Những vật dụng cần chuẩn bị trước mỗi siêu bão

(VOH) - Dù người dân đã có phương án sơ tán và phương án trú ẩn an toàn trước siêu bão Noru, tuy nhiên, vẫn có vài điều cần nhớ, một vài vật dụng cần chuẩn bị để an tâm người dân vượt bão.

Cơn bão mạnh cấp 14 Noru được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta trong vài tới. Trước diễn biến phức tạp của bão, các địa phương từ Nghệ An đến Bình Định đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu thuyền với hơn 300.000 lao động.

Tính đến trưa 25/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ, tương đương trên 868.000 người. Trong đó, các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi - dự kiến bão đổ bộ - đã sẵn sàng phương án sơ tán trên 93.000 hộ với khoảng 369.000 người, tùy theo diễn biến của bão.

chống bão
Người dân chằng chống nhà cửa trước cơn bão (Ảnh: Getty Images)

Thời điểm này, mỗi người dân, mỗi gia đình khu vực cơn bão đi qua cần tự trang bị cho mình các kiến thức an toàn và một số vật dụng cần thiêt để vượt bão.

Những vật dụng cần thiết cần chuẩn bị trước cơn bão

Thức ăn, nước uống 

Mỗi người dân cần chuẩn bị các loại thức ăn khô tiện dụng, không cần phải đun nấu trong thời gian 2-3 ngày, thậm chí là dài ngày hơn. Việc chuẩn bị nhiều đồ ăn, nước uống nhiều hơn nhằm đề phòng các trường hợp nước lũ dâng cao sau bão – gây khó khăn cho việc đi lại hoặc trường hợp các tiệm thuốc đóng cửa.

Đèn pin soi, đèn sạc

Mưa bão có thể làm hỏng mạng lưới điện và làm gián đoạn nguồn điện, do đó, cần chuẩn bị các loại đèn pin soi, đèn sạc để sử dụng trong thời điểm mưa bão.

Radio cầm tay

Mặc dù những chiếc đài nhỏ chạy bằng pin không còn là vật dụng phổ biến hiện nay nhưng tại nhiều quốc gia, trong thời điểm mưa bão (thời điểm mọi kênh thông tin có thể bị gián đoạn) thì đây vẫn là vật dụng cần thiết kể người dân có thể nắm bắt kịp thời thông tin, diễn biến của cơn bão, cũng như các thông tin hướng dẫn từ chính quyền địa phương. Từ đó, có những định hướng cho bản thân, gia đình trong việc sinh tồn trước, trong và sau cơn bão.

Điện thoại và sạc dự phòng

Điện thoại và radio là những vật dụng cần thiết ở thời điểm này để người dân có thể cập nhật tình hình thời tiết. Do đó, cần sạc đầy điện thoại trước khi cơn bão tới, đồng thời chuẩn bị sạc dự phòng, các loại pin (dành cho radio) để luôn đảm bảo nắm được thông tin từ bên ngoài.

Đối với điện thoại, người dân cần lưu tất cả các số của người thân gần nhất, số điện thoại của chính quyền địa phương để có thể đề nghị hỗ trợ ngay khi cần.

Bộ sơ cứu cá nhân

Mỗi gia đình, hoặc các gia đình sống gần nhau nên có ít nhất một bộ dụng cụ sơ cứu để phòng tình huống xấu trong bão. Đây là một bộ dụng cụ y tế vô cùng cần thiết để sơ cứu vết thương khi gặp phải những tình huống gây thương tích hay các tình huống cấp cứu đơn giản, như:

