Sự tích ông Công ông Táo, lễ vật và bài văn khấn cúng ông Táo về Trời

VOH - Năm nay 2024, ngày ông Công ông Táo rơi vào thứ 6, ngày 2/2 năm Dương lịch. Vậy ông Công ông Táo là ai?

“Thế gian một vợ một chồng,
Không như vua bếp hai ông một bà.”

Nhắc đến ông Công, ông Táo thì người Việt Nam ta ai cũng biết, họ là những vị thần trong nhà vô cùng gần gũi và thân thuộc. Theo quan niệm dân gian ông Công, ông Táo là một gia đình rất đặc biệt, gồm 3 người: 2 chồng, 1 vợ.

Hôm nay, nhân ngày 23 Tết, ngày đưa ông Táo chầu trời, chúng ta cùng tìm hiểu những câu truyện dân gian về ông Công, ông Táo bạn nhé!

Ông Công ông Táo là ai?

Ông Công, ông Táo là tên gọi tắt của Táo Quân và Táo Công. Theo Đạo giáo, Táo Quân có nguồn gốc từ ba ông thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Còn trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ông Táo gồm có 2 ông và 1 bà, cũng chính là thần đất, thần nhà và thần bếp núc.

Theo đó, ba vợ chồng Táo Quân là người quan sát và định đoạt phước đức cho gia chủ. Hằng năm, cứ vào 23 tháng Chạp ông bà Táo sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời và báo cáo cho Ngọc Hoàng Thượng Đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua dưới trần gian. 

Sự tích ông Công ông Táo

Có rất nhiều tích khác nhau kể về ông Công ông Táo, nhưng nhìn chung nội dung chính vẫn là một câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng 2 ông 1 bà, son sắc nhưng éo le. Dưới đây là 2 tích của Việt Nam và 3 tích của Trung Quốc phổ biến và được lan truyền rộng rãi nhất.

su-tich-ong-cong-ong-tao-voh-12
 

Tích 1 - Sự tích ông Công ông Táo của Việt Nam

Tích Việt kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau nhưng mãi không có con. Vì vậy dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may, đêm ấy Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.

 
 

Tích 2 - Sự tích ông Công ông Táo của Việt Nam

Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn.

Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau. Thường buổi tối sau khi đi làm về, hai Vợ chồng ngồi bên bếp lửa hay dưới ánh trăng kể cho nhau những chuyện xa gần mới nghe được, hay hát những câu tình duyên, có khi vui vẻ quên cả cơm nước.

Một năm trời làm mất mùa, hạt gạo kiếm rất khó khăn. Tình trạng đói kém diễn ra khắp mọi miền. Hai Vợ chồng theo lệ cũ đi tìm việc ở các nhà giàu nhưng chả mấy ai thuê nữa. Người vay công lĩnh nợ thì đông mà gạo rất khan hiếm nên khó chen vào lọt. Hơn nữa, cổng mấy lão trọc phú lại thường đóng chặt vì chúng không muốn cho ai quấy nhiễu.

Túng thế hai Vợ chồng phải đi mò cua bắt ốc, hoặc đào củ, hái rau về ăn. Tuy có đỡ phần nào nhưng tình cảnh vẫn không mảy may sáng sủa. Cái chết luôn luôn đe dọa họ vì trận đói còn kéo dài. Một buổi chiều, sau khi húp vội mấy bát canh rau má, chồng bảo vợ:

– Tôi phải đi một nơi khác kiếm ăn, không thể ở nhà được.

Nghe chồng nói, người đàn bà đòi đi theo để sống chết có nhau. Nhưng người chồng bảo:

– Tôi chưa biết sẽ đi đến đâu và sẽ phải làm những gì. Nàng ở nhà dễ sống hơn tôi, không nên theo làm gì cho vất vả. Chưa biết chừng tôi sẽ nằm lại dọc đường để cho loài chim đến than khóc. Nhưng cũng chưa biết chừng tôi lại mang những quan tiền tốt bó mo về đây nuôi nàng cũng nên. Chao ôi! Số mệnh, nàng hãy chờ tôi trong ba năm nghe. Hết ba năm không thấy tôi trở về ấy là tôi đã bỏ xác quê người. Nàng cứ việc đi lấy chồng khác.

Người vợ khóc lóc thảm thiết như đứng trước cảnh tang tóc thực sự. Nhưng không biết làm thế nào cả, nàng đành phải để chồng ra đi.

