Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ

VOH - Được lưu truyền từ rất lâu, những câu chuyện, sự tích dân gian liên quan đến ngày Tết luôn là một “thức quà” không thể thiếu dịp Tết đến Xuân về.

Chặng đường 2023 lắm thăng trầm chuẩn bị khép lại để nhường sang trang mới 2024. Trong những ngày cuối cùng của năm, ai nấy đều trở nên bận rộn và nhịp sống lại càng tất bật hơn khi phải chạy nước rút để hoàn thành công việc cùng lúc chuẩn bị dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa để đón một năm mới đủ đầy. 

Ngày đầu năm còn là thời gian để gia đình sum họp, quây quần bên nhau, cùng tâm sự, thưởng thức các món ăn truyền thống... Đặc biệt đây cũng là lúc những câu chuyện ngày Tết được nhắc đến, các sự tích, truyện dân gian khiến cho người lớn luôn tò mò, trẻ con nghe đi nghe lại vẫn không thấy chán.

Ngay sau đây, VOH sẽ chia sẻ cùng độc giả một số câu chuyện ngày Tết thú vị và sẽ có sự khác biệt đôi chút giữa các phiên bản bởi chúng chủ yếu được truyền miệng và lưu truyền từ rất xa xưa.

Chuyện hay về ngày tết hay cho trẻ - Sự tích Ngày Tết

Đã bao giờ bạn thắc mắc ngày Tết có từ khi nào và tại sao lại có ngày này hay chưa? Trong câu chuyện dân gian sự tích Ngày Tết, tương truyền lúc bấy giờ con người vẫn chưa có khái niệm về thời gian. Họ chưa phát minh ra bất kỳ công cụ nào để đo lường, càng không có những thứ gọi là lịch hay đồng hồ và tất nhiên không thể tính được tuổi tác. 

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 1
Ngày Tết là lúc gia đình sum họp bên nhau 

Lúc bấy giờ, tại vương quốc nọ do một vị vua nổi tiếng thông minh, tài đức cai trị đón mừng chuyện vui. Đức vua muốn nhân dịp này ban thưởng cho người có tuổi cao nhất trong nước. Cả nước hân hoan, khắp nơi nhanh chóng tụ họp, bàn bạc chọn ra người lớn tuổi nhất để nhận thưởng.

Thế nhưng, việc tìm ra người cao tuổi nhất là một điều vô cùng khó khăn bởi chẳng ai biết rõ mình bao nhiêu tuổi, dựa vào ngoại hình cũng không đủ chuẩn xác. Không chỉ người dân, đến cả triều đình cũng đành bó tay khi không tìm ra cách nào để xác định người cao tuổi nhất nước.

Đối mặt với bài toán khó, đức vua lập tức phái một đoàn sứ giả lên đường tìm kiếm các vị thần để nhờ giúp đỡ. Đoàn sứ giả nhận lệnh vua, bắt đầu lên đường. 

Mặc dù lần lượt tìm đến các vị thần, hỏi qua thần Sông, thần Biển và thần Núi nhưng đoàn sứ đều không nhận được câu trả lời mong muốn. Bởi vì các vị thần cũng không biết cách tính tuổi, chỉ biết những vị thần kia còn tồn tại sớm hơn cả mình. Đến vị thần Mặt Trời, đoàn sứ không thể tìm đường đến gặp nên thất vọng quay trở về.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 1
Nhờ bà lão hái hoa đào nhớ con mà nhà vua tìm ra được cách tính tuổi

May mắn thay, trên đường trở về khi đi ngang qua một khu rừng, họ bắt gặp một bà cụ đang ngồi buồn bã bên gốc cây đào. Sau khi hỏi chuyện, đoàn sứ giả biết được bà lão đến đây hái hoa để nhớ đến con mình. Theo lời bà kể, thuở trước con bà đi xa, cây đào nở hoa, bây giờ mỗi khi hoa đào nở thì bà sẽ đi hái một bông về để nhớ đến người con chưa thấy về.

Nhờ lời tâm sự của bà lão đã giúp đoàn sứ lóe lên một ý nghĩ. Trở về kinh đô, họ tâu lên vua việc gặp bà lão hái hoa đào tính thời gian chờ con. Nhà vua vốn rất thông tuệ liền áp dụng để tính tuổi con người. Vậy là cứ mỗi lần hoa đào nở sẽ tính là 1 tuổi. Sau này, người ta biết được cứ sau 12 lần trăng tròn rồi lại khuyết thì hoa đào nở 1 lần. 

