Người phụ nữ Scotland “miễn nhiễm” với đau đớn

VOH - Một người phụ nữ ở Scotland không có cảm giác đau đớn, căng thẳng hay sợ hãi vì mang gen đặc biệt.

Bà Jo Cameron, 74 tuổi, ở Scotland từng bị gãy xương, phẫu thuật, sinh con,... nhưng chưa bao giờ cảm thấy đau đớn, lo âu.

Ở tuổi 65, bà Cameron phải trải qua cuộc phẫu thuật tay trái nghiêm trọng. Nhờ vậy, bác sĩ đã phát hiện được "siêu năng lực" của người phụ nữ này. Trước đó, họ đã cảnh báo người bệnh sẽ bị đau đớn sau khi kết thúc ca phẫu thuật. Nhưng kỳ lạ ở chỗ là bà không cảm thấy gì dù không cần bất kỳ loại thuốc giảm đau nào.

Bác sĩ gây mê đã giới thiệu bà Cameron với nhà di truyền học của Đại học London và Đại học Oxford. Tại đây, bà đã trải qua các xét nghiệm và được nhận định trong cơ thể xuất hiện gen đột biến. Cụ thể là đột biến gen FAAH - loại gen có vai trò truyền tín hiệu đau đớn, tâm trạng lo lắng, căng thẳng ở người và gen FAAH-OUT.

nguoi-phu-nu-scotland-mien-nhiem-voi-dau-don-btv158-voh-0
Bà Cameron không có cảm giác đau đớn hay lo lắng - Ảnh: New York Post

Bà Cameron chia sẻ: “Tôi biết rằng mình là một người vui tính, nhưng tôi không nhận ra mình khác biệt. Tôi không biết có điều kỳ lạ đang xảy ra cho đến khi tôi 65 tuổi.”

Bà Cameron một trong số rất ít những người mang gen đặc biệt nói trên. Bà thường xuyên vô tình làm bỏng tay và chỉ phát hiện khi ngửi thấy mùi khét. Thậm chí, người phụ nữ này còn không thấy đau khi sinh con và coi đó là một trải nghiệm “khá thú vị”.

Trong các bài kiểm tra căng thẳng và trầm cảm, bà Cameron đã đạt điểm 0. Điều này cho thấy bà sống rất lạc quan, vui vẻ, không hoảng loạn. 

Người phụ nữ Scotland tâm sự: “Cha tôi cũng là một người vui vẻ và dường như không bao giờ bị căng thẳng về bất cứ điều gì. Tôi chỉ nghĩ mình giống ông nên không bao giờ cảm thấy mình khác biệt.” Có thể thấy, gen đột biến này có khả năng di truyền giữa các thành viên trong gia đình.

Từ những phát hiện thú vị như trường hợp bà Cameron, các chuyên gia hy vọng sẽ sáng chế ra nhiều loại thuốc mới có khả năng giảm đau sau phẫu thuật để điều trị cho bệnh nhân hiệu quả hơn.