Chờ...

NSND Bạch Tuyết: Công thức Nhân - Tích lũy, Nuôi dưỡng, Chia sẻ

VOH - Cải lương không chỉ là nghệ thuật, mà còn thấm đượm giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc, chắt lọc ngôn từ đời thường cho đến cung đình. TS.NSND Bạch Tuyết trò chuyện cùng Nhà báo Công Vinh.

Học cải lương để hiểu đời và hiểu người

*Host: Sau gần 70 năm gắn bó với nghệ thuật cải lương, nếu nhìn lại sự nghiệp, nghệ sĩ Bạch Tuyết sẽ chia sẻ gì với khán giả?

NSND Bạch Tuyết: Cả đời Bạch Tuyết có thể nói chỉ dành để học cải lương từ những người thầy của mình: ba Năm Châu, má Bảy Nam, má Hai Kim Cúc, bà Ba Nhân. Những thầy cô ấy chỉ dạy hát cải lương, chứ không dạy nói về cải lương, nên bây giờ nếu phải chia sẻ thì thực sự cũng không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ biết chắc chắn rằng, thông qua cải lương, tôi đã học được giá trị của lòng yêu thương con người, sự khiêm nhường và trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng.

Cải lương và văn hóa Việt có nguồn gốc từ tinh thần chống ngoại xâm, bảo vệ và gìn giữ văn hóa dân tộc. Trong cải lương có rất nhiều vở tuồng kinh điển, chứa đựng tinh hoa văn học mà chúng ta đôi khi chưa cảm nhận hết. Đó là chất bác học thật sự. Nếu ai muốn giỏi tiếng Việt - theo ba Năm Châu - học cải lương là cách rất tốt, vì qua đó chúng ta học được đủ loại ngôn từ đời thường cho đến cung đình, từ vua chúa, tướng quân đến những từ ngữ bình dân nhất. Cứ hát và nghe dần dần, rồi mình sẽ thấm và nói tiếng Việt một cách mượt mà, trôi chảy.

Có thể nói rằng mấy mươi năm qua, cứ tưởng mình đã hiểu hết về cải lương, nhưng thực ra nghệ thuật cải lương rất sâu sắc. Nếu nói bình dân thì cải lương rất bình dân, còn khi nói đến bác học thì lại rất bác học. Đến giờ phút này, tôi vẫn tiếp tục học hỏi từ cải lương mỗi ngày.

320713810_680078156925590_6183554072047276638_n
Con đường nghệ thuật của NSND Bạch Tuyết là hành trình học tập, sáng tạo không ngừng.

*Host: Nhiều người gọi chị là “Cải Lương Chi Bảo”. Chị có thể chia sẻ ý nghĩa của thuật ngữ này đối với nghề của mình không ạ?

NSND Bạch Tuyết: Ngày trước, khi đọc báo đột ngột thấy tên mình xuất hiện với danh hiệu gì đó, mình cũng bất ngờ. Khi ấy, mình đã hỏi các tác giả như Hoa Phượng, Hà Triều, và bác Thanh Tâm, người sáng lập giải thưởng Thanh Tâm - một giải thưởng lớn thời đó. Đặc biệt là vì không ai biết thành phần ban giám khảo, chỉ biết rằng suốt cả năm họ âm thầm theo dõi, và đến cuối năm mới công bố người đoạt giải. Giải thưởng này không chỉ trao cho những ai đạt thành tựu về nghề mà còn về đạo đức, nếu không có gì đáng kể sẽ không được trao.

Hồi đó có phong trào giống như các ngôi sao Hồng Kông được gọi là “bảo vật”. Bác nói mình hồi ấy còn nhỏ, nhưng so với các nữ nghệ sĩ khác, mình học giỏi nhất. Dù phải đi hát, mình vẫn cố gắng không bỏ học, vì thấy cải lương quý giá mà nếu mình dốt thì sợ sẽ làm hại cải lương. Chính vì vậy, mình kiên trì giữ việc học để bản thân tự tin hơn. Các bậc tiền bối nói rằng mình là một cô đào trí thức, vừa mê hát vừa ham học, và khi ấy chưa từng có điều gì tai tiếng.

Tuy nhiên, mình nghĩ đó chỉ là một phần. Quan trọng nhất là nhờ các tác giả đã viết tuồng hay, đo ni đóng giày cho từng nhân vật. Ví dụ, một số nhân vật được viết với giọng hát, dáng vóc phù hợp với mình. Những nhạc sĩ thời đó, như người viết nhạc cải lương có dấu sắc, dấu hỏi rất hợp với giọng mình. Hầu như mỗi vở diễn đều có bài hát mà khán giả thuộc lòng, từ “Nửa Đời Hương Phấn”, “Đời Cô Lựu”, những bài này khán giả vẫn nhớ và nhắc mãi đến nay.

Nhờ sự chăm chút của những người làm nghề ngày xưa và sự may mắn của tổ nghiệp thương, mình được diễn những vai hay và diễn chung với những đồng nghiệp xuất sắc như nghệ sĩ Hùng Cường, Minh Vương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy. Nếu muốn nổi bật trong nghề, phải có tác phẩm, nhạc sĩ, đạo diễn giỏi và đồng nghiệp xuất sắc. Chính điều này đã cho mình cơ hội phát triển như cá được bơi trong làn nước sạch.

Với tất cả những điều đó, lòng biết ơn của tôi dành cho nghệ thuật cải lương và đất nước là vô hạn. Cho đến giờ, dù còn đứng trên sân khấu ngày nào, tôi luôn nhớ và trân trọng mọi ân huệ mà nghề và tổ nghiệp đã ban cho.

z6031678998979_627ccf06dfefd62ab4a2847d3fab47c9

*Host: Những cột mốc hay dấu ấn nào đã góp phần làm nên tên tuổi của tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết?