Để nhớ đến bà lão, nhà vua còn ra lệnh vào ngày hoa đào nở, cả nước mở hội 3 ngày 3 đêm. Những ngày vui ấy sau này được gọi là Tết và trở thành phong tục còn lưu truyền mãi đến bây giờ. 

Câu chuyện Cây Nêu Ngày Tết

Trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam, sự tích Cây Nêu Ngày Tết đã trở nên rất quen thuộc với mọi người. Mặc dù không còn thường thấy nhưng ngày nay tại một số vùng quê người ta vẫn giữ tập tục dựng cây Nêu vào ngày Tết.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 2
Đến giờ tục dựng cây Nêu vào ngày Tết vẫn được giữ gìn

Người xưa truyền lại rằng, từ thuở khai thiên lập địa, loài quỷ hoành hành khắp nơi, ỷ đông ức hiếp con người, chiếm toàn bộ đất đai. Do yếu thế, con người buộc phải thuê lại đất của quỷ để trồng lúa nhưng phải chịu điều khoản vô lý "ăn ngọn cho gốc". Mỗi mùa thu hoạch, bọn quỷ lấy hết thóc chỉ còn phần rơm rạ cho con người.

Không thể khoanh tay đứng nhìn loài người chịu khổ cực, một vị Tiên đã hóa thân thành ông lão xuống trần. Ông bảo với mọi người đổi sang trồng khoai vì phần gốc rễ là củ có thể ăn được.

Khi bọn quỷ biết chuyện, chúng lập tức đổi ý thành "ăn gốc cho ngọn". Lúc này, Tiên lại bảo mọi người trồng lúa. Thế là bọn quỷ đành nhận lấy toàn rơm rạ.

Chúng tức tối quyết định sẽ "ăn cả gốc lẫn ngọn". Tiên tiếp tục bảo mọi người trồng bắp, bắp ra trái ở giữa thân cây, đến cuối vụ, nông dân sung sướng thu hoạch đầy bắp trong khi lũ quỷ chẳng được gì.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 3
Sự tích Cây Nêu Ngày Tết

Quá tức tối vì bị lừa hết lần này đến lần khác, bọn quỷ đòi lại đất. Lúc này, Tiên bảo người hãy đến chỗ bọn quỷ xin một mảnh đất bằng cái bóng của chiếc áo treo trên ngọn cây tre. Bọn quỷ thấy tức cười vì mảnh đất nhỏ như vậy thì đáng bao nhiêu, liền đồng ý không chút do dự.

Tuy nhiên chúng không thể nào ngờ Tiên hóa phép cho cây tre cao lên đến tận trời, bóng chiếc áo từ từ phủ kín toàn bộ mặt đất ép bọn quỷ phải lùi ra tận biển sống.

Quá căm phẫn, quỷ tấn công con người quyết đòi lại đất đai. Vị tiên lại kịp thời mách người dân dùng vôi bột, lá dứa và máu chó, để đánh bại lũ quỷ.

Bại trận thảm hại, bọn quỷ cầu xin vị Tiên cho phép chúng mỗi năm được trở về đất liền vài ngày để thăm tổ tiên, thấy chúng thành khẩn, đáng thương, Tiên gật đầu đồng ý.

Từ đó, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là thời gian bọn quỷ vào thăm đất liền. Theo tục cũ, người ta liền dựng một cây Nêu trước nhà để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, xua đuổi, ngăn không cho bọn quỷ đến gần làm hại con người.

Xem thêm: 
Top 15 chuyện cổ tích Việt Nam hay nhất
Top 15 truyện cổ tích nước ngoài hay nhất

Câu chuyện về ngày tết hay: Sự tích Cây Chổi

Người Việt đến ngày nay vẫn còn rất nhiều gia đình giữ tục lệ kiêng không quét nhà vào 3 ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Theo dân gian, tục lệ này bắt nguồn từ sự tích Cây Chổi

Ngày xưa, trên thiên đình có một người đàn bà nấu ăn rất ngon, các món ăn do bà làm ra đều có hình thức bắt mắt và hương vị càng là tuyệt mỹ hiếm có. Ngọc Hoàng rất tán thưởng tài nghệ bếp núc của bà, giao cho bà nhiệm vụ trong nom thiên trù, đảm nhận trách nhiệm nấu ăn cho Ngọc Hoàng. 

