Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, có sao không?

(VOH) –  Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là những vấn đề bạn sẽ phải đối mặt nếu thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm.

Nếu bạn có một đêm ngủ không ngon giấc, có thể đó không phải là vấn đề lớn. Nhưng nếu bạn bị thiếu ngủ liên tục, trằn trọc khó ngủ hoặc ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, hãy cẩn thận vì bạn có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả.

1. Gia tăng sự lo lắng

Theo tiến sĩ Sue Peacock (chuyên gia về giấc ngủ), giấc ngủ và sự lo lắng tác động lẫn nhau. Thiếu ngủ dẫn đến lo lắng và lo lắng cũng có thể gây thiếu ngủ.

Lo lắng khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ, vì não đang ở chế độ “chiến đấu”, nghĩ về tất cả các kết quả có thể xảy ra đối với bất cứ điều gì gây ra lo lắng. Ngoài ra, lo lắng chờ đợi (lo trước khi sự việc xảy ra), lo lắng cụ thể về giấc ngủ có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và mất ngủ. Sau đó, chúng tạo ra một vòng phản hồi khiến cả hai tình trạng tồi tệ hơn.

Các nghiên cứu cũng phát hiện, thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng duy trì sự tích cực khi đối mặt với các sự việc nghiêng về cảm xúc.

Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, có sao không? 1
Thiếu ngủ dẫn đến sự lo lắng - Nguồn ảnh: Internet

2. Hệ miễn dịch suy yếu

Tiến sĩ Sue cho biết, giữa chu kỳ đánh thức giấc ngủ và hệ thống miễn dịch có mối quan hệ ràng buộc phức tạp. Khi ngủ, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các chất bảo vệ, chống nhiễm trùng cũng như cytokine. Các chất này được dùng để chống lại những kẻ xâm lược như vi khuẩn và virus. Đồng thời giúp bạn ngủ ngon, cung cấp cho hệ thống miễn dịch nhiều năng lượng để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.

Nếu không ngủ đủ giấc, cơ thể không sản xuất đủ các cytokine, sẽ làm giảm phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng, khiến bạn dễ mắc bệnh và mất nhiều thời gian để khỏi bệnh.

3. Kinh nguyệt không đều

Với phụ nữ, thiếu ngủ có thể gây hại cho hormone tuyến giáp. Tiến sĩ Katharina Lederle (chuyên gia về giấc ngủ và đồng hồ cơ thể) cho biết, khi bạn thiếu ngủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) sẽ tăng lên. Mức TSH cao có thể gây kinh nguyệt không đều, không phóng noãn (trứng không được giải phóng), vô kinh và sảy thai tái phát.

4. Giảm hiệu quả làm việc

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những nhân viên ngủ trung bình 5 tiếng mỗi đêm mất đến 2,22 ngày làm việc mỗi năm, so với 1,48 ngày làm việc của những ngủ đủ 8 tiếng/ngày.

Theo tiến sĩ Katharina, thiếu ngủ tác động tiêu cực đến tất cả những thứ chúng ta cần để làm tốt công việc của mình như: hiệu suất nhận thức, khả năng đưa ra quyết định, trí nhớ,…

Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, có sao không? 2
Thiếu ngủ làm giảm hiệu suất làm việc - Nguồn ảnh: Internet

5. Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Ngủ không đủ giấc có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe hệ tim mạch, bao gồm nguy cơ bị huyết áp cao, đau tim và đột quỵ.

6. Tăng cân

Rất nhiều người gặp phải tình trạng đói cồn cào sau một đêm ngủ không ngon. Lý do là vì khi ngủ, các hormone như cortisol, leptin và ghrelin được điều hòa, đây là những hormone giúp kiểm soát cân nặng. Thiếu ngủ khiến hormone này bị giảm, từ đó làm tăng cảm giác thèm ăn, ăn quá nhiều và tăng cân.

7. Làn da bị tàn phá

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo tế bào và có tác dụng đối với tình trạng viêm trong cơ thể, người thiếu ngủ thường có làn da thiếu sức sống và kém hấp dẫn.

Theo bác sĩ Vaishal Shal (Trung tâm Rối loạn giấc ngủ tại Phòng khám Cleveland), da xỉn màu, bọng mắt, da vùng mắt tối màu đi có thể là triệu chứng của thiếu ngủ.

8. Các vấn đề sức khỏe khác

Ngoài những vấn đề sức khỏe kể trên, ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tiểu đường, suy giảm trí nhớ và nhận thức, cáu kỉnh, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.