NSND Bạch Tuyết: Không biết có kể đủ và trọn vẹn không. Ngày đó, soạn giả Điêu Huyền là người đàng hoàng và tài năng, rất có uy tín. Ông đã tìm kiếm “đào” cho các đoàn hát và lúc đó, ông chọn tôi làm đào chính khi mới 16 tuổi, đóng vai lái đò trong vở Lấp Ấm Chi Hồng của ông. Khán giả đã trầm trồ khen rằng “Con bé này mới tinh khôi mà giỏi quá, chắc sau này nổi danh lắm.” Nghe người ta nói vậy, mình chỉ biết cố gắng chứ thật ra rất run, vì còn quá trẻ và chưa có kinh nghiệm. Thầy dạy một thì tôi luyện đến mười, vì sợ khán giả thất vọng, sợ làm mất uy tín.

Lúc ấy, tôi không quan tâm đến danh tiếng hay tiền bạc, chỉ biết là phải cố gắng để giữ vị trí của mình. Vài năm sau, được mời về diễn với cậu Mười Út Trà Ôn, đệ nhất danh ca. Chúng tôi thay phiên nhau đóng vai chính, may mắn được giải Thanh Tâm triển vọng năm 1961 với tác phẩm của tác giả Trung Nguyên, rồi tiếp tục cống hiến cho các đoàn hát và đạt giải Thanh Tâm xuất sắc năm 1965. Khi đó, được giải này là ngồi hàng đầu trong giới.

Có thời gian, tôi tạm nghỉ để đi học vì thấy mình nổi tiếng mà kiến thức hạn chế, cảm giác khó chịu lắm. Sau này, trở lại đoàn hát và hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng như Hùng Cường…nhưng không may đoàn gặp khó khăn về tài chính. Rồi đến khi đất nước có nhiều biến động, đặc biệt sau năm 1975, nghệ sĩ chúng tôi được kêu gọi phục vụ nghệ thuật trong bối cảnh mới, với sự động viên của bác Dương Đình Thảo và đạo diễn Chi Lăng. Chúng tôi diễn những vở như Kiều Nguyệt Nga Lục Vân Tiên, đã tạo dấu ấn lớn với khán giả.

Sau đó, tôi nghỉ hát một thời gian để chăm lo gia đình và việc học, rồi lại trở về tiếp tục cống hiến khi có dịp. Nhìn lại, tôi thấy cuộc đời mình thật may mắn vì được gắn bó với nghệ thuật cải lương và luôn biết ơn sự ủng hộ của khán giả và đồng nghiệp.

*Host: Cơ duyên nào đưa chị đến với nghiên cứu tiến sĩ?

NSND Bạch Tuyết: Có một người chồng có hai bằng tiến sĩ, một người tỷ phú mà tôi tình cờ gặp, và chúng tôi có với nhau một đứa con. Ông ấy từng nói một câu mà khi còn trẻ tôi không thực sự hiểu hết ý nghĩa: “Một nghệ sĩ tài danh mà trình độ học vấn không tương xứng với sự nổi tiếng thì đó là một bi kịch”. Ông ấy nói với tôi: “Bạn là một nghệ sĩ tài danh của nghệ thuật cải lương. Tôi muốn bạn hoàn thiện mình để sau này làm gương cho con cái”.

Nhờ có ông ấy – người sở hữu hai bằng tiến sĩ ( kinh tế ở École Centrale Paris (ESCP) tại Pháp và luật từ Tòa án Quốc tế) – mà tôi biết đến ngôi trường danh tiếng London School of Economics. Nếu không có ông ấy, tôi cũng không biết đến trường này. Mất 4 năm để chuẩn bị mọi thứ, tôi mới có thể bước chân vào ngôi trường ấy.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ cuộc sống đã cho tôi may mắn, như có một sức mạnh dẫn lối, khiến tôi gặp được những người giúp mình hoàn thiện bản thân về mặt tri thức, giúp tôi trở nên cân bằng hơn với sự nghiệp nghệ thuật cải lương của mình. Tôi còn nhiều điều để học hỏi và tiếp tục phát triển.

*Host: Nhìn lại chặng đường từ khi nổi tiếng ở tuổi 16, đạt Nghệ sĩ Nhân dân, rồi tiếp tục nghiên cứu

làm Tiến sĩ, chị nghĩ gì về số phận của mình?

NSND Bạch Tuyết: Thật ra đó là tính cách của tôi, từ nhỏ đã bộc lộ rõ rồi. Hồi còn học tiểu học, các Sơ đã nhận xét rằng lớn lên, tôi sẽ là đứa nổi loạn, khó ai kiểm soát nổi. Tôi luôn tò mò, thích khám phá. Ví dụ, đến giờ Việt Văn, khi thầy yêu cầu đọc thơ trước lớp, tôi có thể cảm thấy cô độc vì mất mẹ từ sớm, chẳng biết chia sẻ với ai nên đâm ra thích đọc sách, thích tự tìm hiểu mọi thứ. Nếu ai tặng cái gì, như một chiếc xe chẳng hạn, tôi sẽ tháo tung nó ra để xem bên trong có gì khiến nó chạy, dù đôi khi ráp lại không được.

Chính sự tò mò đó đã thúc đẩy tôi muốn tự đi trên con đường của mình bằng chính đôi chân và khối óc. Tôi quyết tâm không đổ lỗi cho hoàn cảnh, không so sánh bản thân với những đứa trẻ may mắn hơn, có đủ cha mẹ, người thân. Tôi hiểu rằng mình phải tự bước đi một mình, và điều đó buộc mình phải rèn luyện tính tự lập.

