Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cúng ông Táo gồm những gì? Gợi ý mâm cúng Táo quân chuẩn nhất

VOH - Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày đưa ông Táo về chầu Trời. Các gia đình Việt thường có tập tục bày biện một mâm lễ cúng ông Công ông Táo. Vậy lễ cúng ông Táo gồm những gì?

Lễ cúng ông Công ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt Nam. Thế nhưng, mỗi năm qua đi lại có nhiều thay đổi, kể cả lễ cúng ông Táo cũng được “nâng cấp” theo từng năm. Vậy trong năm 2024 cúng ông Táo gồm những gì? Cùng VOH tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Ý nghĩa lễ cúng ông Táo hàng năm

Trong quan niệm dân gian, Táo quân là những vị thần định đoạt phúc đức cho gia đình. Theo đó, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trong coi việc bếp núc.

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình để báo cáo mọi việc dưới trần gian trong suốt một năm qua để Thiên đình định công, định tội, nên có nơi gọi ngày này là “Tết ông Công”.

Ngoài ra, có quan niệm rằng Táo quân chầu Trời ngày 23 tháng Chạp là để thưa với Ngọc Hoàng những chuyện xảy ra trong năm vừa qua dưới trần gian, trong đó có việc của gia đình mình.

Cúng ông Táo gồm những gì? Gợi ý mâm cúng Táo quân chuẩn nhất 1
Ý nghĩa lễ cúng ông Công ông Táo là gì? - Ảnh: Internet

Sách Kính Táo toàn thư có đoạn: “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe con người trong gia đình, theo dõi việc ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó”. Vì thế, nhiều gia đình vào ngày 23 tháng Chạp thường chuẩn bị mâm cúng ông Táo rất trang trọng với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ được trình thưa với Ngọc Hoàng.

Tín ngưỡng này đã được duy trì qua nhiều thế hệ người Việt, dần trở thành một nét văn hóa của ngày Tết cổ truyền. Cứ mỗi năm vào dịp tháng Chạp ngày 23, các gia đình lại chuẩn bị các mâm lễ vật, đồ cúng để đưa ông Táo về chầu Chời. Sau đó đến ngày 30 tháng Chạp (30 Tết) sẽ rước ông Táo quay lại nhà để tiếp tục công việc.

Lễ vật cúng ông Táo gồm những gì?

Thông thường, lễ vật cúng ông Công ông Táo truyền thống sẽ gồm:

  • Mũ ông Công ba cổ hay ba chiếc: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.
  • Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của Táo Quân. Có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được.
  • Quần áo giấy: Hai bộ cho nam, một bộ cho nữ
  • Hài Táo Quân (đôi đia): Hai đôi hài nam, một đôi hài nữ.
  • Trái cây tươi
  • Trầu cau tươi
  • Hương, nến
  • Rượu nếp hoặc trà

Xem thêm:
17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt
60 stt ông Công ông Táo, lời chúc, thơ ông Táo hay nhất
Sự tích ông Công ông Táo, lễ vật và bài văn khấn cúng ông Táo về Trời

Mâm cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất

Tùy theo từng hoàn cảnh gia đình, mâm cúng ông Táo có thể là mâm cúng chay hoặc mặn.

Trong mâm cúng mặn ông Táo truyền thống cơ bản bao gồm:

  • 1 đĩa gạo
  • 1 đĩa muối
  • 3 chén rượu
  • Thịt heo luộc
  • Gà luộc hoặc quay
  • Đĩa rau xào
  • Hành muối
  • Xôi gấc
  • Giò heo
  • Canh mọc
  • Cá chép

Ngày nay, mâm cúng ông Công ông Táo đã được “đơn giản hóa” khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ các món như mâm cỗ truyền thống. Những gia đình nào không có điều kiện chỉ cần làm mâm cúng đơn giản 3 món. Thậm chí có những nhà vào ngày 23 tháng Chạp chỉ cúng trà, bánh, kẹo… với mong muốn Táo quân “ngọt giọng”.

Tục xưa còn ghi, với những gia đình có trẻ nhỏ, người ta còn cúng Táo quân một  con gà luộc. Loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) với ngụ ý nhờ Táo xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí, hiên ngang.

Cúng ông Táo gồm những gì? Gợi ý mâm cúng Táo quân chuẩn nhất 2
Mâm cỗ bày cúng ông Táo tùy thuộc vào điều kiện kinh tế từng gia đình - Ảnh: Internet

Cúng ông Táo năm 2024 giờ nào tốt?

Lễ cúng ông Công, ông Táo có thể được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) hàng năm. Theo lịch dương năm 2024, ngày 23 tháng Chạp rơi vào ngày thứ Sáu, 2/2/2024.

Theo quan niệm dân gian, lễ cúng ông Táo cần được tiến hành trước giờ Ngọ, tức 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, năm 2024, ngày đưa ông Táo về trời rơi vào thứ Sáu, nhiều người vẫn còn đi làm, cho nên không nhất thiết phải cúng vào trưa 23 tháng Chạp.

Bạn có thể bắt đầu lễ cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 khoảng 1 - 2 ngày. Nếu cúng đúng ngày 23 tháng Chạp hãy cố gắng hoàn thành lễ cúng trước 12 giờ.

