Những vầng trăng khuyết tỏa sáng theo cách của riêng mình

(VOH) - Trải qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhiều phụ nữ khuyết tật vẫn tràn đầy nghị lực, dũng cảm đương đầu với thách thức, không bao giờ lùi bước trước khó khăn, thử thách.

Họ đã truyền cảm hứng đến người đồng cảnh ngộ và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, mạnh dạn sáng tạo khởi nghiệp và tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc là Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hồng Ngọc Invoice, ở phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân. Công ty của chị chuyên bán chữ ký số, hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán, thành lập, thiết kế web-marketing online, dịch vụ kế toán, báo cáo thuế.

Chị kể, năm chị lên 3 tuổi thì bị sốt bại liệt khiến hai chân bị teo và liệt. Mặc dù không thể đi lại nhưng chị quyết định phải học thật giỏi. Rồi chị tốt nghiệp Trung học phổ thông vào TPHCM học ngành Tin học kế toán ứng dụng tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.

Tốt nghiệp, chị làm cho một số công ty rồi gặp được chồng chị bây giờ. Hai người đến với nhau và có hai con, một bé gái 8 tuổi và một bé trai 5 tuổi. Dù phải ngồi xe lăn, nhưng chị đã không ngừng học hỏi và mạnh dạn mở công ty riêng do mình làm chủ, tạo việc làm cho nhiều lao động.

 vầng trăng khuyết
Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc

Hiện công ty có 6 nhân viên, đều là người khuyết tật. Mọi hoạt động của công ty được số hóa nên chị có thể quản lý nhân viên và có thể hỗ trợ họ giải quyết sự vụ phát sinh từ xa.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc chia sẻ: “Lượng khách hàng từ web của em một ngày đến 2.000. Thu nhập của em mỗi tháng 10 triệu, chồng em từ 6 đến 7 triệu. Hiện công ty có 6 bạn nhân viên cũng là người khuyết tật.

Các bạn làm web, hỗ trợ chữ ký số hóa đơn cho khách hàng, thiết kế logo và không cần phải đi đến khách hàng, chỉ cần làm online, từ xa, các bạn không cần đến công ty”.

Vừa làm chủ vừa làm nhân viên nên chị tự tay làm mọi thứ. Với chiếc xe ba bánh, chị rong ruổi khắp nơi để gặp gỡ, hỗ trợ khách hàng, ký hợp đồng. Khi biết chị là người khuyết tật, nhiều khách hàng rất e dè, thậm chí nghi ngờ năng lực của công ty. Thế nhưng, sau khi được hỗ trợ, họ vui vẻ hợp tác ngay.

“Trong lúc khởi nghiệp hai vợ chồng em vay bạn bè 3 triệu đồng để trang bị những thứ cần thiết. Khi đi ký đơn hàng nhiều người từ chối vì thấy mình là người khuyết tật.

Khi đó em phải thuyết phục họ là  anh, chị nhìn nhận bên em là người khuyết tật hay cần những nhu cầu mà bên em sẽ đáp ứng? Nếu làm trên cơ thể khiếm khuyết thì bên em không nhận đơn hàng này, nhưng nếu làm trên lao động trí thức hoặc cảm nhận được dịch vụ bên em tốt thì bên anh tiếp tục hợp tác” - chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc kể.

Mặc dù phải ngồi xe lăn, nhưng sáng nào chị cũng dậy rất sớm để nấu bữa sáng cho cả nhà rồi đưa con gái lớn đến trường, sau đó chị đi chợ rồi mới về nhà bắt đầu làm việc, giải quyết các đơn hàng.

Nhắc đến chị Ngọc, bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM khẳng định, đối với người bình thường khi phải vừa chăm sóc gia đình, con cái và phát triển kinh tế cũng đã là một chuyện khó khăn.

Tuy nhiên đối với gia đình chị thì lại càng khó khăn hơn gấp bội nhưng, với tinh thần tương thân tương ái, trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách, chị Ngọc đã cùng các cấp hội đi vận động các mạnh thường quân tổ chức các chuyến thiện nguyện cung cấp lương thực, thực phẩm, chăm lo an sinh cho những người khuyết tật khác tại Làng May Mắn.

Bà Trần Thị Phương Hoa đánh giá: “Chị Mỹ Ngọc có hoàn cảnh rất đặc biệt. Chị thành lập công ty từ năm 2019 về lĩnh vực, báo cáo thuế, kế toán và thành lập, giải thể doanh nghiệp…Ngoài việc phát triển của công ty chị cũng tạo việc làm cho 6 phụ nữ khuyết tật khác để họ có thu nhập. Đây là sự nỗ lực khởi nghiệp và tiếp cận kỹ thuật số, giúp các chị vươn lên trong cuộc sống”.

