Những thói quen của mẹ bầu dễ gây hại cho thai nhi

VOH - Qúa trình phát triển của thai nhi chịu ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng và thói quen hàng ngày của mẹ.

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng và ý nghĩa đối với trẻ vì vậy mẹ bầu cần lưu ý, đôi khi những thói quen hàng ngày tưởng chừng như vô hại lại có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Dưới đây là những thói quen của mẹ bầu dễ gây hại cho thai nhi.

Ảnh minh họa – 27-12-2024

Ảnh minh họa: Internet

Hay cáu gắt

Tính cách của thai nhi bị ảnh hưởng rất lớn từ tính cách và tâm trạng của mẹ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu mẹ thường xuyên stress khi mang bầu có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Mẹ hay cáu gắt sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cách của trẻ.

Ví dụ nếu mẹ bầu thường xuyên buồn bã, ủ rũ hay chán nản thì em bé sau này sinh ra chắc chắn sẽ không hay cười và sẽ buồn như mẹ.

Kén ăn

Rất nhiều mẹ bầu bị ốm nghén trong 3 tháng đầu, thậm chí là cả thai kỳ. Mẹ thường có cảm giác chán ăn, lười ăn hoặc chỉ ăn một vài món mình thích. Điều này không hề tốt nhé.

Việc mẹ kén ăn có thể ảnh hưởng đến sự dung nạp dinh dưỡng cho cơ thể. Từ đó, cơ thể mẹ sẽ không đủ chất. Hơn thế nữa, chế độ ăn “khiêm tốn” của mẹ còn ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của trẻ.

Tuy nhiên sau 3 tháng đầu, tình trạng ốm nghén cũng giảm dần. Mẹ bầu nên có chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm.

Tuyệt đối không nên chỉ ưu tiên những thực phẩm mình thích mà bỏ qua những món ăn giàu dưỡng chất khác. Điều này không tốt với sự hình thành sở thích ăn uống của trẻ.

Thức khuya

Đồng hồ sinh học của trẻ được thiết lập từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Chính vì vậy, thói quen thức khuya, dậy sớm của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Mẹ bầu đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ sau khi chào đời có thói quen ăn ngủ giống bố mẹ.

Trong thời gian mang thai, mẹ nên từ bỏ thói quen thức khuya và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Mẹ cần ngủ ít nhất 8 giờ/ngày và có ít nhất là 1 giờ nghỉ trưa.

Nằm ngửa

Nằm ngửa trong những tháng cuối thai kỳ có thể khiến thai nhi chèn ép lên các vùng tĩnh mạch thân dưới, các cơ quan quan trọng như tim, phổi, thận của thai phụ, cản trở lưu thông máu, quá trình vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ tới nhau thai.

Thói quen này cũng khiến một phần cơ thể đè lên cột sống, cơ lưng, chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, cản trở lưu thông máu trở lại tĩnh mạch chủ. Lúc này thai phụ dễ bị đau lưng, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, suy tuần hoàn hoặc ngưng thở khi ngủ.

Thai phụ nên nằm nghiêng trái, duỗi thẳng chân tay để giải tỏa bớt áp lực của bào thai, giảm phù nề.

Nếu nằm nghiêng bên trái trong nhiều giờ khiến cơ thể đau mỏi, chị em có thể nằm nghiêng sang bên phải khi cần thiết.

Sử dụng thêm gối hỗ trợ để nâng đỡ bụng hoặc kẹp giữa hai đầu gối cũng giúp giảm áp lực lên lưng dưới.

Lười vận động

Lười vận động khiến mẹ bầu căng thẳng, suy giảm thể lực. Thói quen này có thể dẫn tới ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thiếu vitamin D ở hầu hết phụ nữ mang thai.

Vitamin D có vai trò hỗ trợ cơ thể hấp thụ tốt canxi và phốt pho, có lợi cho việc tạo xương và răng thai nhi chắc khỏe.

Người mẹ thiếu vitamin D có thể khiến trẻ bị béo phì khi lớn lên, dễ mắc một số bệnh liên quan đến canxi như loãng xương, nhuyễn xương hoặc co giật do hạ canxi máu.

Tắm nước nóng hoặc xông hơi

Tắm nước nóng hoặc xông hơi giúp giảm khó chịu khi mang thai. Tuy nhiên cách này cũng dễ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt của mẹ bầu, có nguy cơ dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Uống đồ uống có chứa chất kích thích

Ngoài những thức uống như rượu, bia thì những đồ uống có chứa thành phần cafein như chè, cà phê... mẹ bầu cũng không nên sử dụng.

Vì khi sử dụng những chất có chứa thành phần cafein sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp của mẹ và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh trong suốt 9 tháng 10 ngày, mẹ nên có môt chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bản thân và cho sự phát triển của trẻ.

Thói quen tưởng chừng như vô hại ại chính là những nguyên nhân dẫn đến sẩy thai, dị tật, sinh non... ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi.

Bình luận