Đăng nhập

Lưu giữ hồn quê hương qua từng chiếc nón lá

VOH - Nón lá được xem là một nét văn hóa truyền thống của miền Tây, món thời trang bình dân, gần gũi và được nhiều người ưa chuộng.

Nơi âm thầm lưu giữ làng nghề ...

Ghé thăm làng nghề chằm nón lá truyền thống trong dịp cuối tuần tại thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, làng nghề gắn bó mật thiết với đời sống nhiều hộ dân và được xem là nghề chính. 

Hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc, bình dị dùng để che mưa, che nắng nhưng lại mang đậm nét văn hóa truyền thống của người phụ nữ vùng sông nước miền Tây.

Len lỏi qua những con đường nhỏ để tìm đến với xóm chằm nón lá, một ngôi xóm nhỏ vẫn âm thầm giữ nghề, gìn giữ những nét đẹp “hồn” quê hương mỗi ngày. Một xóm làng nghề mà những người dân ở đây cũng nhiệt tình và hiếu khách.

Những vật liệu và công đoạn để cho ra một chiếc nón lá thủ công ...

Để cho ra một chiếc nón lá hoàn chỉnh đòi hỏi cần rất nhiều công đoạn bao gồm cả khâu xử lý vật liệu làm nón. Nguyên liệu chính là lá mật cật, loại cây này thường có tên gọi khác là trúc mây hay cây hèo quạt.

Một loài cây thân nhẵn, mọc thành bụi, lá kép xòe tròn như hình quạt, lá có màu lục nhạt và mọc nhiều ở tỉnh Tây Ninh. Lá non của cây mật cật được sử dụng để làm nón lá.

Bà Trần Thị Hoa (Ấp Long Thuận B, xã Long Phước, huyện Long Hồ) chia sẻ lá được lựa chọn đem về cần phải được bỏ vào nồi luộc để lá chín đổi màu.

Khi luộc xong, lá cần đem phơi khoảng 3-4 nắng, tiếp theo lá cần phải vuốt bằng miếng mẻ sắt hơ trên lửa cho thẳng rồi mới đem chằm. Đến khâu làm sườn nón rồi công đoạn cắt lá để xây.

Lưu giữ hồn quê hương qua từng chiếc nón lá 1Xem toàn màn hình
Bà Trần Thị Hoa, người phụ nữ gắn bó lâu năm với nghề chằm nón lá

Vòng phía dưới nón phải hớt cho thật tròn lấy cây lùng chẻ ra để được vòng phía dưới. Cuối cùng đến công đoạn sơn dầu và quấn dây mới hoàn thành được một cái nón.

Nón lá có được đẹp và bền hay không phụ thuộc vào đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, đòi hỏi sự kiên nhẫn trong từng sản phẩm để mang đến người tiêu dùng những chiếc nón tốt nhất.

Lưu giữ hồn quê hương qua từng chiếc nón lá 2
Công đoạn phơi nón lá

Trăn trở của những người người phụ nữ yêu làng nghề ...

Những người phụ nữ âm thầm gìn giữ làng nghề truyền thống, lưu giữ “cái hồn” của quê hương còn nhiều trăn trở. Thời gian hoàng kim của làng nghề đã qua, giờ đây chỉ còn những người phụ nữ cao tuổi vẫn tiếp tục bám trụ với nghề.

Bà Trần Thị Hoa (Ấp Long Thuận B, xã Long Phước, huyện Long Hồ) theo nghề đã mấy chục năm. Nghề này được truyền nối từ khi ba mẹ bà còn sống. Khi được bảy, tám tuổi bà đã bắt đầu làm quen với công việc chằm lá.

Lớn lên, bà bỏ nghề một thời gian do gặp nhiều khó khăn. Rồi tình yêu với những chiếc nón lá khiến bà lần nữa quay trở lại rồi gắn bó đến nay. "Một ngày tối đa bà chỉ kiếm được 50 đến 60 ngàn chứ nhiều hơn nữa thì không được" bà Hoa bộc bạch chia sẻ.

Bà thường làm nón lá thưa với giá dao động 20 ngàn đồng/ một cái, trung bình một ngày bà làm được ba nón. Nón dày và khít dao động 50 – 60 ngàn đồng chỉ làm được một nón trong ngày. Nón lá vẫn còn được ưa chuộng, cơ sở thu mua một tuần sẽ đến lấy nón một lần. 

Vậy nhưng bà ngậm ngùi "bây giờ người trẻ đã nghỉ hết rồi, không ai làm nữa, chỉ còn những người lớn tuổi làm nghề. Chính quyền địa phương tại đây cũng đặc biệt hỗ trợ cho những gia đình khó khăn ở Khóm 6, thị trấn Long Hồ bằng hình thức cho vay để họ tiếp tục giữ nghề.

Bây giờ rất ít người còn chằm nón. Bà làm nhiều loại nón, loại nón mỏng có mắt chỉ dày 60 ngàn/ cái, loại 30 ngàn, 20 ngàn.

Gắn bó và thạo việc với nghề chằm nón, cô A (Ấp Long Thuận B, xã Long Phước, huyện Long Hồ) bén duyên với nghề này từ nhỏ, cô cho biết nghề này được truyền từ thời ông bà ngoại, nội cô đến bây giờ, xóm tồn tại nghề hơn cả trăm năm nay.

Cô cho hay nghề này chỉ đủ sống qua ngày. Xưa, nghề thịnh vượng hơn, còn giờ nhiều người đã bỏ nghề.

Cô A tâm sự : “Một bó vành 50 cây với giá 100 ngàn, khi về cần phải mang vuốt nhuyễn lại mới mang chằm nón. Loại nón đặt nếu chằm cả ngày mới hoàn thành được hai cái nón, tính cả vốn liếng bán ra không tới 150 ngàn đồng.

Các loại nón thưa được ưa chuộng hơn, còn nón đặt thì tùy theo nhu cầu người mua. Nón đẹp dao động từ 70 – 80 ngàn đồng, có loại 50 ngàn tùy theo giá.

Đa phần người mua chỉ là người quen biết, người ta thấy bền nên lại đây mua của cô. Có bốn, năm loại nón lá nhưng nhà cô đặt loại nón nào cô làm loại nón đấy. Cô rất yêu thích nghề này dù biết nó không phát triển như xưa được nữa” ...

Lưu giữ hồn quê hương qua từng chiếc nón lá 3
Cô A, người phụ nữ gắn bó lâu năm với nghề chằm nón lá

Gìn giữ hồn văn hóa qua từng chiếc nón lá bình dị ...

Dù đã bước qua khoảng thời gian hoàng kim của làng nghề, xóm chằm nón lá vẫn tồn tại bền bỉ, âm thầm qua hàng trăm năm tại thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, Vĩnh Long.

Sự kiên trì, quyết tâm, tình yêu nghề của những người phụ nữ tại đây đã giúp làng nghề tồn tại đến nay. Sự phát triển của du lịch đã giúp chiếc nón lá có thêm đời sống mới. Và đó cũng chính là điểm tựa để làng nghề mong cầu phát triển bền bỉ, giữ gìn nét văn hóa qua từng chiếc nón lá bình dị.

Bình luận