Tương tự chị Ngọc, chị Trần Thị Ngọc Hiếu - hội viên phụ nữ ở phường Cô Giang, Quận 1, không may bị liệt hai chân và một bàn tay từ nhỏ. Nhưng không vì thế mà tự ti, chị luôn tìm tòi, học hỏi, quyết tâm vươn lên làm chủ cuộc sống và bằng sự nỗ lực, khả năng sáng tạo của mình, chị đã trở thành chủ thương hiệu “Tranh đá quý của Hiếu”.

Chị kể, trong một lần đi biển Vũng Tàu, chị thấy rất nhiều những mảnh vỏ ốc, chị đem ghép lại với nhau và tạo ra được một bông hoa rất đẹp. Từ đó chị nảy ra ý tưởng làm tranh từ vỏ ốc.

Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chị tự cho đó là thử thách, bởi vì trong cuộc đời thì ai cũng có những thử thách và khi mình vượt qua được thì sẽ đạt được thành công.

vầng trăng khuyết
Chị Trần Thị Ngọc Hiếu bên các tác phẩm hoa ốc

Chị Hiếu tâm sự: “Tôi đang rất nỗ lực để thực hiện dự án của mình trong năm 2022 này, đó là dự án hoa ốc và có thể tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khuyết tật. Hy vọng trong tương lai, Hội Liên hiệp Phụ nữ có thể đồng hành nhiều hơn nữa để giúp các chị em khác có công việc, nuôi sống bản thân và nâng cao giá trị của bản thân”.

Gần 10 năm gắn bó với những vỏ ốc đa dạng, nhiều màu sắc, chị Hiếu đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm tranh ốc và các sản phẩm làm từ vỏ ốc các loại như: bình hoa, hộp đựng bút, hộp nữ trang, hoa cưới, cài tóc, vòng tay, khung ảnh... Chị còn dùng vỏ ốc để trang trí đồng hồ, heo đất.

Với ý tưởng của mình, chị tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với dự án “Có Hoa ốc không có rác” và đã vinh dự đạt giải Nhì - sáng tạo. Với dự án này, chị Hiếu mong muốn tạo ra những sản phẩm thủ công đẹp, độc, lạ, giảm rác thải, đồng thời khẳng định và nâng cao giá trị của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ khuyết tật. 

Bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM nhận xét: “Đối với chị Hiếu, chị muốn biến những vỏ ốc thành vật dụng có ích để làm sao không có rác trên biển. Từ ý tưởng đó thì sản phẩm hoa ốc đã ra đời và chị tham gia thi Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm của địa phương là OCOP và cũng đạt giải Nhì toàn quốc.

Chị đã mạnh dạn kinh doanh và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khuyết tật khác để cho ra những sản phẩm rất đẹp và là một trong những sản phẩm thân thiện với môi trường”.

Hiện nay, chị Trần Thị Ngọc Hiếu đã mở một cửa hàng nhỏ ở Quận 1. Hàng tuần, chị dành 1 buổi để dạy thủ công miễn phí cho các em nhỏ khó khăn khuyết tật trên địa bàn. Niềm vui của chị là những sản phẩm của mình không chỉ được khách hàng mua về nhà trang trí mà còn thường được dùng để bán đấu giá gây quỹ từ thiện.

Chị Hiếu bày tỏ: “Trong tương lai, Hiếu hy vọng sẽ phát triển được công việc này để góp phần giảm rác thải và hỗ trợ nhiều chị em phụ nữ khuyết tật khác cùng hòa nhập cộng đồng và nâng cao giá trị bản thân.

Hiếu muốn nhắn nhủ là mọi người hãy cố gắng lên, đừng nghĩ rằng giá trị của mình bị hạn chế do khuyết tật, thực sự là mỗi người đều có giá trị riêng. Cũng giống như cái vỏ ốc của Hiếu.

Một chiếc vỏ ốc rất xù xì nhưng nếu mình thoát ra được thì mình sẽ trở thành những bông hoa ốc như thế này. Hiếu chỉ hy vọng mọi người thoát ra khỏi chính vỏ ốc của mình để biến thành những bông hoa ốc".

Đáp lại sự quan tâm, tình cảm yêu thương và sự đồng hành, chia sẻ của các cấp Hội, nhiều chị là phụ nữ khuyết tật đã tự tin, nỗ lực không ngừng và phấn đấu vượt qua khó khăn để trở thành công dân có ích, là tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo.

Các chị đã vượt lên số phận bằng nghị lực mạnh mẽ, trí tuệ và năng lực của bản thân để học tập, lao động, hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng.