Manjulata Patel trước đây làm việc tại một bệnh viện nhỏ. Mức lương 47 USD mỗi tháng chỉ đủ cho cô thuê căn trọ tồi tàn với các thiết bị điện liên tục hư hỏng, theo Straitstimes.
Thợ điện duy nhất mà cô có thể thuê lại là một người nát rượu, luôn tìm cách đụng chạm cơ thể. Cô thường phải gọi vài đứa trẻ trong khu phố đến bảo vệ mình mỗi khi anh ta đến nhà trọ của cô sửa điện.
“Tôi ước mình biết một nữ thợ điện để không gặp vấn đề này”, Patel nói. Suy nghĩ trở thành thợ điện đã lóe lên trong cô. Patel đăng ký khóa học bốn tháng về kỹ thuật điện tử.
Kết thúc khóa học, cô quyết định đổi hướng, chuyển sang làm việc cho công ty cơ giới ở bang Madhya Pradesh, thu nhập 132 USD mỗi tháng.
Bước đột phá của Patel là nhờ đến Samaan Society, tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ, nhằm đào tạo phụ nữ trong các nghề không truyền thống.
Với trợ giúp từ tổ chức này, hàng ngàn phụ nữ được đào tạo thành tài xế taxi, thợ sửa xe máy, thợ điện, thợ xây, thợ ống nước, thay vì làm việc ở công ty may, giúp việc nhà như trước. Samaan Society muốn giúp họ tự tin phá vỡ các định kiến giới và trao quyền tài chính nhóm phụ nữ thu nhập thấp.
Chỉ 37% phụ nữ Ấn Độ trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) đang làm việc. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ toàn cầu là 53,8%. Điều này tạo ra lực lượng lao động mất cân bằng giới tính khá lớn.
Theo Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ năm 2023, quốc gia này chỉ có 38,2 triệu trong số 405,8 triệu người lao động là nữ. Ấn Độ đối mặt khó khăn khi cố gắng tạo việc làm cho thanh niên, đặc biệt là phụ nữ.
Ông Rajendra Bandhu, người sáng lập Samaan Society, cho biết đàn ông thu nhập thấp thường có trình độ học vấn tương tự phụ nữ nhưng có thể đảm nhận các công việc kỹ thuật và kiếm nhiều hơn. Ông nhận xét “phụ nữ bị mắc kẹt với công việc lương thấp”. Samaan Society ra đời là để giúp phụ nữ tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân và có tiếng nói trong gia đình.
Nhưng định kiến vẫn còn tồn tại. Trước khi biết đến Samaan qua mạng xã hội, Patel đã xin học việc ở nhiều cửa hàng điện máy nhưng không được nhận. “Chúng tôi không dạy nghề cho phụ nữ”, họ nói với Patel.
Ở thành phố Mirzapur, bang Uttar Pradesh, Usha Bharti, 32 tuổi, lại may mắn hơn. Cô được gia đình hỗ trợ đăng ký lớp học lái xe ba gác điện vào năm ngoái.
Bharti kiếm được 232 USD mỗi tháng, tương đương với thu nhập của chồng làm cùng nghề. Mỗi ngày, cô chạy quanh các con đường ở làng Rajpur Amghat.
Học lái xe không phải là thử thách với Usha Bharti nhưng cô đã phải mất một khoảng thời gian để quen với các ánh nhìn và sự châm chọc từ dân làng.
“Tôi chỉ cố gắng tập trung vào chính mình và điều khiển chiếc ba gác”, cô nói. “Điều đó đã tăng lòng can đảm của tôi”.
Cô cho biết cảm thấy hạnh phúc bởi tiền mình kiếm được.
Hiện nay, có 110 phụ nữ từ nhóm thu nhập thấp ở quận Mirzapur đang lái xe ba gác điện mà họ đã mua bằng các khoản vay lãi suất thấp.
Ông Shrinivas Rao, trưởng đại diện Azad Foundation, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở New Delhi, nói chế độ gia trưởng đã giới hạn tự do để người phụ nữ thực hiện các lựa chọn của mình.
"Việc bơi ngược dòng giúp họ mạnh mẽ", ông nói. "Sức mạnh này khiến họ tự tin hơn nhiều".