Chờ...

Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc nản lòng trong việc tìm kiếm việc làm, vì sao?

VOH - Theo dữ liệu mới nhất từ Chính phủ Hàn Quốc, gần 250.000 thanh niên trong độ tuổi 15-29 đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài ít nhất 3 năm.

Trong số đó, hơn 80.000 người cho biết họ không tìm được việc làm cũng như không tham gia bất kỳ khóa đào tạo nghề nào trong suốt thời gian này.

Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết, tính đến tháng 5 năm nay, 238.112 thanh niên đã không làm việc sau khi tốt nghiệp trường học gần nhất. Đáng chú ý, 82.545 người trong số này chỉ ở nhà, không tìm việc và chủ yếu dựa vào gia đình.

Một số khác dành thời gian để học thi tuyển dụng, chăm sóc gia đình hoặc theo đuổi việc học đại học.

Dữ liệu cho thấy ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy nản lòng trong việc tìm kiếm việc làm. Trong khi chỉ 26,4% thanh niên thất nghiệp dưới 6 tháng không tìm việc, con số này tăng lên 34,2% đối với những người thất nghiệp ít nhất 3 năm.

Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang trải qua một giai đoạn cạnh tranh việc làm khốc liệt nhất tại châu Á.

Thanh niên dưới 30 tuổi trung bình mất đến 11,5 tháng để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, đánh dấu thời gian tìm việc dài nhất trong 20 năm qua.

Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 17 6 2024. Ảnh Yonhap
Ảnh minh họa: TTXVN

Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết bơm gần 1.000 tỷ won (738 triệu USD) vào các chương trình hỗ trợ thanh niên thuộc nhóm NEET (không có việc làm, không học tập hay đào tạo) để khuyến khích họ quay trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm chất lượng khiến nhiều người trẻ chọn thất nghiệp thay vì chấp nhận những công việc không ổn định.

Han Sung Ju, một cô gái 28 tuổi đã tốt nghiệp thạc sĩ từ một trường đại học danh tiếng ở Seoul, cho biết cô đã nộp đơn vào hơn 100 vị trí nhưng vẫn chưa tìm được việc. Cô hy vọng kiếm được một công việc với mức lương trên 30.000 USD/năm, mặc dù nhận thức rằng cơ hội ngày càng hiếm hoi.

Cô chia sẻ: "Ban đầu, tôi muốn nhận mức lương khoảng 50 triệu won, nhưng chỉ có các tập đoàn lớn mới đưa ra mức lương như vậy.

Giờ tôi đã điều chỉnh mục tiêu xuống còn hơn 40 triệu won và vẫn phải ứng tuyển vào các vị trí có mức lương thấp hơn."

Thực tế cho thấy, khoảng cách tiền lương giữa các công ty nhỏ và lớn ngày càng gia tăng, khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc tìm kiếm việc làm cảm thấy thất vọng. 

Trong bối cảnh này, nhiều thanh niên Hàn Quốc như Han tiếp tục kiên trì tìm kiếm cơ hội, mặc cho những thách thức đang ngày càng gia tăng.

Sự cạnh tranh khốc liệt và tình hình kinh tế không thuận lợi đang đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai việc làm của thế hệ trẻ tại xứ sở kim chi.