Các khung giờ tốt để cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp gồm:

  • Giờ Mậu Tý (từ 23h đến 1h): Thanh Long
  • Giờ Kỷ Sử (từ 1h đến 3h): Minh Đường
  • Giờ Nhâm Thìn (từ 7h đến 9h): Kim Quỹ
  • Giờ Quý Tỵ (từ 9h đến 11h): Bảo Quang

Cách hóa vàng mã ông Công ông Táo

Vàng mã cúng ông Công ông Táo gồm quần, áo, hia và cá chép giấy (nếu có). Những món lễ vật này sẽ được đốt đi sau khi thực hiện xong lễ cúng ông Táo. Bài vị thờ ông Táo cũ cũng sẽ đem đốt và lập bài vị mới cho Táo công.

Riêng với cá chép sống thì sẽ được đem phóng sinh. Gia đình cho thể thả cá chép ra ao, hồ hay ra sông sau khi cúng.

Thông thường, sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong sẽ chờ hương tàn rồi lại thắp thêm một tuần hương nữa. Tiếp đó sẽ thực hiện lễ tạ mới tiến hành hóa vàng mã và thả cá chép ra sông, suối, ao, hồ… để cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Cúng ông Táo gồm những gì? Gợi ý mâm cúng Táo quân chuẩn nhất 3
Lễ vật cúng ông Táo sẽ được hóa vàng mã sau khi xong lễ cúng - Ảnh: Inernet

Gợi ý mẫu bài cúng ông Công ông Táo

Vào ngày cúng ông Táo về trời, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ lễ vật, đồ cúng thì bài cúng ông Công ông Táo cũng cần phải thật chỉnh chu.

Theo sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” bài cùng ông Táo được viết như sau:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ chúng con là: ... Ngụ tại: ...

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Ngoài ra, trong dân gian cũng lưu truyền một bài văn khấn ông Công Táo là:

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân!

Tín chủ con là :.............

Ngụ tại :.......................

Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời :

Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.

Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.

Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Xem thêm:
Vị trí đặt mâm cúng ông Táo nơi nào mới đúng?
Ở nhà thuê, nhà trọ, cửa hàng kinh doanh có cần cúng ông Táo không?
Nên cúng 1, 2 hay 3 con cá chép trong lễ cúng ông Công ông Táo?

Những điều kiêng kỵ cần nhớ khi cúng ông Công ông Táo

Để không làm mất đi ý nghĩa tâm linh trong lễ cúng ông Táo, khi tiến hành lễ cúng cần lưu ý một số điều sau đây:

Không làm lễ cúng ông Táo quá sớm hoặc quá muộn

Thời điểm cuối năm, nhiều gia đình bận rộn, thế nhưng không vì thế mà thực hiện nghi thức cúng lễ quá sớm hoặc quá muộn. Đặc biệt, tuyệt đối không cúng ông Táo vào ngày Rằm tháng Chạp.

Từ 12h ngày 23 tháng Chạp trở đi được coi như bước sang ngày mới, việc cúng ông Táo sau thời gian này sẽ không còn linh nghiệm. Vì vậy, thời gian cúng ông Táo có thể sắp xếp từ ngày 21, 22 và lý tưởng nhất là tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Không đặt mâm cúng ở khu vực bếp

Cúng ông Táo gồm những gì? Gợi ý mâm cúng Táo quân chuẩn nhất 4
Lễ cúng ông Công ông Táo nên được tiến hành ở nơi trang nghiêm trong nhà - Ảnh: Internet

Rất nhiều gia đình cho rằng ông Táo cai quản chuyện bếp núc cho nên cúng ông Táo ở khu vực bếp là hợp lý nhất. Thế nhưng, xét về cả điển tích lẫn tâm linh cho thấy, ông Công chủ về cai quản đất đai, ông Táo cai quản bếp núc.

Hơn nữa, việc thờ cúng thường phải được tiến hành ở nơi trang trọng, tôn nghiêm. Khu vực bếp, dù được vệ sinh sạch sẽ cũng không thể có được không gian tâm linh như tại nơi thờ tự, nơi thể hiện rõ nhất lòng thành của con người tới chư vị thần linh, tổ tiên.

Không cầu xin tài lộc, sung túc

Trong các lễ cúng, nhiều người có thói quen cầu xin được làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào. Tuy vậy, với lễ cúng Táo Quân thì không nên, bởi Táo Quân lên thiên đình chỉ để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng, cho nên các gia đình chỉ cần khấn cầu Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng là được.

Không thả cá chép từ trên cao xuống

Theo truyền thuyết, cá chép là vật cưỡi của Táo Quân khi về chầu Trời, được xem như là biểu tượng tâm linh. Do đó, hành động thả cá chép từ trên cao xuống hay bọc cá trong bao nilon rồi thả xuống sông là một việc làm mạo phạm, mất ý nghĩa tâm linh.

Không dâng tiền âm phủ khi cúng Táo

Nhiều người quan niệm khi làm lễ cúng, càng dâng nhiều tiền vàng thì các vị thần linh sẽ càng chứng giám và ban nhiều tài lộc. Tuy nhiên, ông Táo thuộc cõi Thượng Giới (chầu Trời) được xem là bậc thần tiên chứ không phải âm vong. Do đó, cúng tiền âm phủ vào dịp này là điều không nên.

Những món ăn cần tránh

Khi chuẩn bị mâm cúng Táo Quân cần tránh một số món ăn được cho là không phù hợp như: thịt chó, thịt vịt, thịt chim và thịt ngan.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn biết cúng ông Táo gồm những gì. Mong rằng trong lễ cúng Táo Quân năm nay, gia đình bạn sẽ chuẩn bị được một mâm cúng đầy đủ nhất để đưa ông Táo chầu Trời.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận