Hành trình của cô từ Everest Base Camp lên đỉnh mất 14 giờ 31 phút, sau đó đi xuống thêm 9 giờ 18 phút. Cô rời Base Camp lúc 15h52 chiều ngày 23/5 và lên đến đỉnh Everest lúc 06h23 sáng hôm sau.
Do mùa leo núi có hạn và điều kiện khó khăn trên đỉnh Everest nên cơ hội lên tới đỉnh núi rất nhỏ. Hàng năm, những hàng dài người leo núi chờ đợi cơ hội leo lên đỉnh với tình trạng “ùn tắc giao thông” kéo dài hàng giờ.
Cô Lama nói với CNN rằng, việc leo núi qua đêm giúp cô vượt qua được đám đông lớn. Cô ước tính rằng từ ngày 21 đến 22/5 có khoảng 6.700 người leo núi.
Kỷ lục về việc đi lên đỉnh Everest nhanh nhất được thiết lập từ Base Camp do cần phải thích nghi với độ cao khắc nghiệt. Lama đã dành 3 tuần ở đó trước khi lên đỉnh và tham gia cùng người bạn leo núi của cô, Samantha McMahon - người đặt mục tiêu trở thành người phụ nữ Úc đầu tiên leo lên tất cả các đỉnh núi cao 8.000 mét của thế giới (đỉnh Everest cao 8.849 mét).
Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, xét tổng thời gian cần thiết để thực hiện chuyến trở về từ Base Camp, Lama đã lập kỷ lục Everest đầu tiên của mình vào năm 2018, với thời gian 39 giờ 6 phút.
Kỷ lục đó bị phá vỡ vào năm 2021 bởi Ada Tsang, người gốc Hồng Kông, với 25 giờ 50 phút. Năm nay là lần thứ hai Lama lên đỉnh Everest và cô tiếp tục phá kỷ lục.
Hiện tại, kỷ lục leo núi nhanh nhất của một người đàn ông là 10 giờ 56 phút do Lhakpa Gelu Sherpa người Nepal thiết lập năm 2003.
Bất chấp thành tích đó, Lama cho biết, cô không bị ám ảnh bởi việc theo đuổi kỷ lục hay được Guinness công nhận.
Lama sống phần lớn cuộc đời mình ở độ cao 4.500-5.000 mét so với mực nước biển. Cô lớn lên trong một cộng đồng chăn nuôi bò yak ở Thung lũng Tsum xa xôi của Nepal. Mãi cho đến khi chuyển đến Kathmandu khi còn là một thiếu niên, cô mới học nói tiếng Nepal và sau đó là tiếng Anh.
Lama đã chinh phục được Denali của Alaska, ngọn núi cao nhất ở Bắc Mỹ và hy vọng sẽ leo lên K2 ở Pakistan, đỉnh núi cao thứ hai thế giới.
Mùa leo núi Everest cao nhất thế giới năm 2024 có một số thay đổi.
Lần đầu tiên, tất cả những người leo núi đều được đeo chip theo dõi trong chuyến đi, điều này sẽ giúp việc tìm kiếm và giải cứu người bị mất tích dễ dàng hơn.
Họ cũng được yêu cầu cất phân vào túi nhựa và mang ra khỏi núi. Rác thải, bao gồm cả chất thải của con người là một vấn đề nghiêm trọng khi số lượng người leo núi Everest tăng lên.