Tuy nhiên, người có tài thường hay có tật, mặc dù nấu ăn rất ngon nhưng bà ta lại có tính tham ăn, thường xuyên ăn vụng và làm thất thoát không biết bao nhiêu thức ăn của thiên trù bất chấp luật lệ. Luật trời quy định, kẻ dưới có thức ăn riêng, tuyệt đối không được động vào ngự thiện kể cả Ngọc Hoàng ăn thừa còn lại cũng vậy.

Không những vậy, dù tuổi đã quá xuân xanh bà vẫn phải lòng lão chăn ngựa cho thiên đình. Lão chăn ngựa vốn mê uống rượu, gặp được bà lại thường xuyên được cho ăn ngon nên càng không thể kìm nén cơn thèm trước món ngon vật lạ mà mình không được phép động đến.

Mặc cho luật lệ ngăn cấm, bà vẫn hết lần này đến lần khác lén đem rượu thịt cho lão chăn ngựa, thậm chí còn lén dắt ông vào kho rượu cho ông mặc sức bí tỷ. 

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 4
Sự tích Cây Chổi

Một ngày nọ, thiên đình tổ chức yến tiệc linh đình, như thường lệ, bà và mọi người trong thiên trù tất bật chuẩn bị nấu nướng. Lão chăn ngựa làm sao có thể bỏ lỡ cơ hội hiếm có, ông đến thiên trù tìm bà, được bà cho tạm một ít rượu và đồ ăn. Tuy nhiên, chuyện không ngờ đã xảy ra. Lão chăn ngựa trong hơi men đã không nhịn nổi cơn thèm đồ nhắm, trước mắt toàn món ngon vật lạ, thịt bánh ê hề, ông ta liền nhân lúc không ai để ý, bốc lấy bốc để đồ ăn. 

Đến khi các món ăn được mang lên, lúc này có người phát hiện ra món ăn không còn nguyên vẹn nữa, chắc chắn đã có người động vào. Tức giận, Ngọc Hoàng liền sai người điều tra, lão chăn ngựa và người đàn bà không thể nào chối cãi, sợ hãi xin giảm nhẹ tội. 

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 5
Bởi vì phạm lỗi nhà trời mà 2 người phải bị đày xuống trần gian, hóa thành cây chổi

Ngọc Hoàng quyết định đày 2 người xuống trần gian, hóa thành cây chổi phải làm việc luôn tay mỗi ngày, tìm thức ăn trong rác rưởi. Theo thời gian, nhận thấy 2 người luôn phải làm việc không ngơi tay, Ngọc Hoàng thương tình cho phép họ được nghỉ ngơi 3 ngày trong dịp Tết Nguyên Đán. Từ đó, dân gian bắt đầu có tục lệ kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết.

Cây Mai Vàng Ngày Tết - Câu chuyện ngày tết ý nghĩa cho bé

Những câu chuyện ngày Tết luôn mở ra nhiều thắc mắc và thú vị cho mọi người. Mỗi một câu chuyện, sự tích đều có liên quan, gắn kết mật thiết với các tục lệ, thói quen... trong những ngày Tết.

Nếu như ở miền Bắc, hoa đào sẽ nở rộ dịp Xuân sang, thì ở miền Nam sẽ thấy màu vàng rực rỡ của những cây hoa mai được trồng trước sân nhà. Vậy bạn đã biết tại sao ngày Tết, hoa mai vàng lại nở rộ và mọi người dần xem loài hoa này như một thứ không thể thiếu trong ngày Tết hay không?

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 7
Hoa mai vàng thường nở rộ vào dịp đầu năm mới

Trong sự tích Cây Mai Vàng Ngày Tết, người xưa kể lại rằng có một cô gái tên Mai là con của một thợ săn nên rất dũng cảm. Khi con gái lên 14 tuổi, ông đã dạy Mai trở thành một cô gái tinh thông võ nghệ, sức mạnh chẳng thua kém gì con trai. 

Tại một ngôi làng xuất hiện con yêu tinh rắn tung hoành, phá phách, người dân đã treo thưởng hậu hỉnh cho ai giết được nó. Hay tin, hai cha con Mai lập tức lên đường diệt yêu tinh và danh tiếng bắt đầu đồn xa sau khi cả hai thành công trở về. 

