UBND TPHCM vừa chỉ đạo về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, giao TP Thủ Đức và các quận - huyện có làng nghề, ngành nghề nông thôn (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, quận 12, Gò Vấp) rà soát quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương.
Xác định trọng tâm, trọng điểm và lộ trình triển khai để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, ngành nghề sinh vật gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thu hút nhiều lao động địa phương; Gắn phát triển làng nghề với kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển vùng nguyên liệu.
Làng nhang Lê Minh Xuân được xem là làng nghề lâu đời nhất TPHCM và còn là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam bộ.
Sau năm 1980, những người làm nhang di dời ra xa thành phố, tìm đến những vùng ven, vì nghề nhang khó phát triển được tại khu vực đông dân cư, mà sản xuất nhang cũng cần phải cỏ mặt bằng, diện tích khá lớn để sản xuất, nhất là công đoạn phơi nhang chiếm rất nhiều diện tích.
Chủ trương di dời khu vực làm nhang ra xa thành phố để bảo đảm vấn đề vệ sinh, cảnh quan môi trường nên những người sống bằng nghề nhang phải di dời và sinh sống với nghề nhang dọc theo 2 bên kênh Xán như hiện nay.
Người dân ở đây sản xuất quanh năm, tập trung sản xuất vụ chính vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7. Với mức thu nhập dao động trên dưới 6 triệu đồng/tháng cũng đảm bảo phần nào nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Ngày nay một số công đoạn làm nhang được máy móc hóa nên năng xuất cũng cao hơn trước. Anh Tín, người làm nhang cho biết, làm nhang bằng máy thì nhanh và đỡ cơ cực hơn nhiều, thành phẩm đẹp, mẫu mã màu sắc đa dạng hấp dẫn khách mua, nhưng tụi nhỏ giờ ít chịu làm, thích vô khu công nghiệp hơn, xung quanh đây chỉ có lứa vợ chồng già như tụi này còn bám nghề.
Theo những người đang làm việc tại đây, vài năm trở lại đây lượng nhang tiêu thụ sụt giảm. Chị Cần Hương, hộ kinh doanh tại làng nghề cho biết: Số lượng không có bằng những năm trước, một số chị em có con nhỏ cần đem về nhà làm cho tiện việc chăm sóc gia đình. Nếu gom nhang từ những chị gia công từ bên ngoài và tại cơ sở thì bình quân được khoảng 700 thiên/ngày.
Rời làng nhang Lê Minh Xuân, đến khu vực đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, xưa nay được biết đến bởi một số cơ sở đúc lư đồng truyền thống.

Đến thăm cơ sở đúc lư đồng Ba Cồ vào buổi trưa nhưng không khí làm việc khá nhộn nhịp. Theo chia sẻ của những người theo nghề, hầu hết các cơ sở đều cố gắng duy trì sản xuất vì ngoài thu nhập còn là giá trị truyền thống.
Những cái tên nghệ nhân Hai Thắng, Út Kiểng, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh cũng là tên 5 cơ sở đúc lư đồng truyền thống vẻn vẹn hiện còn duy trì ở An Hội. Tất cả họ đều là anh em họ hàng với nhau, trong đó ông Hai Thắng (Trần Văn Thắng, sinh năm 1947) là hậu duệ đời thứ hai của dòng họ Trần, là nghệ nhân theo nghề lâu năm nhất.
Việc giữ lửa cho nghề tồn tại phát triển đến ngày nay là cả một kỳ công. Ông Trần Minh Toàn (Năm Toàn, 63 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TPHCM) – chủ cơ sở đúc lư đồng Năm Toàn cho biết: “Cụ tổ trước kia gốc Hà Nội, sau mới đem vô Huế rồi dần truyền vào miền Nam. Cái gốc là có từ cả ngàn năm rồi. Tôi học nghề này từ hồi 12 tuổi, tuổi nghề cũng khoảng 50 năm rồi”.
Với diện tích hơn 2.000m2, xưởng lư đồng Năm Toàn là nơi tạo điều kiện việc làm cho 15 người dân lao động ở gần đó. Đa số làm việc tại xưởng đều thuộc độ tuổi trung niên khoảng 40 tuổi trở lên.
Theo ông Năm Toàn, xưởng của ông dạy nghề bằng cách cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn cho con cháu mình, sau đó con cháu hướng dẫn cho các lao động còn lại. Ông Toàn chi sẻ thêm, hàng cao cấp, mình đánh bóng cho kỹ, rồi áo vô hai lớp keo, đem hấp điện, bảo hành 5 năm.
Khó khăn của làng nghề đúc đồng hiện nay là sự cạnh tranh của sản phẩm lư công nghiệp nên sản phẩm truyền thống bán khá chậm. Các cơ sở thiếu vốn để trữ hàng, mua đồng nguyên liệu. Các nghệ nhân chủ yếu lấy công làm lời, thu nhập thấp và cực nhọc nên phần lớn họ chuyển nghề, lao động trẻ thì không mặn mà…
Làng đúc lư đồng An Hội dù không còn như trước, nhưng chất lượng của lư đồng An Hội được thị trường đánh giá cao, bởi mẫu mã đa dạng, đường nét tinh xảo, có hồn nhờ bàn tay thủ công, còn sản xuất công nghiệp thì màu sắc thường không vàng bằng, bị xỉn màu sau vài năm sử dụng và mẫu mã không đa dạng.
Trải qua những thăng trầm, đến nay tuy không còn "hoàng kim" như xưa, nhưng làng đúc lư đồng An Hội vẫn bền bỉ ngọn lửa nghề, khẳng định những giá trị hiện hữu, là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu giữa vùng đất đô thị phát triển này.