Qua những trang sách, tôi đọc được một câu của người Trung Hoa: "Sống trong thời đại loạn, chỉ có sự minh triết mới giữ được thân." Đó là một câu tôi luôn ghi nhớ. Cuộc đời luôn biến đổi, duy nhất chỉ có sự thay đổi là không bao giờ đổi thay, nên không được phép sợ hãi hay ngỡ ngàng; phải chấp nhận rằng sự bất ổn chính là bản chất của cuộc sống.

Khi đọc, mỗi cuốn sách lại cho tôi một bài học. Chẳng hạn, trong cuốn của Jean-Jacques Rousseau, tôi thấy một câu: "Nghèo cũng khổ, giàu cũng khổ, nhưng mà nếu được ngồi khóc trên xe Rolls-Royce cũng thoải mái hơn chứ." Điều đó nhắc nhở tôi phải nỗ lực làm việc hết mình, rằng nếu muốn 40 tuổi có thành quả, thì tuổi 20 phải làm việc cật lực, như "một con trâu điên." Mọi thứ mình học, đọc, và trải nghiệm đều giúp mình tự rèn luyện, tự dạy bản thân, dù đôi khi có chút khôi hài, nhưng cuối cùng cũng có được giá trị thực.

Ảnh màn hình 2024-11-15 lúc 16.14.20
TS.NSND Bạch Tuyết

NSND Bạch Tuyết: Đằng sau danh hiệu “Cải Lương Chi Bảo” là cả một đời phấn đấu

*Host: Nhìn lại chặng đường của mình, nếu so sánh giữa sự nghiệp, tình yêu, gia đình, tiền bạc và sức khỏe, chị muốn chia sẻ điều gì với mọi người?

NSND Bạch Tuyết: Mọi thứ đều có lý do của nó. Nếu thật sự muốn đạt được điều mình mong muốn, mình phải tự tạo ra mọi thứ mà không phải bằng cách chầu chực, tranh giành, hay hạ thấp bản thân. Mình giống như một người nông dân, chăm chỉ và kiên trì. Trước khi gieo trồng, người nông dân làm đất thật kỹ, cày, bừa, bón phân, rồi chờ cơn mưa đầu mùa. Sau đó, họ lại bừa thêm một lần nữa để đất tơi xốp rồi mới bắt đầu gieo hạt. Nhờ vậy mà lúa phát triển tốt.

Trồng cây cũng tương tự, phải chuẩn bị đất, trồng cây, chăm sóc, bắt sâu, và tưới nước đều đặn để cây xanh tốt, hoa đẹp. Nói chung, bắt đầu việc gì cũng cần dốc hết lòng và làm thật cẩn trọng. Đừng chỉ chăm chăm chờ đợi kết quả mà hãy tìm hạnh phúc trong quá trình làm. Vì trong cuộc đời này, có hai điều lớn nhất là khi nào sinh ra và khi nào chết, không ai nói trước được và mình cũng không thể biết được.

Vì vậy, cứ sống cho hiện tại và tương lai, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng để rồi thất vọng. Mỗi ngày thức dậy, mình thấy mình còn sống, đi đứng được, vậy là có thể tiếp tục những việc dang dở từ hôm qua mà không áp lực rằng hôm nay phải làm hết mọi thứ hay nghĩ đến ngày mai phải hoàn thành bao nhiêu nữa. Đời sống có nhiều điều bất ngờ xảy ra nên mình học cách thích nghi với hoàn cảnh thay vì đòi hỏi hoàn cảnh phải theo ý mình. Sống như vậy thật nhẹ nhàng và thoải mái.

*Host: Thưa chị, có phải trong mỗi giai đoạn cuộc đời, mình lại có một góc nhìn và cách đánh giá khác nhau về các giá trị như tiền bạc, sức khỏe, sự nghiệp, và tình yêu?

NSND Bạch Tuyết: Tôi yêu hiện tại, biết ơn quá khứ và không kỳ vọng quá nhiều vào tương lai. Nhờ đó, cảm giác thất vọng hiếm khi xuất hiện, và tôi cũng không bận tâm nhiều đến việc định vị bản thân theo những thành tựu hay kỳ vọng nào cả. Mỗi ngày trôi qua, tôi như dọn dẹp ngôi nhà của mình: quét sạch những điều không cần thiết, bỏ đi cái cũ để mở ra cái mới, đôi khi còn biến những điều vụn vặt thành những thứ giá trị hơn.

Tôi tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, ghi nhớ những người tử tế, còn những chuyện không hay thì không để tâm và không oán trách. Tôi nghĩ, có lẽ mình chịu ảnh hưởng từ triết lý Phật giáo, từ từ học hỏi mỗi điều nhỏ một cách tự nhiên. Tôi thấy mình thật may mắn khi tuổi lớn nhưng sức khỏe vẫn ổn định. Và tôi nghĩ, sức khỏe tốt là nhờ vào việc phòng bệnh, chứ không đợi đến lúc phải chữa.

Chẳng hạn, dù không bệnh tật, tôi vẫn đều đặn uống thuốc Bắc mỗi ngày trong sáu tháng, và thấy rõ hiệu quả của việc này. Có lẽ phần nào do tôi học được từ ông nội - một thầy thuốc Bắc tài giỏi. Ông hay nói rằng thuốc Tây thì trị bệnh trực tiếp, như khi bị cảm hay đau ốm, nhưng muốn dưỡng thân thì nên dùng Đông y. Vì chúng ta sống trong khí hậu nhiệt đới, nên việc cân bằng khí huyết là rất quan trọng. Tôi nghe lời ông nội và thực hiện đều đặn, đến nay thấy rõ lợi ích. Tất cả đều là nhờ sự chuẩn bị cẩn thận từ trước.