Người cha tuổi ngày một cao và lâm bệnh, sức khỏe yếu dần đi. Trong khi cô con gái đã bước qua tuổi 18, trở nên mạnh mẽ và tinh thông võ nghệ hơn. Một con yêu tính rắn lại xuất hiện tại một vùng khác, người dân nơi đây nhớ đến hai cha con diệt yêu năm xưa liền nhờ họ giúp. 

Trước khi hai cha con lên đường, người mẹ đã tự tay may cho con gái bộ đồ gấm màu vàng xinh đẹp. Mai hứa với mẹ khi trở về sẽ mặc nó để mẹ có thể nhìn thấy mình từ xa.

Hai cha con trèo đèo lội suối tìm đến chỗ ẩn náu của yêu tinh. Người cha không còn đủ sức để ra tay nên chỉ có một mình Mai chiến đấu với yêu tinh. Sau cùng, Mai đã cố gắng hết sức bình sinh để hạ yêu tinh nhưng không ngờ trước khi hoàn toàn chết đi, nó đã quấn chặt lấy cô và siết chết cô. 

Thấu cảm tinh thần trượng nghĩa của Mai và nỗi lòng đau đớn của người mẹ đáng thương mất đi đứa con gái duy nhất, ông Táo trong nhà đã tâu lại với Ngọc Hoàng và khẩn khoản xin cho Mai được trở về với gia đình trong 9 ngày Tết. May thay, Ngọc Hoàng rủ lòng thương xót và cho phép Mai được trở về nhà trong 9 ngày Tết (từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết).

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 7
Sự tích Cây Mai Vàng

Mãi cho đến khi cha mẹ không còn nữa, Mai hóa thành cây hoa mọc bên ngôi miếu, nơi người dân đã lập nên để cúng bái, nhớ ơn cô.

Dân làng thấy cây hoa lạ mọc bên miếu cứ trổ hoa vàng suốt 9 ngày Tết. Thân cây cứng cáp mạnh mẽ trong khi những đóa hoa màu vàng rực rỡ mềm mại mọc thành từng chùm cứ như hình ảnh của Mai được đoàn tụ bên gia đình, thế nên người dân đã lấy tên Mai để đặt cho loài hoa này. Đồng thời, họ cũng chiết nhánh mang về trồng khắp nơi với ngụ ý có thể xua đuổi ma quỷ, mang lại may mắn, tốt lành cho gia đình trong những ngày đầu năm mới.

Thế là từ đó về sau, cây mai vàng trở thành biểu tượng đặc trưng của người phương Nam và dần phổ biến rộng rãi hơn, trở thành nét đẹp văn hóa ngày Tết và mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Câu chuyện hay nhất về ngày tết: Sự tích Ông Táo

Mỗi năm Tết đến, theo phong tục truyền thống, người Việt đều sẽ làm lễ tiễn ông Táo chầu trời vào 23 tháng Chạp để tâu lại mọi điều thiện ác tại nhân gian. Song, không phải ai cũng biết rõ phong tục này bắt nguồn từ đâu.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ vì quá nghèo khổ nên thường xuyên mâu thuẫn và cuối cùng phải bỏ nhau. Không bao lâu sau, người vợ tìm được hạnh phúc mới, người chồng mới của cô có điều kiện tốt hơn và hai người chung sống rất hạnh phúc.

Cho đến một ngày, người chồng cũ vẫn sống trong cảnh nghèo khổ đến mức phải đi xin ăn, tình cờ lại đến xin đúng nhà của vợ cũ. Người vợ nhìn thấy anh lập tức nhận ra, cô niệm tình nghĩa vợ chồng lúc xưa nên đãi anh ăn một bữa ra trò. Trùng hợp đúng lúc người chồng mới trở về bắt gặp liền sinh lòng nghi ngờ vợ. 

Người vợ bất lực vì chồng không tin tưởng mình. Cô uất ức quá đâm đầu vào đống lửa mà chết, chứng minh mình trong sạch. Người chồng cũ đau đớn tột độ vì mình đã hại cô nên chết theo, người chồng sau thấy vậy cũng hối hận vô cùng nhảy vào chết chung với hai người.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 8
Sự tích Ông Táo

Ngọc Hoàng cảm động trước tình cảm của ba người nên phong cho họ làm Táo Quân hay còn được gọi là Vua Bếp. Họ có trách nhiệm coi sóc việc khói bếp nhân gian đồng thời ghi nhận mọi chuyện tốt xấu tại đây và có nhiệm vụ trở về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm và quay lại nhân gian vào ngày 30 tháng Chạp (hoặc 29 nếu không có ngày 30).

