê Thị Thắm chia sẻ.

Làng nghề làm lồng đèn ở TP HCM đang dần mai một 2
Những cửa hàng bán lồng đèn ế ẩm

Em Nguyễn Thị Hồng Anh là con gái chị Thắm cho biết, mặc dù rất yêu thích nghề làm lồng đèn nhưng em chỉ có thể phụ gia đình vào buổi tối, hoặc ngày nghỉ, vì có bám trụ cũng không đủ sống. “Nghề này em đã làm phụ ông từ lúc 4-5 tuổi nên em mong muốn được tiếp nối ông bà, giữ được nét truyền thống. Em thích làm nghề truyền thống như vậy là vì mấy em nhỏ. Những khi mấy em cầm lồng đèn này thì em thấy vui, thấy mình cũng đã góp phần giúp các em có một cái tết trung thu vui thì từ đó mình cũng có động lực để làm” - Hồng Anh nói.

Tương tự, với ông Hỷ Tảo Sáng, ngụ đường Phú Bình, Quận 11, gắn bó với nghề gần 40 năm nay, khi đó ông mới 22 tuổi còn bây giờ đã ngoài 60 kể, làng nghề Phú Bình có tiếng từ những năm 1990. Đây là nơi cung cấp lồng đèn truyền thống cho các đầu mối ở chợ Lớn, chợ Bà Chiểu, Tân Bình và một số cửa hàng trên địa bàn Thành phố…Lồng đèn Phú Bình xưa nay vốn được ưa chuộng vì mẫu mã và sự dày công chăm chút của những người làm nghề. Tuy vậy, những năm gần đây hầu hết các cửa hàng đều đìu hiu. Nhiều người phải chuyển nghề vì mỗi năm chỉ có thể làm thời vụ chừng 3 tháng là phải nghỉ. “Tôi bán nước đá sinh sống, chừng nào có lồng đèn thì làm thêm. Cái này thời vụ có mấy tháng thôi, tầm 3 tháng là hết; còn cái tiệm của Trung Quốc làm cả năm luôn. Một ngày tôi dán bốn, năm chục cái được một trăm ngàn. Tre, giấy, hồ của nó luôn. Mình già chết đi rồi, người trẻ cũng có người theo nghề. Nhà tôi có mấy đứa con có khi làm dùm cho cha. Bây giờ mấy đứa con, cháu đi làm nghề khác rồi”, ông Hỷ Tảo Sáng cho biết thêm. 

Ở đây có ông Dính mà mọi người thường gọi là ông Sáng lồng đèn, ngụ đường Phú Bình kể lại một thời quá khứ huy hoàng của làng nghề đèn Trung thu. Ngày xưa mỗi khi đến vụ, ở đây nhà nào cũng làm lồng đèn. Bước vào làng nghề này đèn treo khắp nơi từ trong nhà ra đến ngoài ngõ. Mỗi khi sắp đến Trung thu là cả gia đình gồm có cha mẹ, con, cháu xúm lại làm ngày làm đêm mà có khi vẫn không đủ đèn để bán; còn bây giờ chỉ còn mình ông làm đèn và bán với số lượng ít nhưng cũng không có khách mua. Theo ông Sáng, bây giờ trên thị trường các cửa hàng thường bày bán các loại đèn Trung thu từ Trung Quốc làm bằng nhựa, sử dụng pin để thắp sáng và phát nhạc nên trẻ con rất thích. Do đó, rất ít nơi còn bán lồng đèn truyền thống. Hình ảnh này khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng vì một nghề truyền thống đẹp đang dần bị biến mất. “Ế lắm, trước đây thì còn tạm tạm chứ bây giờ làm cả năm trời, tới chừng không bán được thì lấy đâu ăn. Thực ra cái đèn truyền thống này nó không có nhiều đâu. Nói chung thì còn thua cả cái đèn nhựa nữa đó. Bởi vì cái này đốt đèn cầy, người ta sợ cháy. Bây giờ thời hiện đại mà, mấy đứa trẻ đâu có còn mê mấy cái này. May ra nhà trường còn mua, thì trẻ con còn biết được truyền thống Trung thu".

Theo thời gian có lẽ thế hệ mai sau chỉ biết đến làng nghề đèn lồng Phú Bình qua những bài báo cũ, qua lời kể. Bởi năm nay, lồng đèn Phú Bình lại vắng bóng những loại đèn đậm chất dân gian và đã từng là niềm tự hào của Phú Bình một thời, như đèn kéo quân, đèn cù - món đồ chơi giản dị và gần gũi với tuổi thơ của nhiều thế hệ mỗi dịp rằm Trung thu tháng Tám. Màu sắc dân gian cũng mai một dần, vì sự thay đổi của thị trường, nghệ nhân Phú Bình chỉ đầu tư cho những chiếc đèn lồng đơn giản hơn với chi phí sản xuất ở mức thấp nhất. Nơi đây đã không còn cảnh nhà nhà làm lồng đèn, người người làm lồng đèn như những năm về trước. Chỉ còn những lao động đã lớn tuổi hoặc là người có thời gian nhàn rỗi còn gắn bó với nghề…