Lý Chiêu Hoàng tên huý là Lý Phật Kim, con gái thứ hai của Vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung, chị gái của bà là Thuận Thiên công chúa. Lý Chiêu Hoàng ra đời năm Mậu Dần (1218), vào thời điểm cơ nghiệp nhà Lý đang suy tàn, vua bỏ bê việc binh việc nước, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm nổi, chính sự ngày một đổ nát.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), Vua Lý Huệ Tông bị Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ xa của Hoàng hậu Trần Thị Dung) ép đi tu, nhường ngôi lại cho con gái Lý Phật Kim. Sau khi lên ngôi năm 6 tuổi, Lý Phật Kim đổi tên thành Lý Chiêu Hoàng. Từ đây, mọi sóng gió bắt đầu phủ xuống đầu vị Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1225, Trần Thủ Độ đưa cháu của mình là Trần Cảnh (sau là vua Trần Thái Tông) vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng yêu mến, thường xuyên gần gũi, trêu đùa.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép:
Một hôm, Cảnh lúc ấy 8 tuổi phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng thấy thế làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng trên bóng.
Có một hôm, Cảnh bưng nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh.
Chuyện đùa giỡn của trẻ con lại được Trần Thủ Độ lấy làm dịp mà dàn dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Sau đó mưu đồ đảo chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi (thực tế là ép) cho chồng.
Tháng 11 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng chính thức xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Chiêu Hoàng ngự trên sập báu trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần, đồng thời kết thúc hơn 200 năm thời đại nhà Lý cai trị Đại Việt. Khi đó Chiêu Hoàng mới 7 tuổi, bà được phong làm Hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh.
Năm 14 tuổi (1232), Chiêu Thánh Hoàng hậu hạ sinh thái tử cho Vua Trần Thái Tông nhưng không may Thái tử Trần Trịnh chết sau khi sinh không lâu. Từ đó hoàng hậu đau ốm liên miên, suốt 5 năm liền không thể sinh con.
Năm Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), Trần Thủ Độ sốt sắng việc nhà Trần không có người nối dõi nên bàn mưu cùng Trần Thị Dung (mẹ ruột của Lý Chiêu Hoàng và hiện đã lấy Trần Thủ Độ, gọi là công chúa Thiên Cực) ép Vua Trần Thái Tông bỏ Chiêu Thánh Hoàng hậu để lấy Thuận Thiên Công chúa đang mang thai ba tháng, Thuận Thiên công chúa là chị gái Lý Chiêu Hoàng, hiện là vợ của Trần Liễu anh trai Vua Trần Thái Tông.
Hoàng đế Thái Tông kịch liệt phản đối, đang đêm trốn khỏi kinh thành để lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử nương nhờ. Thái sư Trần Thủ Độ tìm đến vừa dỗ dành, vừa gây sức ép, cuối cùng nhà vua cũng phải xuôi theo. Chiêu Thánh Hoàng hậu bị phế thành công chúa, lập Thuận Thiên Công chúa lên thế hậu.
Vì chuyện nghịch lý này Hoài vương Trần Liễu nhiều năm nổi loạn ở sông Cái, sau cùng thì đến xin Thái Tông tha tội, hai anh em ôm nhau khóc thảm thiết. Nhưng Trần Thủ Độ lại muốn giáng Trần Liễu làm An Sinh vương, tiêu diệt hết những binh lính, tướng sĩ theo Liễu làm loạn, ban cho Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang làm ấp thang mộc.
Còn về phần Chiêu Thánh công chúa, vì quá buồn rầu bà đã xuất gia đi tu. Bà và Thái Tông Hoàng đế có hơn 10 năm bên nhau, tình cảm sâu sắc, được vua Thái Tông hết mực yêu thương, kính trọng.
Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1257 – 1258) diễn ra, tướng Lê Tần lập được nhiều chiến công, cứu vua Thái Tông trong một trận đánh khốc liệt. Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, Thái Tông Hoàng đế đổi tên Lê Tần thành Lê Phụ Trần, phong tước vị và gả vợ cũ của mình là Chiêu Thánh Công chúa cho ông. Có lẽ, Thái Tông Hoàng đế đang muốn bù đắp cho những bất hạnh mà Chiêu Thánh phải chịu đựng.
Đại Việt Sử ký toàn thư có chép:
Vua nói rằng: Trẫm đã không có khanh há có được ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc trọn vẹn về sau.
Chiêu Thánh không từ chối được, bà đặt ra 3 điều kiện: Thứ nhất, xóa bỏ lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý. Thứ hai, lăng miếu thờ các vị hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn. Thứ ba, dinh thự của Lê Phụ Trần phải chuyển ra xa hoàng thành.
Trần Thái Tông đồng ý với các điều kiện trên, Chiêu Thánh kết hôn với Lê Phụ Trần khi đó bà đã 40 tuổi.
Xem thêm: Huyền Trân công chúa và cuộc hôn nhân với vua Chế Mân
Bên cạnh Lê Phụ Trần được 20 năm, có lẽ là khoảng thời gian bình yên nhất trong cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng, bà được hưởng sự yêu thương, hạnh phúc bên người chồng gượng ép. Lý Chiêu Hoàng sinh cho Lê Phụ Trần hai người con, con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Về sau, Lê Tông trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, vua ban quốc tính và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Trần Bình Trọng là danh tướng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Đầu năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Phù thứ 6 (1278), tháng 3, Chiêu Thánh công chúa qua đời, hưởng thọ 61 tuổi sau gần 1 năm tròn ngày Vua Trần Thái Tông qua đời (1277). Tương truyền, bà về thăm quê Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) và qua đời tại đây, khi ấy Chiêu Thánh Công chúa tóc vẫn đen nhánh, môi đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào.
Việt sử tiêu án có chép lại thuyết dân gian rằng Chiêu Thánh công chúa đã nhảy hồ tự sát, nguyên văn:
Bà Chiêu Thánh mất. Bà đã bị giáng là Công chúa, rồi gả cho Phụ Trần, khi ấy mất đã 61 tuổi. Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang, có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên bờ đầm có miếu Chiêu Hoàng. Đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Hoàng mà đặt ra thuyết ấy.
Sau khi chết, Chiêu Thánh công chúa được an táng ở bìa rừng Báng, người đời sau lập đền thờ cho bà gọi là Long miếu (đền Rồng). Một số nhận định cho rằng, tuy Lý Chiêu Hoàng từng là vua chính thức của vương triều nhà Lý nhưng không được thờ chung tại đền Đô với 8 vị vua trước (từ Vua Lý Thái Tổ tới Vua Lý Huệ Tông) vì bà bị xem là người có tội khi để nhà Lý rơi vào tay nhà Trần. Còn theo Giáo sư Sử học Vũ Văn Ninh, có thể vì bà làm vua trong 2 năm lúc còn nhỏ không có công lao gì với đất nước, về sau nhường ngôi vua và còn bị phế hậu, cuối cùng xuất giá tòng phu không còn là người trong cung thất nhà Lý nữa.
Cuộc đời Lý Chiêu Hoàng trải qua vô vàn biến cố, thăng trầm, số phận của bà cũng được xem là lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong 61 năm cuộc đời, Lý Chiêu Hoàng 7 lần giữ những chức vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng thái tử triều Lý, Nữ hoàng đế triều Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, sư cô và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
Nguồn ảnh: Internet / Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