Rất nhiều người cao tuổi dù tóc bạc, tay run nhưng vẫn chưa nghĩ tới việc sắp xếp cuộc sống về sau của mình và ai (người con nào của mình) sẽ có quyền đưa ra quyết định cho họ khi họ phải nhập viện hay qua đời...
Nếu không lập kế hoạch đầy đủ cho những việc này và khi mọi chuyện xảy ra, con cái sẽ rất bối rối, không biết xử lý như thế nào để đúng ý của cha mẹ.
Theo một nghiên cứu năm 2017 của Đại học Pennsylvania (Mỹ), trong số gần 800.000 người Mỹ được khảo sát, chỉ có 29% đã hoàn thành di chúc khi còn sống nêu chi tiết rằng mình muốn được chăm sóc như thế nào.
Bác sĩ lão khoa, Tiến sĩ Machiko Tomita, giáo sư lâm sàng về phục hồi chức năng tại Đại học Buffalo ở New York khuyên, chúng ta nên chú ý đến các dấu hiệu lão hóa của cha mẹ trước khi họ bước sang tuổi 65. Điều này bao gồm theo dõi cân nặng, lượng nước uống, dinh dưỡng, tập thể dục và đánh giá môi trường sống.
Ngoài ra, theo “Quy tắc 40-70” - khi mọi người bước sang tuổi 40 và cha mẹ của họ khoảng 70 tuổi, đây là thời điểm thích hợp để nói chuyện về tuổi già để đề cập đến việc sắp xếp cuộc sống, tài chính, sức khỏe và các vấn đề cuối đời.
Xem thêm: Trung Quốc: Con cháu ở xa sử dụng camera để quan sát người già và những tranh cãi trái chiều
Trao đổi về các vấn đề an toàn của người cao tuổi
Một cách để lập kế hoạch sức khỏe là đánh giá nguy cơ té ngã tại nhà của người thân và điều chỉnh một cách phù hợp với những điều có nguy cơ gây mất an toàn.
Bác sĩ lão khoa, Tiến sĩ Machiko Tomita, giáo sư lâm sàng về phục hồi chức năng tại Đại học Buffalo ở New York đã phát triển một công cụ đánh giá an toàn tại nhà. Trong đó phác thảo các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong nhà đối với người cao tuổi, xác định các vật dụng có thể làm tăng nguy cơ té ngã và đề xuất các biện pháp ngăn chặn chúng.
Tomita cho biết, cứ 3 người lớn tuổi thì có 1 người bị ngã mỗi năm và khoảng một nửa trong số đó lại bị ngã vào năm sau. Tomita nói: “Bạn có thể cải thiện khả năng giữ thăng bằng và rèn luyện cơ thể của mình đến 74, nhưng sau 75, điều đó sẽ rất khó khăn".
Có thể khi trao đổi, các 'phụ huynh lớn tuổi' có thể nói rằng: 'Tôi không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào bây giờ, tôi hoàn toàn có thể lái xe tốt, làm việc nhà và tự nấu ăn giỏi. Tôi chỉ muốn lên kế hoạch cho những gì có thể xảy ra sau 5 hoặc 10 năm nữa'.
Tuy nhiên, nếu đợi đến khi chẳng may người lớn tuổi bị té ngã hoặc tai nạn nằm viện rồi mới tính thì sẽ rất rối, nhất là trong trường hợp nhà ít con và con cái quá bận rộn.
Trao đổi về việc chăm sóc sức khỏe
Các bác sĩ lão khoa và nhân viên xã hội cho biết, sức khỏe suy giảm hoặc tai nạn thường khiến người lớn tuổi và gia đình họ nhận ra tầm quan trọng của việc lập kế hoạch cho ‘sự lão hóa’, nhưng những cuộc thảo luận này không nên đợi đến khi cha mẹ đã quá già.