*Host: Chị có thể chia sẻ thêm về mối liên hệ giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, và tầm quan trọng của chúng?

NSND Bạch Tuyết: Mọi thứ trong vũ trụ đều liên kết với nhau, không có gì tồn tại tách rời. Như anh có thể thấy, sáu tháng cuối năm thường là mùa bão tố, còn sáu tháng đầu năm thì yên bình. Đó là quy luật tự nhiên, như các nhà địa chất, địa lý, và khí tượng đã chỉ ra. Nếu sáu tháng cuối năm không có bão để điều hòa khí hậu Đông, Tây, Nam, Bắc, thì sáu tháng đầu năm sau đó, mọi thứ sẽ ngột ngạt và khó chịu do không có sự chuyển biến khí mới.

Trái đất cũng vậy, có những vùng đất bằng phẳng nhưng cũng phải có những vực sâu hay hang động ở nơi khác để tạo sự cân bằng. Đây là quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Sống trên hành tinh này, chúng ta nên hiểu và hòa mình vào quy luật đó, vì vòng đời của con người chỉ kéo dài vài chục đến trăm năm, trong khi vũ trụ tồn tại hàng triệu triệu năm.

Tôi học được điều này từ ông nội và ba tôi, những người thường chia sẻ những triết lý như vậy. Điều đó giúp tôi tự lý giải mọi chuyện theo cách của mình, và từ đó hiểu sâu về quy luật tự nhiên. Ví dụ, Đông y coi trọng việc điều hòa thân thể theo mùa. Mùa xuân, hạ, thu, đông - mỗi mùa lại có cách ăn uống, nghỉ ngơi khác nhau để cơ thể khỏe mạnh. Khi sống hòa hợp với tự nhiên và khí hậu, chúng ta sẽ ít bệnh tật, vì cơ thể tuân theo nhịp điệu tự nhiên và không bị kiệt sức.

Nhớ đến câu chuyện Khổng Tử dẫn học trò đi dạy, thấy một người rơi xuống dòng nước xoáy. Người này không cố bơi ngược dòng mà thả mình theo dòng nước, để rồi khi xoáy nước lặng, ông ấy tự nhiên trồi lên bờ. Bài học ở đây là thuận theo tự nhiên. Chúng ta có thể học từ mọi thứ xung quanh mình, từ những điều đơn giản nhất, thậm chí từ một đứa trẻ.

Tôi thích giao lưu với trẻ nhỏ và người già vì họ là hai giai đoạn "tinh khôi" nhất trong đời người – trẻ con thì hồn nhiên, trong sáng, người già thì thẳng thắn, thật lòng vì chẳng còn gì để giấu. Một bên là sự khởi đầu thuần khiết, một bên là sự thanh thản trước cái kết, nên họ sống chân thật. Khi làm việc, tôi hợp tác với tất cả mọi người, nhưng khi chơi, tôi chọn người khiến mình thấy nhẹ nhõm và thoải mái.

Ảnh màn hình 2024-11-15 lúc 16.14.32
Đằng sau danh hiệu “Cải Lương Chi Bảo” là cả một đời phấn đấu.

Khi “nhân” được khơi dậy qua Tâm và Ý

*Host: Vậy, nghệ thuật có vai trò như thế nào trong việc tạo nên giá trị của “nhân”, thưa chị?

NSND Bạch Tuyết: Thật ra, đó là điều cao siêu quá. Tôi cũng chưa từng dám nghĩ tới chuyện đó, nhưng theo tôi, để con người tồn tại thì phải có rất nhiều yếu tố. Thân thể cần ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ và hợp lý. Nhưng nếu thân thể này không có "tâm" và "ý," thì nó giống như một kẻ mù hay một người điên đi trong bóng đêm. Phải có tâm và ý thì người ta mới có thể nhận xét rằng, "Ông này là một người tốt, luôn sẵn lòng giúp đỡ." Một người được đánh giá tốt không chỉ vì thân thể mà còn vì tâm ý, sự sáng suốt trong suy nghĩ.

Nếu con người chỉ có thân thể mà không có tinh thần và khí chất, thì chẳng làm được gì. Ba yếu tố đó có thể hiểu như "Thiên-Địa-Nhân." Thiên ở đây chỉ trời, nhưng thật ra khi nhìn lên trời, chúng ta chỉ thấy mây, không thực sự thấy trời. Địa thì chúng ta chạm vào được, bước lên được, ăn từ nó, sống và cuối cùng lại trở về với đất. Thiên và Địa chính là sự tuần hoàn của hơi thở, khí âm dương.

Khi sống, chúng ta thấy mình không thể tách rời mọi thứ xung quanh. Mọi thứ đều gắn kết, chẳng hạn như nước từ trời mưa xuống biển, xuống sông, xuống suối, rồi từ suối chảy ra sông, sông đổ ra biển. Hơi nước bốc lên, tạo mây, rồi lại thành mưa. Đây là một quy luật tự nhiên tuần hoàn, tuy đơn giản nhưng rất kỳ diệu.

Con người đôi khi tự thấy mình vĩ đại, nhưng thật ra chỉ là một phần rất nhỏ của đất, nước, và không khí. Chính sự hòa hợp và tuần hoàn của những yếu tố này mới là điều vĩ đại. Nếu ta sống theo quy luật này, có lẽ sẽ an yên hơn, ít đau khổ hơn, ít bệnh tật hơn, và biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Khi gặp người tốt, ta vui; khi thấy người xấu, ta không phán xét mà cảm thấy thương cảm, vì ai rồi cũng phải trả giá cho hành động của mình.