Tương tự như các sự tích khác, câu chuyện này cũng có nhiều dị bản nhưng cốt truyện chung không có gì khác biệt như trên.

Xem thêm: 
Top 15 bộ phim Tết Việt Nam hay, được xem nhiều nhất hiện nay
Những bộ phim Tết 2023 không thể bỏ qua

Câu chuyện ngày tết nước ngoài - Tục lệ treo chữ Phúc ngược

Tục lệ treo chữ Phúc ngược không phải ai cũng biết đến vì nó được du nhập vào Việt Nam từ phong tục của Trung Hoa và thường dân tộc Hoa sẽ chú trọng tục lệ này hơn các dân tộc khác của Việt Nam.

Liên quan đến tục lệ treo chữ Phúc ngược có rất nhiều giai thoại,  nhưng khởi đầu và được lưu truyền phổ biến nhất chính là câu chuyện liên quan đến Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. 

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 9
Tục lệ dán chữ Phúc ngược đã có từ rất lâu đời

Theo quyển sách Văn Hóa Phúc Trung Quốc, sau khi thành công chiếm được Nam Kinh, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã ra lệnh cho tay chân thân tín dán chữ Phúc (福) vào trước cửa những nhà đã ủng hộ và giúp đỡ mình. Mục đích của ông là để sang ngày hôm sau giết sạch toàn bộ nhà nào không có dán chữ Phúc và gán tội cho họ thông đồng với giặc Nguyên. Mã hoàng hậu vốn có tấm lòng nhân hậu vừa hay tin liền không thể nào để cuộc thảm sát này xảy ra. Bà âm thầm ra lệnh cho tất cả các hộ dân phải dán chữ Phúc trước cửa nhà. 

Ngày hôm sau, Chu Nguyên Chương ra lệnh ngự lâm quân tiến hành xử tử những gia đình không có dán chữ Phúc trước cửa nhà. Nào ngờ, binh lính ngơ ngác khi trong cả thành, nhà nào nhà nấy đều có dán chữ Phúc trước cửa.

Trong lúc Chu Nguyên Chương đang nổi trận lôi đình, binh lính đột nhiên báo có một nhà dán chữ Phúc ngược khiến ông "giận cá chém thớt" đòi giết cả nhà đó. Mã hoàng hậu thấy chuyện chẳng lành, vội vàng nói với Chu Nguyên Chương: "Nhà đó biết hôm nay ngài đến chơi, cố ý dán chữ Phúc ngược đấy. Đây chẳng phải là ngụ ý 'Phúc đến" hay sao? (trong chữ Hán, chữ Phúc dán ngược đọc là "phúc đảo", "đảo" đồng âm với "đáo" nghĩa là đến). 

Chu Nguyên Chương nghe xong thấy có lý nên đã dẹp bỏ ý định giết người, nhờ đó tránh được một màn thảm kịch. Từ đó về sau, càng có nhiều người dán chữ Phúc ngược.

Ngày nay, rất nhiều người có thói quen dán chữ Phúc ngược. Song, một bộ phận khác lại không ủng hộ việc làm này, họ cho rằng làm như vậy là không tôn trọng chữ Hán. Tuy nhiên, bất luận dán chữ Phúc ngược hay xuôi đều là mang ý muốn cho một năm mới tràn ngập niềm vui, may mắn, thuận lợi và hạnh phúc.

Truyền thuyết mùa Xuân đón Thần Tài

Vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, người Việt đặc biệt là những ai kinh doanh, làm ăn buôn bán và mong cầu tài lộc đều nhất định sẽ không quên lễ vía Thần Tài. Chúng ta đã thường nghe qua rất nhiều về nguồn gốc của ngày lễ vía Thần Tài nhưng đã bao giờ bạn nghe qua có rất nhiều vị Thần Tài hay chưa?

Giai thoại về Thần Tài có rất nhiều dị bản, mỗi nơi sẽ có cách kể khác nhau nhưng gần như đều được bắt nguồn từ văn hóa thần thoại Trung Hoa. Hẳn rất ít người biết các vị Thần Tài cũng dựa trên nguyên bản là một người trần có máu thịt.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 10
Thần Tài không phải chỉ có duy nhất 1 vị

Vào thời Bắc Tống, Thái Kinh (14/2/1047-11/8/1126) là người có tài văn chương kiệt xuất. Ông được vua Bắc Tống trọng dụng, nhiều năm giữ chức tể tướng, là thái sư và nhà thư pháp nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Thái Kinh có công lớn trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục Bắc Tống, giải quyết vấn đề tài chính của chính phủ Bắc Tống trong tình thế dầu sôi lửa bỏng... Không những vậy, ông còn là người đại phú đại quý được người người yêu mến, kính trọng.