  • Gạc cuộn gồm 4 chiếc, dùng để buộc cố định xương khớp, băng vết thương.
  • Gạc miếng vô trùng gồm 3-5 gói, để cầm máu, rửa và che phủ vết thương.
  • Băng chun, 2 chiếc, dùng băng cấm máu, dùng băng cầm máu, băng ép bất động, băng trong bong gân, trật khớp.
  • Băng dán cá nhân, 10 chiếc để dán vào các vết đứt, rách da nhỏ.
  • Băng dính y tế, 1 cuộn loại có thể xé và cố định trong quá trình băng bó vết thương.
  • Panh, kéo loại nhỏ, nhiệt kế mỗi thứ 1 chiếc
  • Găng tay, túi nilon
  • Dung dịch sát trùng như cồn rửa tay, nước rửa tay khô (sát trùng tay), dung dịch povidone iondine 10% hoặc cồn 70° để sát trùng vết thương hở. Cồn 70° có thể sát trùng tay.
  • Thuốc: Nước muối sinh lý, rửa vết thương, rửa mặt; Thuốc bôi: kem kháng histamin, kem hydrocortisol 1% dùng trong các trường hợp côn trùng đốt, dị ứng ngoài da; Thuốc uống: tùy theo gia đình có người bị bệnh mạn tính hoặc nguy cơ bệnh lý thường gặp mà bạn có thể chuẩn bị thêm. Thông thường nhất là thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn.

Bảo quản các giấy tờ cá nhân trong túi nilon và mang theo mình

Do sau khi bão lũ, giấy tờ tùy thân, giấy tờ tài chính/y tế cá nhân có thể bị thất lạc, mất nhiều thời gian và sức lực để làm lại – nên người dân cần chú ý cất giữ an toàn các loại giấy tờ này để tránh bị ướt và bị cuốn trôi.

Những điều cần làm trước cơn bão

Trước khi bão đổ bộ, người dân cần:

* Cắt tỉa những loại cây có thể đổ ngã khi có bão. Tuy nhiên KHÔNG cố gắng tự mình cắt tỉa cây gần đường dây điện.

* Chằng chống lại nhà cửa để ngôi nhà thêm chắc chắn để có thể chống chọi với thời tiết.

* Thu dọn các vật dụng rời rạc như bàn ghế ngoài vườn, vật liệu xây dựng quanh nhà vì các vật dụng này có thể bị tạt lên cao khi gió mạnh và gây hư hỏng tài sản hoặc đường dây điện.

* Kê các vật dụng gia đình lên cao nhất có thể để phòng ngừa thiệt hại.

* Ngắt công tắc nguồn điện và đảm bảo nó được đậy kín để tránh bị nước làm hỏng.

* Quan trọng nhất, hãy đi sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương – bởi trong trường hợp cơn bão mạnh quét qua thì đây là phương án tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân.

* Hướng dẫn trẻ em vị trí trú ẩn an toàn nhất, cách sinh tồn nếu phải ở một mình và nên biết phải làm gì và đi đâu khi không có người lớn.

Những điều cần làm trong và sau cơn bão

* Hãy ở yên trong nhà/nơi an toàn khi cơn bão quét qua.

* Hãy ở giữa ngôi nhà, không gần các cửa sổ và các bức tường bên ngoài để tránh những mảnh vỡ bay trong gió bão. Các "vật thể bay" như kính, gỗ, cây to... có thể rơi xuống gây nguy hiểm.

* Bão lũ có thể gây ra thiệt hại đáng kể và tạo ra các nguy cơ mất an toàn điện. Do đó, nếu thấy cột điện, đường dây điện bị đứt đổ thì không nên đến gần. Hãy ở cách đó ít nhất 8 mét.

* Không bơi trong các con lạch, cống và khu vực bị ngập nước vì chúng có thể ẩn các đường dây điện bị rơi, các xoáy nước nguy hiểm.

Bão Noru khi vào vùng biển gần bờ, cường độ duy trì sức gió mạnh cấp 13 và có thể ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12-13, giật trên cấp 14. Đây được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.

So sánh trong quá khứ, chuyên gia nhận định bão Noru có sức ảnh hưởng mạnh tương tự cơn Xangsane vào tháng 9/2006, bão Ketsana vào tháng 10/2009 và bão Molave vào tháng 10/2020.

Bão Noru
Bão Noru đang di chuyển trên biển Đông

Trước mắt, các mô hình dự báo cho thấy bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4. Ngoài ra, 4 địa phương có thể ảnh hưởng gián tiếp là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên và Kon Tum với mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.