Cuộc sống có giá trị nhờ sự đa dạng và khác biệt của từng cá nhân. Mình không cần phải ghét bỏ ai vì khác biệt, mà hãy trân trọng nó, vì chính sự khác biệt đó tạo nên giá trị riêng cho mỗi người.

*Host: Thưa chị, để có được Nhân hiệu nghệ sĩ Bạch Tuyết như hôm nay có lẽ không phải là điều đơn giản. Chị nghĩ thế nào về vai trò của số phận?

NSND Bạch Tuyết: Cái tính bướng bỉnh, tức là sự không chịu ngồi yên một chỗ, thực ra cũng là một phần của bản chất con người, điều này có thể là trời sinh. Mọi thứ đều có sự liên kết, không phải chỉ một mình, mà có sự cộng sinh. Mình không được dạy dỗ gì, nhưng khi đứng trước bàn thờ, mình vẫn tự nhiên nói lời cảm ơn tổ tiên. Điều này không phải ai dạy mà ai cũng có thể làm được. Nó như một điều được truyền lại từ đời này sang đời khác, mà mình không biết, nhưng cũng có thể gọi là "cửu đời mẹ, thất đời cha." Nếu tính theo gia phả, khoa học cũng chứng minh mối liên hệ giữa các đời vẫn rất chặt chẽ. Vì vậy mới có câu: "Con trai nhờ đức mẹ, con gái nhờ đức cha." Những câu nói này, dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự chúng có cơ sở và không phải là vô lý.

Cũng giống như thân thể, tâm hồn và ý chí cũng là yếu tố cần thiết. Nếu không có tâm và ý thì không ai cần lập bàn thờ. Một người mất đi, thân thể chỉ trở về với đất, nhưng tâm và ý thì đi đâu? Chúng tiếp tục tồn tại trong vòng tuần hoàn của vũ trụ. Và khi đủ phước, đủ duyên, chúng sẽ tái sinh thành một hình hài khác. Các học giả hay nhà bác học hiện nay cũng đều có những lý thuyết phù hợp với triết lý này. Từ các nhà nghiên cứu về vũ trụ, triết gia đến các chuyên gia vật lý, họ đều tìm cách giải thích các hiện tượng vũ trụ, và khi nhìn lại bản thân, ta sẽ thấy rõ hơn về cuộc sống và vũ trụ.

Học không phải chỉ để trở thành người giỏi nhất, mà là để sống sao cho không làm phiền người khác, và sống khỏe để không khiến người thân phải lo lắng. Mỗi ngày, ta có thể tự sửa chữa bản thân mà không nhận ra, đó chính là việc định vị cuộc đời, giúp ta sống vui vẻ, khỏe mạnh và có ích cho chính mình cũng như người khác. Trong nghệ thuật cải lương, ta học được rất nhiều điều, đặc biệt là học cách trở thành người tốt mà không tự ái. Không phải ai cũng hiểu được điều đó, nhưng ai có thể sẽ đóng góp góc nhìn của mình.

Cải lương không cần ai phải giống ai, mà cần sự tôn trọng những khác biệt. Cũng như trong cải lương, các câu chuyện xưa được kể lại từ những triều đại, vua chúa trong lịch sử. Những bài học từ cải lương không phải để mắng mỏ, mà là để người nghe tự nhận ra và sửa chữa mình. Chúng ta không chỉ mắng người khác mà còn học được giá trị từ những câu chuyện đó. Chính nhờ cải lương, mà chúng ta nhận ra giá trị thực sự của nó đối với dân tộc mình.

Vì thế, khi cảm nhận được điều đó, ta sẽ biết ơn tổ tiên, cha mẹ và những người đồng hành trong sự nghiệp cải lương. Mỗi người trong nghề này đều làm việc với sự hồn nhiên, nhưng sự hồn nhiên ấy lại có ích cho cuộc sống của chúng ta. Vậy tại sao không trân trọng, không học hỏi để mình sống tốt hơn, ít phạm sai lầm hơn?

*Host: Để chia sẻ với các nghệ sĩ trẻ giữa tài và đức, nghệ sĩ Bạch Tuyết sẽ nói gì?

NSND Bạch Tuyết: Thực ra, trước đây tôi cũng đã có ý định đó, nhưng khi mà mạng internet toàn cầu mở rộng, mình nhận ra rằng giới trẻ bây giờ không thiếu gì, và không có ai dốt đâu. Bây giờ, họ muốn tìm bất kỳ thông tin gì, chỉ cần hỏi Google là xong. Chỉ trong vài giây, họ đã có thông tin từ A đến Z. Vì vậy, mình nghĩ giới trẻ hiện nay không cần ai dạy họ phải làm gì.

Tôi từng nghĩ rằng con người khôn ngoan hơn động vật, nhưng thực sự không phải vậy. Tôi ở quận 9, một nơi giống như vùng quê vậy, nhưng lại học được rất nhiều điều. Chỉ cần quan sát những con mèo, chó, hay những con côn trùng vào mùa mưa, tôi nhận ra rằng tất cả chúng đều có cách sống và sự thông minh riêng. Những con vật nhỏ bé mà ta không để ý, nhưng mỗi con đều có cách xoay xở rất khéo léo để tồn tại.