Sau khi tiễn chồng, người đàn bà kiếm được việc làm ở một nhà kia. Nhà họ không giàu gì nhưng thương cảnh ngộ nàng, có ý giúp đỡ cho qua những ngày thảm đạm. ở đây, người đàn bà kiếm mỗi ngày hai bữa, trong đó có một bữa cháo bữa khoai. Nhờ lanh lẹn và xinh xắn nên nàng lấy được cảm tình của chủ. Nhưng hình dáng người chồng thân yêu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nàng.

Thời gian trôi nhanh như nước chảy. Người ta đã bớt nhắc đến trận đói khốc liệt vừa qua. Nàng thì ngày ngày hồi hộp chờ đợi chồng. Nhưng cây bưởi trước sân đã ba lần trổ hoa mà chồng nàng vẫn không thấy tăm dạng.

Giữa lúc ấy người chủ đã từng bao bọc nàng trong lúc đói vừa chết vợ. Sẵn có tình cảm với nàng, người ấy ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Nhưng người ấy đâu có hiểu được lòng của người thiếu phụ. Câu trả lời của nàng là:

– Chồng tôi hẹn tôi trong ba năm sẽ về. Đến bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng trong ba năm cho trọn đạo.

Ba năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Không tin tức cũng chẳng có một lời đồn về người chồng. Hàng ngày, những buổi chiều tà, nàng vẫn đăm đăm nhìn bóng người đi lại trên con đường cái quan. Và rồi nàng khóc cạn cả nước mắt. Người đàn ông kia giục nàng quyết định:

– Một là chồng nàng đã chết, hai là còn sống nhưng đã lập gia đình khác ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Đằng nào nàng cũng khó mong tái hợp. Âu là cùng tôi lập một gia đình mới. Sức của tôi và của của tôi đủ bảo đảm cho nàng sung sướng trọn đời.

Nàng sửa lại vành khăn trắng đã ngả màu, cảm ơn hậu tình của anh ta và xin rốn chờ cho một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua không mang lại một tin tức gì mới mẻ. Lần này nàng mới tin là chồng mình chết thật. Sau một bữa rượu cúng chồng và đãi họ hàng làng xóm, nàng đến ở cùng người chồng mới.

Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ xách khăn gói trở về quê hương. Chàng không có vẻ gì khấm khá hơn trước. Chàng chỉ ôm một hy vọng là được gặp lại người vợ yêu. Nhưng vườn cũ nay đã thuộc về chủ mới. Chàng lẩm bẩm:

– Thế là hết. Bởi số cả!

Việc người đàn ông đột ngột trở về làm cho mọi người ngơ ngác. Nhất là đôi Vợ chồng mới cưới không còn biết ăn nói làm sao bây giờ. Người đàn bà xấu hổ không dám gặp mặt. Nhưng người chồng cũ đã tìm đến họ và an ủi họ.

– Tôi đi vắng lâu quá, cái đó hoàn toàn là lỗi ở tôi. Nàng xử sự như thế rất đúng. Tôi chỉ cần về gặp nàng một chút thế là đủ. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi nơi này mãi mãi.

Mặc dầu người vợ nài nỉ hết sức, mặc dầu người chồng mới xin trả lại vợ, nhưng chàng nhất quyết dứt áo ra đi. Chàng không nỡ phá hạnh phúc của họ. Mà chàng cũng không có gan đi đâu xa vì không thể quên được vợ cũ. Băn khoăn dằn vặt hành hạ tâm trí chàng. Đầu óc rối như mớ bòng bong. Chàng nghĩ đến cái chết và trong một lúc cuồng loạn, chàng tự treo cổ lên cây đa đầu làng.

Cái chết kinh khủng đó như một tiếng sét nổ vào đầu người đàn bà. Nàng cảm thấy chính mình là thủ phạm gây ra cái chết của người chồng cũ. Tại sao ta chờ chồng được bảy năm trời mà không ráng chờ thêm ít lâu nữa? Tại sao thấy chồng trở về, ta không dám giáp mặt? Nàng không tự chủ được nữa. Tất cả những câu hỏi như lên án một cách âm thầm nhưng kịch liệt trong đầu óc nàng.

Thế rồi buổi sáng hôm sau, trong khi người ta sắp sửa cất đám người đàn ông bạc mệnh thì người ta lại hoảng hốt kéo nhau đi vớt tử thi người đàn bà dưới cái ao bên cạnh nhà.

Người chồng mới sau khi làm ma cho vợ, trở nên như người mất trí. Hai cái chết đánh mạnh vào đầu óc mọi người, riêng đối với chàng chưa bao giờ có một sự xúc động dữ dội đến như thế. Chàng luôn miệng kêu to:

– Tại sao ta cố ý cướp vợ của người khác!