Dân gian truyền tai nhau rằng, ông chính là Thần Phúc giáng trần nên xem ông như Thần mà tế bái. Sau này, Thái Kinh bị giáng chức vì những hậu quả mà ông không lường trước, dân gian lại đổi cách gọi ông là Thần Tài.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 12
Ngũ Lộ Thần Tài 

Ngoài ra, không phải như số đông chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng chỉ có duy nhất một vị Thần Tài mang đến tài lộc, tiền bạc, phú quý. Theo truyền thuyết Trung Hoa, Thần Tài sẽ được chia thành nhiều nhóm và mỗi một vị Thần Tài sẽ có tướng mạo, phong thái khác nhau. Thần Tài gia đạo có Ngũ Đại Lộ Thần Tài và Ngũ Tiểu Lộ Thần Tài. Bên cạnh đó còn có giai thoại về Ngũ Lộ Thần Tài bao gồm Văn, Võ, Nghĩa, Quân, Thiên.

Ngoại trừ 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong Ngũ Lộ Thần Tài ra còn có thêm 4 hướng Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc hợp thành Cửu Lộ Thần Tài; Thần Tài 4 phương được phân biệt thành: Thần Tài Tây Nam Đoan Mộc Tứ, Thần Tài Đông Bắc Lý Ngụy Tổ, Thần Tài Tây Bắc Bạch Khuê, còn có một vị là Thần Tài Chuyết Lưu Hải Thiềm. Trong Phật giáo cũng có "Ngũ Sắc" Thần Tài mà nhiều người nhầm tưởng thuộc trong Ngũ Lộ Thần Tài. 

Phong tục lì xì trong ngày Tết

Dịp đón năm mới là khoảng thời gian mà các bạn nhỏ rất háo hức mong chờ khi được tận hưởng kỳ nghỉ Tết, được cha mẹ mua cho quần áo mới và còn được nhận những phong bao lì xì đỏ mừng tuổi từ người lớn. Phong tục "lì xì" đã có từ rất lâu đời nhưng câu chuyện ẩn phía sau lại khác biệt hơn hẳn so với tưởng tượng.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 11
Lì xì đã trở thành một tập quán không thể thiếu mỗi độ Tết đến Xuân về

Vào thời cổ xưa, có một loài yêu quái thân đen tay trắng, nó xuất hiện vào đêm giao thừa mỗi năm để làm hại người. Nếu con yêu quái này sờ vào đầu đứa trẻ đang ngủ 3 lần, đứa trẻ sẽ bị giật mình khóc thét, sau đó sẽ bị sốt cao, ăn nói lắp bắp, mắc bệnh lạ và biến thành một người ngốc nghếch. Người ta sợ yêu quái đến làm hại con cái của mình nên vào đêm cuối năm họ thường đốt sáng đèn để canh chừng. 

Tại phủ Gia Hưng, có một gia đình họ Quản, vợ chồng hai người tuổi đã cao mới có được một mụn con nên yêu thương hết mực, nâng niu như châu báu ngọc ngà. Đến đêm giao thừa, họ lo lắng yêu quái sẽ đến làm hại đứa con nên lấy 8 đồng tiền cho đứa nhỏ chơi. Đứa nhỏ chơi đùa đến ngủ thiếp đi, hai vợ chồng lấy tờ giấy đỏ gói 8 đồng tiền lại để dưới gối của đứa con và không dám chợp mắt chút nào. 

Nửa đêm, một trận gió lạnh lẽo thổi tung cánh cửa, làm tắt cả đèn, yêu quái tiến vào vừa đưa tay định sờ đầu đứa trẻ, bên gối lại phát ra ánh sáng dọa cho yêu quái lập tức bỏ chạy. Ngày thứ hai, họ kể lại chuyện này cho mọi người nghe, từ đó, mọi người học làm theo tương tự, quả thật các đứa trẻ đều bình an vô sự.