Có lúc tôi nghĩ mình có thể dạy người khác, nhưng rồi nhận ra rằng mỗi người tự tìm được những điều họ cần. Con người không thể tự cho mình là khôn hơn mọi thứ xung quanh. Ví dụ như con chó, khi đau bụng, nó biết tìm cây lá ăn để chữa; con mèo khi đau bụng cũng tìm cây khác. Mình cũng đã từng thử bắt một con sâu và đưa nó đến một cây khác, nhưng cuối cùng con sâu đó chạy đi rồi chết, vì đó không phải là nơi mà nó được sinh ra.

Tôi nghĩ con người không nên nghĩ mình biết hết mọi thứ, vì chúng ta vẫn có thể gặp thảm họa. Chỉ khi nào chúng ta tự nhận thức được, mới có thể làm giảm bớt tác hại đối với trái đất, xã hội và cuộc sống của chính mình. Mỗi người cần sống sao cho hữu ích, để không làm tổn hại đến mọi thứ xung quanh.

*Host: Ngày xưa, có lò đào tạo do các thầy truyền dạy, học trò đều học rất bài bản, ảnh hưởng của thầy rất lớn. Bây giờ, với mạng xã hội và internet, thông tin quá nhiều, khiến việc đánh giá cũng khó khăn. Vậy theo chị, thời nào khó hơn trong việc định hình một nghệ sĩ?

NSND Bạch Tuyết: Theo tôi, thời đại này thật sự khó khăn. Các bạn trẻ bây giờ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ví dụ, trước đây, nếu bạn có một thông tin, bạn có thể hỏi người khác để được giải thích. Nhưng bây giờ, có quá nhiều thông tin, đến mức không ai biết đâu là nguồn đáng tin cậy. Việc thu thập thông tin giờ trở nên hỗn loạn, còn khó khăn hơn khi phải phân tích và tìm ra kết luận từ những thông tin đó. Nếu chúng ta không có cách phân tích đúng đắn, thì sẽ rất khó để thành công.

Tôi cũng nhận thấy điều này không chỉ xảy ra với giới trẻ Việt Nam, mà cả trên thế giới cũng vậy. Ví dụ, trong âm nhạc, thử để ý đến những ca khúc như "Lạc Trôi" chẳng hạn. Câu chuyện về việc "mang tiền về cho mẹ" là biểu tượng cho việc đồng tiền ít còn sự trong sạch như trước nữa. Các bạn trẻ bây giờ cảm thấy trách nhiệm, nhưng lại không biết chia sẻ với ai, nên họ chọn rap như một cách để nói chuyện với chính mình và cộng đồng. Rap không chỉ là một thể loại âm nhạc, mà thực ra, tất cả các nền văn hóa đều có những hình thức thể hiện nhịp điệu và thơ ca riêng, không có dân tộc nào thiếu điều này.

Thậm chí, trước khi có các trường học dạy nghệ thuật, những thợ vẽ, thợ điêu khắc vẫn tự học trong thiên nhiên và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên. Đó là phần của nền văn hóa nhân loại. Như Công Vinh đã nói, mỗi người đều mang trong mình một phần của văn hóa, và từ thân xác này qua thân xác khác, chúng ta vẫn mang theo những hiểu biết mà không cần phải học chính thức.

Còn nhớ lần tham gia hội thảo tại London, cuộc tranh luận với hơn 40 người từ khắp nơi trên thế giới, để giải thích về văn hóa là gì. Cuối cùng, mọi người kết luận rằng văn hóa chính là thứ mà mỗi dân tộc tự hiểu và không cần phải học. Có những điều chúng ta không học mà vẫn biết, đó chính là những giá trị căn bản mà mỗi nền văn hóa đã tự tạo ra.

Ảnh màn hình 2024-11-15 lúc 16.23.23
NSND Bạch Tuyết tận hưởng tuổi xế chiều  trong yên vui nhưng tích cực sáng tạo không ngừng.

Công thức sống của người nghệ sĩ: tích lũy, nuôi dưỡng và sẻ chia

*Host: Thưa chị, khi nói về “nhân” ở mỗi người nói chung, nghệ sĩ cũng vậy, có ba yếu tố cơ bản: tư chất bẩm sinh, giáo dục, và môi trường. Vậy trong nghệ thuật, đặc biệt là cải lương, yếu tố bẩm sinh đóng vai trò quan trọng như thế nào?

NSND Bạch Tuyết: Ngày xưa, các bậc thầy có nói "Nhân chi sơ tính bản thiện," tức là bản tính con người khi sinh ra vốn thiện. Chữ "nhân" ở đây có thể hiểu là cái cốt lõi, giống như khi làm bánh, nếu không có "nhân" đúng, bánh sẽ không thành bánh, bị vỡ và không thể bán được. Cái "nhân" này chính là yếu tố cốt lõi, nền tảng để mọi thứ vận hành.

Vào khoảng thế kỷ 19, có một người, một ông thầy đã tìm ra một công thức toán học, bao gồm cộng, trừ, nhân, chia. Cộng là cái đầu tiên, để bạn có đủ những yếu tố cần thiết, trừ là để loại bỏ những cái không cần thiết. Sau khi đã có cái cốt lõi, bạn mới có thể chia sẻ cho người khác. Điều này cũng giống như trong cuộc sống: bạn phải có đủ cái gì đó mới có thể chia sẻ, giúp đỡ người khác, chứ không thể lấy của người này chia cho người kia mà không có gì.

Công thức toán học này giống như một phương pháp sống, phải bắt đầu từ việc tích lũy và tích lũy những thứ quan trọng, rồi mới đến việc chia sẻ. Nếu bạn chưa có, thì làm sao có thể cho đi được? Và trong quá trình đó, phải biết cái nào cần, cái nào không. Thực ra, phương pháp này không chỉ là toán học mà còn là một bài học về cuộc sống.