Rồi một hôm, sau khi đem hết gia sản chia cho họ hàng và cúng vào chùa, chàng uống thuốc độc tự tử.

Lúc xuống đến thế giới bên kia, cả ba người đều được đưa tới trước tòa án của Diêm vương để định công luận tội. Tất cả mọi người một khi đã đến đây đều phải khai rõ sự thật.

Theo lời khai của người chồng cũ thì chàng không thể nào xa lìa vợ cũ. Chàng sở dĩ chết ở làng là chỉ mong luôn luôn được gần gũi nàng. Người chồng mới cũng khai rằng chàng có cảm tình rất sâu xa đối với người vợ mới mặc dầu mới chính thức lấy nhau chỉ có ba tháng. Khi Diêm Vương hỏi tình của chàng đối với người vợ cũ như thế nào thì chàng giơ ngón tay so sánh rằng một bên mười, một bên chưa được một. Đến lượt người đàn bà thì nàng thú thật rằng cái tình của nàng đối với chồng cũ choán một chỗ rộng rãi trong lòng mình, đồng thời đối với người chồng mới, nàng cũng không thể nào quên được tình cảm nồng nhiệt của chàng.

Diêm Vương ngồi nghe rất cảm động. Những người như thế này cũng thật hiếm có. Cần phải làm cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau một hồi lâu suy nghĩ, Diêm Vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời, Vua còn phong cho họ chức Táo Quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình một trên trần thế.

Tích 3 - Sự tích ông Công ông Táo của Trung Quốc

Truyền thuyết phổ biến nhất trong dân gian Trung Hoa là chuyện Trương Táo Vương phát tích từ vùng Sơn Đông như sau:

Trước kia, một gia đình họ Trương có hai vợ chồng già sống cùng con trai tên là Trương Lang và con dâu tên là Quách Đinh Hương. Trương Lang không thích làm ruộng, bỏ ra ngoài đi buôn. Đinh Hương ở nhà một mình trồng cấy, gánh vác công việc nhà chồng và chăm sóc cha mẹ chồng. Cuộc sống của nàng vô cùng vất vả.

Sau 5 năm biền biệt bặt vô âm tín, vừa về đến nhà, Trương Lang đuổi Đinh Hương và lấy Lý Hải Đường về làm vợ. Đinh Hương không nơi nương tựa được một bà lão đưa về nuôi, về sau trở thành con dâu của bà và có cuộc sống viên mãn.

Một năm nọ, gia đình Trương Lang gặp phải đám cháy lớn, tài sản bị thiêu rụi, người vợ sau cũng bị thiêu chết. Trương Lang bị thiêu mù đôi mắt, không còn cách nào đành lưu lạc xin ăn ngoài đường. Một hôm, Trương Lang đến nhà Đinh Hương xin ăn. Nàng không chỉ mang cơm ngon canh ngọt ra mời, mà còn tặng thêm vàng bạc cho chồng cũ. Về sau, Trương Lang biết được người phụ nữ hảo tâm chính là vợ cũ của mình, trong lòng hối hận, xấu hổ vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lửa và bị chết cháy trong đó. Vì Trương Lang cùng họ với Ngọc Hoàng Thượng đế, nên được Ngọc Hoàng phong cho làm Táo vương.

Tích 4 - Sự tích ông Công ông Táo của Trung Quốc

Vùng Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến lại lưu truyền câu chuyện về một người tên là Trương Định Phúc, gia cảnh bần hàn nhưng lại lười biếng, ham mê cờ bạc đến mức khuynh gia bại sản, phải bán cả vợ. Người vợ vẫn thương xót chồng, thường giấu giếm cho ăn. Về sau, Trương Định Phúc xấu hổ vô cùng, đâm đầu vào bếp lò chết. Sau khi chết, Ngọc Hoàng Thượng đế cho anh ta làm Táo thần.

Tích 5 - Sự tích ông Công ông Táo của Trung Quốc

Cư dân hai bên bờ sông Trường Giang cũng lưu truyền câu chuyện về vị Táo vương bạc tình như sau:

Ngày trước, có một chàng trai con phú gia tên là Lý Hồi Tâm. Vợ anh ta tên là Vương Huệ Mẫn, vốn là con gái một gia đình làm ruộng. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con, có bà mối gần nhà đã làm mối cho Lý Hồi Tâm lấy cháu gái mình làm vợ lẽ. Không lâu sau, Lý Hồi Tâm nghe lời xúi giục của vợ bé đuổi Vương Huệ Mẫn ra khỏi nhà.

