Thịt gà là món ăn quen thuộc và ưa thích của người Việt. Chúng xuất hiện từ bữa ăn hàng ngày cho đến những mâm cỗ truyền thống. Thế nhưng bạn có biết, cách rửa thịt gà trước khi chế biến của hầu hết mọi người đều chưa đúng, thậm chí là hại nhiều hơn lợi.
1. Có nên rửa thịt gà sống trước khi chế biến?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, rửa thịt gà trước khi chế biến là việc cần thiết. Vì theo nguyên tắc, tất cả thực phẩm đều phải trải qua quá trình sơ chế, rửa bằng nước sạch để loại bỏ các chất bẩn trước khi chế biến.
Nếu không sơ chế thực phẩm cẩn thận trước khi nấu thì không chỉ không đảm bảo vệ sinh mà còn có nguy cơ nhiễm nhiều loại khuẩn nguy hại.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thịt gà mua và được sơ chế (làm lông, mổ gà…) ở chợ thường khó đảm vệ sinh. Cho nên, sẽ không có ai không rửa sạch gà trước khi chế biến. Với gà được sơ chế tại nhà thì bản thân chúng ta cũng rửa gà với nước rồi mới chế biến.
2. Những cách rửa thịt gà sống chưa đúng
2.1 Rửa bằng nước lạnh
Thịt gà là thực phẩm bổ dưỡng nhưng thịt gà sống thường chứa vi khuẩn Campylobacter và Salmonella, nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm cho nhiều người.
Rửa thịt gà bằng nước không có hiệu quả thực sự trong việc hạn chế vi khuẩn. Các chuyên gia sức khỏe về an toàn thực phẩm khuyến cáo, việc này thậm chí còn có thể làm vi khuẩn lây lan và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo khiến nhiều người dễ mắc bệnh hơn.
2.2 Rửa trực tiếp dưới vòi nước
Nhiều người tin rằng rửa thực phẩm trực tiếp dưới vòi nước sẽ sạch hơn. Tuy nhiên, với thịt gà sống, thói quen này lại được đánh giá là rất có hại.
Bởi trong quá trình này, nước rửa thịt có thể văng, bắn vào các loại thực phẩm, đồ dùng, bề mặt ở xung quanh. Từ đó, nếu để lâu nước rửa thịt sẽ sản sinh vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
2.3 Chần thịt gà sống qua nước nóng
Trên thực tế, rất nhiều bà nội trợ có thói quen chần thực phẩm sống qua nước nóng vì nghĩ rằng cách này làm sạch hiệu quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các loại vi khuẩn chỉ thực sự chết ở nhiệt độ cao tới 100 độ. Do đó, chần thịt gà sống bằng nước sôi không hề mang lại kết quả như mong muốn. Thịt sẽ dễ bị mất chất, nhạt thịt và vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập.
3. Rửa thịt gà sống như thế nào cho đúng?
Cách rửa thịt gà sống chuẩn nhất là rửa bằng nước muối loãng ngâm trong khoảng 30 phút sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước lạnh.
Ngoài ra, để bảo bảo an toàn và sức khỏe, bạn cũng cần ghi nhớ những gạch đầu dòng sau:
- Rửa sạch tay trước và sau khi tiếp xúc với thịt gà.
- Không rửa thịt gà sống gần các loại thực phẩm, đồ dùng nấu nướng hay nơi chuẩn bị nấu ăn để tránh việc nước rửa bắn ra ngoài.
- Không sử dụng 1 chiếc thớt cho cả thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín. Nên chuẩn bị ít nhất 2 chiếc thớt. Chú ý vệ sinh và thay thớt định kỳ vì sau một thời gian sử dụng, các đường rãnh trên mặt thớt có thể trở thành nơi vi khuẩn trú ngụ, phát triển.
- Tránh để thịt gà sống quá lâu ở bên ngoài, cần cho vào tủ lạnh ngay. Đựng thịt gà sống trong túi riêng khi bảo quản trong tủ lạnh để nước thịt không chảy vào các thực phẩm khác.
- Dùng lò vi sóng hoặc nước lạnh khi cần rã đông gà. Không nên rã đông ở nhiệt độ phòng vì có thể khiến vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc.
- Để thịt gà sống riêng với đồ ăn đã chín hoặc đồ ăn liền. Đồng thời, dùng đồ đựng riêng cho đồ sống và đồ chín.
- Nấu chín thịt gà, không ăn thịt tái, sống, còn màu đỏ.
- Bảo quản thịt gà còn thừa trong ngăn lạnh hoặc ngăn đông trong vòng 2 giờ (hoặc trong vòng 1 giờ nếu trời nóng) sau khi nấu.