Cũng giống như câu nói "Nhân chi sơ tính bản thiện," nghĩa là con người khi sinh ra vốn là thiện, và từ đó, những giá trị cốt lõi trong con người phải được nuôi dưỡng, để có thể phát triển và chia sẻ với mọi người.

*Host: Vậy trong nghệ thuật, sự hóa thân của một nhân vật đóng góp như thế nào để tạo nên hình ảnh của một nghệ sĩ?

NSND Bạch Tuyết: Con người muốn sống tốt phải có cái "não" để suy nghĩ. Nhưng để trí óc minh triết, bạn phải học hỏi suốt đời, học từ trong ra ngoài, học đến khi chết. Tuy nhiên, sống trong cuộc đời này, bạn phải sống bằng cái "nhân" của chính mình, tức là từ trái tim mình. Những gì bạn có, những gì bạn học được, phải hòa hợp với nhau. Giống như khí âm và khí dương phải cân bằng, muốn chúng hòa hợp thì bạn phải sống thật với chính mình. Nếu muốn hát cải lương hay, bạn phải sống thật, không có cách nào khác, không có quy tắc nào khác.

Có thể bạn nghĩ tôi nói hơi quá, nhưng thật sự là tôi đã gần hết cuộc đời rồi, nên tôi nói ra thôi. Và tôi biết, dù bạn không tin tôi, người khác vẫn muốn nghe, vì họ thấy tôi là minh chứng sống. Ví dụ như tôi đóng những vở cải lương kinh điển, chẳng hạn như "Dương Vân Nga" chống ngoại xâm, hay "Kim Vân Kiều" về tình yêu đất nước. Những vở này không chỉ là về nghệ thuật, mà còn về giá trị văn hóa, lòng yêu nước, ý chí kiên cường. Khi bạn đóng những vai đó, bạn phải mang trong mình những phẩm chất đó. Nếu không, bạn đang lừa dối khán giả.

Khán giả rất tinh tế, họ sẽ nhận ra nếu bạn không sống thật, nếu bạn không yêu nước, không cảm nhận được nhân văn trong vai diễn. Vậy khi bạn đứng trên sân khấu, bạn có tự hào về bản thân không, hay cảm thấy nhục nhã vì bạn biết mình đang lừa dối? Đó là điều quan trọng hóa thân trong cải lương.

Nói về các nhân vật trong cải lương, chẳng hạn như Thúy Kiều, một cô gái vì hoàn cảnh mà phải bước vào nghề kỹ nữ, nhưng cô không phải là một người xấu. Nếu bạn không hiểu và không thương những người như thế, bạn sẽ chỉ trích họ. Câu chuyện của Thúy Kiều là một đại tác phẩm không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới đều biết đến. Đó là câu chuyện về nhân phẩm, về cuộc sống đầy đau khổ mà vẫn không đánh mất bản chất tốt đẹp của con người.

Và rồi, nếu bạn đóng vai một nhân vật như Thúy Kiều, bạn phải thật sự hiểu họ, cảm nhận được thân phận của họ. Sự thật trong cải lương chính là sự thật của cuộc đời này: lòng nhân ái, biết ơn, nhẫn nhịn, và một ngày nào đó, bạn và đất nước của bạn sẽ đứng lên, thành công, độc lập và thống nhất.

Nhiều người hỏi tôi tại sao tôi vẫn ở Việt Nam, hát cải lương. Họ nghĩ rằng tôi có thể đi ra ngoài, nhưng tôi hát cho người Việt Nam nghe, vì họ mới là người hiểu và yêu những gì tôi thể hiện. Văn hóa là vậy, không thể giải thích lý do tại sao bạn thích cái này, cái kia. Cũng như việc bạn thích ăn phở, hay thích bánh mì, đó là sự tự do của mỗi người trong việc chọn lựa văn hóa.

Và tôi, với tư cách là một nghệ sĩ cải lương, cảm ơn sự yêu mến và ủng hộ của khán giả Việt Nam. Vì chỉ có họ, những người thật sự hiểu và yêu thương văn hóa của đất nước mình, mới có thể mang lại cho tôi sự trân trọng đích thực. Những tiếng vỗ tay của khán giả Việt Nam là sự lương thiện, đó là giá trị tuyệt vời mà chúng ta có từ ngàn năm qua.

465573012_980691957436285_4351574086245641082_n
Ở tuổi 80, NSND Bạch Tuyết vẫn không ngừng thay đổi, sáng tạo để cải lương sống cùng nhịp đập thời đại.

*Host: Thưa chị, với tuổi tác và sự nghiệp thành tựu như vậy, nghệ sĩ Bạch Tuyết vẫn còn đang nghĩ đến những gì để tiếp tục cống hiến giá trị của mình?

NSND Bạch Tuyết: Khi bạn sống một cách thoải mái, bạn sẽ không cảm nhận được rằng mình đang già đi, hay là người trẻ khi nói chuyện với bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái như vậy. Họ không cần phải có sự kính trọng hay phải dùng những từ như "dạ, thưa" khi trò chuyện với bạn. Tôi muốn chia sẻ một câu của má Bảy: "Con đừng nghĩ là con biết ơn má. Không có đâu, má dạy con để hưởng cái sức trẻ của con, mà điều này không có tiền nào mua được." Lúc đó tôi còn nhỏ, không hiểu được, nhưng bây giờ khi nghĩ lại, tôi thấy lời của má Bảy rất đúng và cao quý. Tôi cảm thấy tiếc vì không thể nói trực tiếp với má rằng tôi đã hiểu, nhưng tôi muốn làm điều đó bằng cách truyền lại cho các bạn trẻ xung quanh tôi. Và nhờ vậy, họ mới có thể học hỏi và làm được những điều tốt đẹp.