Câu chuyện về ngày tết hài, dí dỏm - Sự tích múa Lân ngày Tết

Những ngày đầu năm, hòa chung không khí tươi vui khi "nàng Xuân khoe sắc thắm" không thể thiếu những điệu múa Lân Sư Rồng trong tiếng trống phách rộn ràng. Đây được xem là một trong những nét văn hóa tâm linh phương Đông đặc sắc, vào những dịp lễ hội, sự kiện quan trọng, múa Lân ngụ ý mang đến sự hứng khởi, thịnh vượng, may mắn, thuận lợi...

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 12
Sự tích múa Lân ngày Tết

Tương tự như những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn khác, ẩn sau môn nghệ thuật múa dân gian này cũng có một truyền thuyết liên quan. Truyện kể rằng, thuở xa xưa, có một người thầy thuốc lương thiện, vui tính. Ngày ngày ông chu du đó đây, lên non, xuống biển tìm kiếm các loại thảo dược trị bệnh cho bất cứ ai cần đến. Người tốt luôn gặp điều may mắn, tình cờ một ngày nọ, ông tìm được một loại tiên thảo linh chi có tác dụng trường sinh bất lão. Nhà vua hay tin liền ra lệnh cho ông tiến cung dâng món đồ đó cho mình thì sẽ nhận lại được vinh hoa phú quý. Thế nhưng, người thầy thuốc từ chối rồi bỏ làng trốn đi biệt tăm. 

Bẵng đi nhiều năm, vào tháng Chạp âm lịch bỗng dưng xuất hiện một con yêu quái hình thù kỳ dị, hết sức hung hãn. Nó sở hữu sức mạnh kinh hoàng đến mức không ai dám đến gần. Con yêu quái từ biển tiến vào bờ bắt ăn gia súc của người dân trong làng rồi lại trở về biển.

Người thầy thuốc biết tin này đã nhanh chóng quay trở về ngôi làng để tìm hiểu sự tình. Thế là ông đã tìm cách dẫn dụ con quái vật lên rừng, cho nó ăn tiên thảo linh chi để thuần hóa con vật hung hăng này mà ngày nay người ta gọi nó là con Lân. Người khiến con Lân trở nên ôn hòa, lành tính hơn chính là ông Địa. Vậy là sau này cứ mỗi khi năm mới đến, ông Địa lại cùng Lân mang may mắn đến cho dân làng.

Tục lệ đốt pháo, dán câu đối đỏ...

Truyền thuyết thần thoại phương Đông có một câu chuyện kể về một con quái thú tên Niên. Nó là con dị thú có sức mạnh khủng khiếp, trên đầu mọc một cái sừng lớn. Ngày thường, Niên sẽ ẩn mình dưới đáy biển đến khi mùa Xuân chuẩn bị ghé thăm, nó sẽ tiến vào đất liền ăn thịt gia súc gia cầm thậm chí cả con người.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 13
Quái thú tên Niên rất sợ tiếng pháo nổ và màu đỏ 

Một lần nọ, người dân biết được con quái thú Niên sắp đến, nên dắt díu nhau bỏ trốn vào núi sâu. Lúc này, một ông lão râu bạc phơ vẫn bình chân như vại, một bà lão thấy vậy liền khuyên ông nên mau chóng trốn đi. Ông lão nói, tôi sống ở đây, không sợ con quái thú đó đâu, chỉ có nó sẽ sợ tôi thôi. Hóa ra, niên sợ màu đỏ, tiếng động lớn và ánh lửa.

Kể từ đó, người dân đã biết cách đối với với con quái thú. Mỗi khi Xuân sắp sang, mọi người sẽ dùng những câu đối đỏ, giấy chữ Phúc đỏ... dán trước cửa cái, cửa sổ và cùng nhau đốt pháo trúc, pháo hoa tạo tiếng pháo nổ rền vang xua đuổi con quái thú.

Những câu chuyện ngày Tết hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ 14
Người ta thường dùng màu đỏ để trang trí Tết 

Vừa rồi là tổng hợp một số câu chuyện ngày Tết thú vị, mang đậm nét đẹp văn hóa tâm linh phương Đông. Cho đến nay, gần như những tập tục liên quan đến những sự tích này đều được lưu giữ, dù cho cuộc sống có trở nên hiện đại và thay đổi đến chóng mặt, người Việt vẫn luôn giữ gìn, lưu truyền những giá trị tinh thần tốt đẹp ấy.

Tìm đọc thêm những nội dung thư giãn hấp dẫn tại chuyên mục thư giãn cùng VOH nhé!