Các chuyên gia cho biết, mọi người nên thay túi chườm nóng sau 2 năm sử dụng, vì cao su sẽ bị xuống cấp theo thời gian, khiến túi dễ bị nứt.
Cô Yazmin Hardy không biết rằng túi chườm nước nóng cũng có hạn sử dụng. Sau tai nạn, cô phát hiện rằng túi chườm nóng của mình đã hết hạn từ năm 2022.
Theo Daily mail, vào tháng 7, khi bị đau bụng do chu kỳ kinh nguyệt, cô Hardy (27 tuổi) dùng túi chườm nóng để giảm đau. Sau khi đổ đầy nước sôi vào túi, cô cho túi vào vỏ rồi lên ghế sofa nằm nghỉ.
Chỉ vài phút sau, túi chườm đã phát nổ, nước sôi tràn ra chân, bụng dưới và tay của cô. Ngay lập tức, cô cởi bỏ quần áo và nhảy vào tắm nước lạnh trong 30 phút để giảm đau.
Nhưng khi cảm giác bỏng không thuyên giảm, cô đã đến bệnh viện Wythenshawe ở Manchester để điều trị.
Các bác sĩ đã loại bỏ phần da chết và băng bó vết thương của cô, nhưng cô phải quay lại bệnh viện mỗi ngày trong suốt 2 tuần để thay băng.
Hardy chia sẻ rằng, ban đầu cô nghĩ lỗi do mình không vặn chặt nắp, nhưng khi kiểm tra lại, cô phát hiện ra một vết nứt nhỏ ở đường may của túi cao su
Mặc dù việc nhảy vào vòi sen ngay sau tai nạn đã giảm bớt cơn đau, nhưng áp lực nước khiến da cô bị "tróc ra" khỏi chân. Nhiều ngày sau, chân của cô vẫn còn cảm giác bỏng rát và 1 tuần sau đó vẫn nóng rực.
Đã 2 tháng kể từ khi bị bỏng, mặc dù da của cô đang lành lại, các bác sĩ cho biết cô có thể bị sẹo vĩnh viễn.
Sau sự việc, cô khẳng định sẽ không bao giờ sử dụng túi chườm nóng nữa.
Cô Hardy lên tiếng kêu gọi những người sử dụng túi chườm nóng kiểm tra hạn sử dụng trên sản phẩm của họ.
Cô cho biết, cô đã học thêm được nhiều quy tắc an toàn liên quan đến việc sử dụng túi chườm nóng kể từ sau tai nạn.
“Thực ra, bạn không nên đổ đầy nước sôi từ ấm vào túi. Bạn nên pha một nửa nước sôi và nửa còn lại là nước lạnh. Bạn cũng không nên đổ nước đầy đến miệng túi chườm vì áp suất và nhớ kiểm tra hạn sử dụng” – cô nói.