Gần đây, tôi có tham gia vào một chương trình về Học viện Cải Lương. Một số người đã nói rằng năm nay không có ai thất bại, tất cả đều chiến thắng. Nhưng thực ra, khi nhắc đến "Học viện Cải Lương," điều đó không chỉ là một cuộc thi mà là những người từ nhiều thế hệ ngồi lại với nhau để chia sẻ những giá trị của nghệ thuật Cải Lương. Tôi cũng đã truyền đạt cho các bạn trẻ về những gì Cải Lương đã mang lại cho tôi, và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không để mình bị lạc thời.

Việc lạc thời trong nghệ thuật là rất nguy hiểm. Vì vậy, việc suy nghĩ sâu sắc và không ngừng học hỏi là rất quan trọng. Cải Lương ngày nay có thể không giống như ngày xưa, nhưng nó vẫn mang trong mình những giá trị rất đặc biệt. Và khi chúng ta làm việc cùng nhau, chúng ta tạo ra những tác phẩm đẹp, từ những vai chính cho đến các vai phụ, tất cả đều quan trọng trong việc tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.

Ví dụ như trong một vở diễn, nếu không có sự kết hợp giữa tất cả các vai diễn, từ nhân vật chính đến các vai phụ, thì tác phẩm sẽ không thể hoàn thành. Tất cả các vai diễn đều có giá trị, không có vai nào là không quan trọng. Chính nhờ vào sự đóng góp của tất cả mọi người mà một tác phẩm có thể thành công.

Khi đứng trên sân khấu, nghệ sĩ phải hết sức cẩn trọng trong từng cử chỉ, lời nói, vì mỗi động tác đều có ý nghĩa. Nếu một câu thoại quan trọng mà diễn viên không thể diễn trọn vẹn, thì toàn bộ tác phẩm sẽ mất đi sự mạnh mẽ và ý nghĩa. Đây là một bài học quan trọng mà các thầy đã dạy chúng tôi từ rất lâu. Khi bước lên sân khấu, mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, vì mỗi chi tiết nhỏ đều có thể tạo ra sự khác biệt.

Với tôi, nghệ thuật không chỉ là về việc diễn xuất, mà còn là về việc cảm nhận và truyền tải giá trị của cuộc sống, của văn hóa, của dân tộc. Cải Lương chính là một phần của tôi, và tôi cảm thấy vô cùng biết ơn vì được khán giả yêu mến và ủng hộ. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và cảm nhận cùng tôi.

Ảnh màn hình 2024-11-15 lúc 16.14.45
NSND Bạch Tuyết và Nhà báo Công Vinh tại Nhân Humanity

*Host: Bây giờ, để chia sẻ thêm với mọi người về ý nghĩa của “nhân” đối với cuộc đời và sự nghiệp của một nghệ sĩ, NSND Bạch Tuyết sẽ nói gì?

NSND Bạch Tuyết: Tóm lại, nếu bạn có một nền tảng vững chắc, bạn có thể phát triển hàng ngàn, hàng triệu thứ. Nhưng nếu không có nền tảng đó, thì sự phát triển càng lớn sẽ càng dễ sụp đổ nhanh chóng. Điều này chúng ta gọi nôm na là "Nhân Dạ". Điều này không chỉ áp dụng cho đời sống nghệ sĩ mà là cho cả cuộc đời mỗi con người. Vì vậy, bạn phải trở thành một con người vững vàng trước khi trở thành nghệ sĩ. Và khi bạn đã là nghệ sĩ, bạn cần tiếp tục học hỏi không ngừng, vì học hỏi là quá trình suốt đời. Nhưng nếu bạn sống mà không chịu học hỏi, bạn sẽ giống như người ngu si. Như ông bà ta đã nói, "ngu si hưởng thái bình," nghĩa là khi bạn thấy mình chưa hiểu hết, bạn mới chịu học. Còn khi bạn nghĩ mình đã thông thái thì đó là lúc bạn cần phải suy nghĩ lại. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cũng nói rằng, khi nào bạn cảm thấy mình không còn là chính mình nữa, bạn cần phải "đưa mình vào bệnh viện" để tìm lại sự cân bằng.

*Host: Cảm ơn NSND Bạch Tuyết!

Nhân humanity

TS.NSND Bạch Tuyết – Người nghệ sĩ trọn đời gìn giữ và sáng tạo nghệ thuật.

NSND Bạch Tuyết tên khai sinh là Nguyễn Thị Bạch Tuyết (sinh ngày 24 tháng 12 năm 1945) là nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng, được mệnh danh là "Cải lương chi bảo". Bà là Tiến sĩ Nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam tại hai viện hàn lâm Anh quốc và Bulgaria.

Năm 2021, Nghệ sĩ Bạch Tuyết là một trong ba gương mặt phụ nữ tiêu biểu được tôn vinh ở cùng một hạng nghệ thuật tại Gala Phụ nữ quyền năng 2021. Năm 2024, Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã trở thành một trong nghệ danh lọt vào danh sách 50 người phụ nữ châu Á có tầm ảnh hưởng nhất do Forbes bình chọn.

Nhân bản rồi hãy cập nhật (5)

Ở tuổi 80, NSND Bạch Tuyết vẫn tích cực tham gia hoạt động nghệ thuật nhằm lan tỏa và giữ gìn nét đẹp Cải lương, đưa văn hóa âm nhạc dân gian đến với thế hệ trẻ qua các dự án như: Về nghe mẹ ru, Học viện cải lương, Tiếp bước trăm năm, Diễn kịch một mình, Việt phục…

Nhân humanity (1)