Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Yêu thương và chia sẻ để hạnh phúc tròn đầy

(VOH) - Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 chuyển tải thông điệp: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, VOH có trao đổi với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM xung quanh vấn đề Yêu thương và chia sẻ để hạnh phúc tròn đầy.

yeu-thuong-va-chia-se-de-hanh-phuc-tron-day-voh.com.vn-anh1
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PNO)

*VOH: Thưa ông, ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan và được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao. Và ngày này đã được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon chính thức công bố tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc từ tháng 6/2012. Đến nay, đã có gần 200 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ ngày này. Vậy tại sao mãi gần đây mới có ngày Quốc tế Hạnh phúc? Theo ông có phải quá muộn không?

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Gần 70 năm sau khi ra đời Liên Hợp Quốc mới quyết định lấy ngày 20/3 hàng năm (từ 2013) làm ngày Quốc tế Hạnh phúc. Như vậy là muộn cũng đúng; nhưng thực ra là từ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI những vấn đề liên quan đến chỉ số phát triển, thu nhập quốc dân và đời sống con người (nhất là vấn đề hạnh phúc con người, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc xã hội…) ngày càng trở nên bức thiết. Liên Hợp Quốc lấy ngày 20/3 (xuân phân, cân bằng…) để thế giới đồng hành cùng hành động vì hạnh phúc con người, công bằng giữa con người, giữa các quốc gia với nhau.

*VOH: Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2020 do Liên Hợp Quốc công bố, Việt Nam xếp hạng 83 trên 156 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2019, cho thấy chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam đạt 6,8/10 điểm. Nhìn nhận đánh giá trên có quá cao hay quá thấp không?

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Tất cả đều chỉ là tương đối thôi, vì con số định lượng chỉ dùng để báo cáo, để so sánh và làm cho các quốc gia có mức phấn đấu vươn lên sao cho mục tiêu hạnh phúc của người dân thực sự đạt được như mong đợi của từng quốc gia và mong đợi chung của Liên Hợp Quốc. Điểm 6,8/10 hay thứ hạng 83/156 của Việt Nam cho phép Việt Nam tự tin hơn trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách chăm lo cho người dân của Chính phủ Việt Nam (nhất là trong thời kỳ cả thế giới chống Đại dịch Covid-19 như hiện nay); thực ra Việt Nam còn nhiều việc phải làm để phát triển đời sống xã hội (Chẳng hạn xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam theo chuẩn mới thì nhiều địa phương còn rất khó khăn trong thực hiện).

*VOH: Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ qua đã trải qua rất nhiều biến cố so với nhiều nước khác. Đánh giá quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử có những điểm giống và khác nhau như thế nào?

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Những biến cố trong lịch sử VN thế kỷ XX là rất lớn và cơ bản là sự thay đổi quan trọng về thể chế, chính sách xã hội, chuyển biến kinh tế, địa vị người dân trong phát triển (từ thuộc địa nửa phong kiến sang dân chủ cộng hòa, từ nô lệ sang làm chủ vận mệnh, từ chiến tranh sang hòa bình, từ cơ chế cũ sang đổi mới, từ chưa phát triển sang phát triển và hội nhập…) – Vì thế quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam mỗi thời đương nhiên sẽ khác nhau: Thời mất nước, khi đấu tranh chống áp bức dân tộc, quan niệm và quan điểm chung là Hạnh phúc gắn với Độc lập dân tộc và tự do của con người trong xã hội (Độc lập - Tự do - Hạnh phúc); người Việt Nam trong chiến tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc coi “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà, Ấm tình Tổ quốc ấm tình ta”. Thời hoà bình lao động, kiến thiết phát triển lại thấy hạnh phúc trước hết là hạnh phúc gia đình, vai trò của gia đình thiết kế hạnh phúc là rất quan trọng. Điểm khác nhau giữa các thời kỳ chuyển biến lịch sử là quan niệm về hạnh phúc ngày càng thực tế hơn, nhất là tuổi trẻ ngày nay sống thực dụng hơn, gắn liền với kinh tế thị trường, nhu cầu ngày càng cao...

*VOH: Một số ý kiến cho rằng đời sống ngày xưa nghèo khổ, song hạnh phúc hơn hiện nay?

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Cũng do thực tế xưa - nay khác nhau nhiều quá (nhất là nay kinh tế thị trường, phát triển và hội nhập quốc tế), khoảng cách thế hệ giãn rộng ra cả trong điều kiện, hoàn cảnh, trình độ văn hóa, nhận thức thực tế, làm cho người lớn tuổi dễ so sánh và tiếc nuối quá khứ… Thực ra, những điều kiện vật chất đảm bảo cho hạnh phúc ngày nay rõ ràng hơn hẳn ngày xưa, tiến bộ hơn xưa nhiều.

*VOH: Ông nghĩ sao về thói bon chen, chà đạp người khác để tìm hạnh phúc cho mình? Đâu mới là quan niệm hạnh phúc trọn vẹn thực sự?

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Quan niệm về hạnh phúc có khi là rất giản dị, đơn giản, nhưng có khi là rất lớn lao – Cứ đạt được điều mong ước là thấy hạnh phúc, đem lại niềm vui hạnh cho người khác là hạnh phúc (theo Các Mác: Hạnh phúc là đấu tranh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hạnh phúc không hẳn chính xác là yêu thương hay được yêu thương. Nhưng yêu thương và được yêu thương chắc chắn sẽ đem lại những phút giây hạnh phúc). Điều quan trọng là phải phấn đấu cho hạnh phúc. Không thể bon chen, chà đạp người khác để tìm hạnh phúc cho mình, như thế chính là tự đạp bỏ hạnh phúc của mình.

Để có hạnh phúc trọn vẹn thực sự, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu tại ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam năm 2014: “Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước Độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ”. Nhận thức của Chính phủ là vậy, còn mỗi người, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh sẽ có nhiều trả lời (chứ không có câu trả lời chung); tuy vậy sẽ có nhiều sự đồng ý khi nói hạnh phúc là yêu thương và sẻ chia; hạnh phúc là một giá trị mà ta phải biết hướng đến và biết nâng niu, giữ gìn nó.

*VOH: Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay vẫn là “Yêu thương và chia sẻ”, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, cũng như kinh tế toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng nặng nề thì ông nhận thấy chủ đề này có ý nghĩa ra sao, và nên vận dụng, phát huy như thế nào để mọi người có được hạnh phúc?

- PGS.TS Hà Minh Hồng: “Yêu thương và chia sẻ” trước khi trở thành chủ đề cho ngày Quốc tế Hạnh phúc, nó đã là những hoạt động đơn giản và dung dị thường ngày của con người dùng để gắn kết những điều tốt đẹp cho nhau, làm lan tỏa niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Yêu thương và chia sẻ là những động từ có giá trị bền lâu cho mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia phải có hành động cụ thể, thiết thực để hợp tác, giúp đỡ và chia sẻ trong xây dựng đời sống hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, Việt Nam thật may mắn được sống trong hòa bình, ổn định với những chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp và tiến bộ, có điều kiện thuận lợi để tạo dựng các giá trị hạnh phúc cá nhân, xây dựng hạnh phúc gia đình; mỗi người càng phải yêu thương nhau và yêu thương những người chưa có may mắn đó, quan tâm và đồng cảm, chia sẻ với nhau và những người dân các nước về tình đoàn kết, yêu thương – Đó là hạnh phúc được chia sẻ và nhân đôi, là cách lan tỏa hạnh phúc để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

*VOH: Cảm ơn ông

Bình luận