Từ Singapore đến Bỉ, những cải cách xã hội đang định hình lại cách chúng ta nhìn nhận về gia đình và cuộc sống cá nhân.
Tại Singapore, chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến nhu cầu của người độc thân trong chính sách mua nhà. Từ giữa năm 2025, những người độc thân sẽ được ưu tiên mua căn hộ xây dựng theo đơn đặt hàng (BTO) nếu họ đăng ký mua nhà chung hoặc gần cha mẹ.
Đây là một thay đổi lớn, bởi trước đây, chỉ những người đã kết hôn mới được hưởng ưu tiên này.
Hiện tại, người độc thân ở Singapore chỉ có thể nộp đơn xin mua căn hộ BTO hai phòng từ độ tuổi 35 nếu họ muốn sở hữu nhà mới. Chính sách mới này được xem là một bước tiến quan trọng, giúp người độc thân có cơ hội sở hữu nhà ở tốt hơn.
Trong khi đó, tại Bỉ, Carla Dejonghe - một ủy viên hội đồng, đã dành hơn một thập kỷ để đấu tranh cho quyền lợi của người độc thân. Bà đã biến thành phố Woluwe-Saint-Pierre, nơi mình sinh sống, thành nơi đầu tiên ở Bỉ - và có lẽ là cả châu Âu - thực hiện các chính sách hỗ trợ người độc thân.
Dejonghe cho rằng nhóm người sống một mình thường bị "điểm mù" trong các chính sách xã hội. Bà đã đưa ra một bản hiến chương nhấn mạnh sự cần thiết phải đối xử công bằng với những người sống một mình, bất kể họ có hoặc không có con.
Hiến chương này cam kết đảm bảo các hộ gia đình chỉ có một nguồn thu nhập được đối xử công bằng với những hộ gia đình khác. Nó cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người độc thân, từ việc điều chỉnh các sự kiện xã hội đến khuyến khích các hoạt động thân thiện với người độc thân trong ngành dịch vụ khách sạn.
Dejonghe cho biết: "Những thay đổi này không tốn kém nhiều, nhưng chúng thực sự có ý nghĩa đối với những người sống một mình".
Không chỉ ở châu Á và châu Âu, thái độ xã hội đối với người độc thân cũng đang thay đổi trên toàn cầu. Ở Hàn Quốc, cấu trúc gia đình truyền thống đang mất đi sức hấp dẫn.
Nhiều người hiện tin rằng những người sống chung và chia sẻ chi phí nên được coi là một gia đình, ngay cả khi họ không có mối quan hệ hôn nhân hay huyết thống. Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc đã khuyến khích hợp pháp hóa "civil union" (kết hợp dân sự) để bảo vệ các cặp chưa kết hôn.
Tại Nhật Bản, văn hóa "ohitorisama" - bữa tiệc của một người - đang dần phổ biến. Những áp lực xã hội như "phải kết hôn, phải có con" đang giảm bớt, và nhiều người đang tận hưởng sự tự do và độc lập trong cuộc sống cá nhân của mình.
Những thay đổi này cho thấy xã hội đang dần chấp nhận và hỗ trợ những lựa chọn sống khác nhau, từ việc sống một mình đến việc duy trì một cuộc sống độc thân lâu dài. Khi số lượng người độc thân tăng lên, các chính sách và thái độ xã hội cũng đang dần thay đổi để phản ánh thực tế mới này.
Cuối cùng, việc sống một mình không còn bị coi là bất thường hay kém hạnh phúc, mà ngược lại, nó đang được tôn vinh như một lựa chọn sống đáng trân trọng.