Andrew Scharlach, Giáo sư Trường Phúc lợi Xã hội thuộc Đại học California cho biết, cuộc trò chuyện nên bắt đầu sớm và tiếp tục trong suốt cuộc đời của một người. Nó không chỉ giới hạn ở tuổi già mà còn mở rộng sang sự nghiệp, lập kế hoạch tài chính và các khía cạnh khác của cuộc sống.
Cuộc trò chuyện liên tục giúp các thành viên trong gia đình hiểu được điều gì là quan trọng đối với người lớn tuổi, “để có thể giúp họ đạt được thứ họ muốn”.
Việc trao đổi cũng giúp người lớn tuổi bớt lo lắng hơn, rằng sau này con cái sẽ nghĩ họ không còn đủ khả năng đưa ra quyết định.
Cô Cuidonce Corona, người giám sát lâm sàng sức khỏe tâm thần làm việc với những người lớn tuổi ở Berkeley kể rằng: “Tôi đã ngồi với một người cao tuổi khi ông ấy được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, và ông ấy rất sợ hãi vì mẹ ông ấy đã qua đời vì bệnh Alzheimer. Ông ấy cũng đã chứng kiến sự suy sụp của anh trai mình”.
Ban đầu, Corona nghĩ nỗi sợ hãi của ông xuất phát từ những dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh ông gặp phải, tuy nhiên, sau nhiều cuộc thảo luận, tranh cãi giữa các thành viên trong gia đình ông, cô nhận ra, nỗi lo sợ xảy ra khi ông không biết sẽ phải sắp xếp việc điều trị, chăm sóc sức khỏe của mình sau này như thế nào.
Corona đã nói chuyện riêng với từng thành viên trong gia đình và họ đã lên kế hoạch. Một số thành viên hỗ trợ chăm sóc ông tại nhà, trong khi một số thành viên khác sẽ thanh toán các hóa đơn viện phí, thuốc men. Điều này khiến ông an lòng hơn để điều trị bệnh.
Trao đổi về cái chết
Các chuyên gia cho biết, việc ai đó miễn cưỡng nói về “cái chết” của họ là điều tự nhiên.
Barbra Braganza, một nhân viên xã hội đã làm việc 8 năm tại On Lok, một tổ chức dịch vụ người cao tuổi, cho biết: “Khi người cao tuổi không muốn nói về bất cứ điều gì liên quan đến cái chết, họ sẽ nói: 'Các con tôi sẽ giải quyết'”. Tuy nhiên, các con sẽ ‘giải quyết như thế nào’ thì nhiều người cao tuổi không trả lời được.
Braganza khuyến nghị, mọi người nên trao đổi về các vấn đề này với cha mẹ già của mình một cách từ từ, đưa ra nhiều tình huống và lựa chọn khác nhau.
Cuối cùng, cha mẹ sẽ nêu lên mong muốn của họ về việc sẽ liên hệ với ai trong trường hợp khẩn cấp, ai có thể đưa ra quyết định về sức khỏe của họ và trong trường hợp nào họ muốn hoặc không muốn được hồi sức khỏe nữa.
Điều này nhằm tránh xảy ra tình huống “do dự” hoặc tranh cãi giữa các thành viên gia đình khi xảy ra vấn đề cấp bách khiến các con phải đưa ra quyết định ngay lập tức.
Ngoài ra, việc trao đổi về tổ chức đám tang hay an táng cũng cần được tế nhị trao đổi để con cái biết và có sự chuẩn bị về lâu dài đối với việc an táng cha mẹ (ở đâu, theo hình thức nào…) khi họ qua đời.
Để có thể trò chuyện được với cha mẹ về các vấn đề trên, mỗi người nên bắt đầu nói chuyện với cha mẹ về những người già khác đang phải vật lộn với tuổi già, bệnh tật. Ngoài ra, nên hiểu và tôn trọng những mong muốn của cha mẹ về việc họ muốn “già đi” như thế nào và giúp họ đạt được điều đó.