Lấp lánh làng quỳ vàng Kiêu Kỵ

(VOH) - Làng nghề này, có những con người vẫn còn lấm lem với cách làm thủ công, tạo nên những lá vàng lấp lánh.

Cát bay vàng lại ra vàng

Những người quân tử dạ càng đinh ninh

Đó là câu ca dao của người xưa về giá trị của vàng, cũng là giá trị của mỗi con người. Người Tràng An vốn nổi tiếng quân tử, thì tại Hà Nội, làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ cũng nức tiếng gần xa. Ngày nay, khi những sản phẩm dát vàng xuất hiện khắp nơi, với công nghệ xi mạ hiện đại. Thì tại làng nghề này, có những con người vẫn còn lấm lem với cách làm thủ công, tạo nên những lá vàng lấp lánh. Chỉ với mục tiêu làm ra những sản phẩm tốt nhất, và giữ gìn truyền thống ông cha.

Theo người làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội, nghề dát vàng truyền thống của làng có từ thế kỷ 17. Công việc dát vàng có rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều có những ý nghĩa và giá trị riêng, sai một công đoạn có thể phải bỏ cả một sản phẩm. Đầu tiên, các nghệ nhân phải cắt vàng 10 thành những lá vàng nhỏ, gọi là cắt quỳ. Sau đó, vàng, bạc được các nghệ nhân đưa vào các lớp giấy quỳ. Đây là một loại giấy đặc biệt của làm nghề Kiêu Kỵ. Giấy quỳ được trải trên lá vả vì lá to và có đường gân, dễ định vị giấy. Sau đó, giấy quỳ được phủ mực tàu. Nhìn những sản phẩm vàng kiêu sa lấp lánh, ít ai nghĩ rằng các nghệ nhân phải lấm lem với những thỏi mực đen ngòm.

nghề dát vàng, Kiêu Kỵ
Những nghệ nhân dùng mực phủ lên giấy quỳ là công đoạn đầu tiên trong quá trình dát vàng

Sau khi cho vàng vào giấy quỳ, người thợ sẽ dùng búa đập cho vàng thật mỏng. Công đoạn này thường do các tráng niên đảm nhiệm. Trước khi trở thành những sản phẩm dát vàng được nâng niu, vàng phải trải qua những nhát búa nặng trĩu. Cũng giống như người làng Kiêu Kỵ, phải thật gian nan để bảo tồn được nét đẹp quê mình. Sau đó, những lá vàng sẽ được dát vào những vật phẩm như bàn ghế, tượng Phật, hay bất cứ thứ gì khách yêu cầu.

Lấp lánh làng quỳ vàng Kiêu Kỵ 2
Các nghệ nhân dát vàng lên vật phẩm.

Nghề dát vàng, đặc biệt là làm thủ công phải vô cùng tỉ mỉ. Vì tất cả các lá vàng đều là cây vàng thật, nên bất cứ một sai sót nào cũng dẫn đến hao hụt vàng. Ngày nay, việc sử dụng những chiếc máy công nghệ cao vô cùng phổ biến, thế nhưng các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ vẫn cố giữ cách làm thủ công để giữ gìn truyền thống, và cũng vì những sản phẩm truyền thống luôn có ngoại hình đẹp, tinh xảo và tỉ mỉ hơn. Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển, các sản phẩm thờ cúng không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn có giá trị cao về thẩm mỹ và sự sang trọng. Cũng chính vì vậy mà nghề dát vàng vẫn còn được trọng dụng.

Lấp lánh làng quỳ vàng Kiêu Kỵ 3

Các sản phẩm của làng Kiêu Kỵ đều mang nét đẹp hết sức thanh lịch và sang trọng.

Thế nhưng, không phải vì thế mà các nghệ nhân không có những nỗi lo. Giá vàng lên xuống mỗi ngày, công việc của họ cũng theo đó mà ảnh hưởng. Và những sản phẩm giả vàng, chế tác công nghiệp một cách nhanh vội cũng một phần nào đó manh nha lấn át các sản phẩm thủ công.