Vương Huệ Mẫn vô cùng đau khổ, bỏ đến một nơi hoang vắng, tự khai hoang lập ấp. Nàng còn chiêu mộ, giúp đỡ thêm nhiều người dân nghèo lang thang cơ nhỡ đến an cư lạc nghiệp ở đó. Mọi người đồng cam cộng khổ, chăm chỉ lao động, xây dựng vùng đất hoang vu ngày nào thành một trang ấp trù mật, giàu có. Mọi người trong ấp đều nhất trí tôn Vương Huệ Mẫn làm thủ lĩnh.

Còn về Lý Hồi Tâm, từ khi đuổi vợ cả đi, hằng ngày ăn uống chơi bời với vợ lẽ. Vài năm sau, gia sản ông cha để lại đã bị tiêu tán hết. Người vợ kế vốn lười làm ham chơi, thấy chồng trở nên nghèo khó, đã vội vã đi lấy người khác. Lý Hồi Tâm đành phải đi xin ăn để duy trì cuộc sống.

Một hôm, anh ta đến xin ăn đúng nhà Vương Huệ Mẫn. Mọi người trong nhà tiếp đón anh ta ân cần tử tế. Về sau, nhận ra chủ nhà chính là người vợ cũ đã bị mình đuổi đi, anh ta xấu hổ và hối hận vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lò chết cháy. Vương Huệ Mẫn cũng qua đời ít lâu sau đó vì quá thương xót chồng. Ngọc Hoàng Thượng đế cho rằng Lý Hồi Tâm dũng cảm nhận sai, bèn phong làm Táo thần; Vương Huệ Mẫn thông minh hiền thục được phong làm Táo Vương Bà Bà.

Xem thêm:
 Cúng ông Táo về trời, chuyện ít người biết?
Cúng ông Táo gồm những gì? Gợi ý mâm cúng Táo quân chuẩn nhất
Cúng ông Công ông Táo năm 2024 vào ngày nào, giờ nào đẹp?

Lễ vật cúng ông Công ông Táo

Đưa ông Táo về Trời là sự kiện quan trọng trong những ngày cuối năm, chính vì vậy lễ vật cúng cũng rất đặc biệt. 

Theo đó, lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Chiếc mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn. Ngoài ra, cần chuẩn bị nhan, đèn, nến, gạo, muối, lọ hoa tươi, trái cây ngũ quả, giấy tiền vàng mã, cá chép...

Có trường hợp, để đơn giản có khi người Việt chỉ cúng tượng trưng một chiếc mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Sau khi cúng xong những đồ vàng mã sẽ được đốt đi.

Tuy nhiên, tùy theo phong tục tập quán vùng miền mà lễ vật cúng ông Táo ở Việt Nam cũng vô cùng phong phú và khác biệt. Ở miền Bắc người ta thường cúng ông Táo kèm một con cá chép còn sống, ngụ ý "cá hóa long", cá chép sẽ hóa Rồng đưa ông Táo về trời. Ở miền Trung thì cúng kèm một con ngựa giấy. Ở miền Nam thì đơn giản hơn chỉ với mũ áo và đôi hia giấy cùng mâm cỗ.

su-tich-ong-cong-ong-tao-voh-1
 

Văn khấn ông Công ông Táo

Cúng kiếng là vấn đề tâm linh nên ngoài việc chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn đủ đầy thì những bài văn khấn cũng rất quan trọng để bày tỏ lòng thành và sự biết ơn đến các vị thần. Dưới đây là gợi ý những bài văn khấn ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp.

Bài khấn trước khi rút chân hương

Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Tín chủ tên là:

Cư ngụ tại địa chỉ:

Hôm nay ngày..... tháng...... năm tín chủ con tự xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án có chút bụi bẩn, có chút chưa được tịnh tịnh, xanh yên.

Tín chủ xin kính cáo với các chư Vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.

Mong các vị tạm ẩn tạm lánh, độ cho cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ. Cho cung tài không động, cung lộc không hao.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Văn khấn rút tỉa chân hương bàn thờ Thần Tài

Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương.

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là:

Ngụ tại:

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ X (họ nhà bạn là gì thì thêm vào) tại… (nhà ở đâu, quê ở đâu)

Hôm nay là ngày... con xin phép được bao sái lại bàn thờ Thần tài để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ X, chấp thuận.

Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Văn khấn lau dọn bàn thờ đúng chuẩn theo Văn khấn cổ truyền

Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là:

Ngụ tại:

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ.... tại… (địa chỉ nhà ở, quê).

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm… , con xin phép được bao sái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ… chấp thuận.

Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Sau hơn nửa tuần nhang thì bạn có thể tiến hành vệ sinh bát nhang và bàn thờ.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận