Tết Nguyên đán hay Tết cổ truyền là một trong những dịp quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt. Với mong muốn giúp các bạn nhỏ cũng như tất cả mọi người thêm hiểu, thêm yêu, biết trân trọng và gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, VOH xin gửi đến bạn tuyển tập câu đố Tết kèm đáp án trong bài viết sau.
Những câu đố về ngày Tết khó nhất
Tết không chỉ là dịp để mọi người sum họp bên gia đình mà còn là dịp để duy trì những phong tục truyền thống. Muốn vậy, chúng ta phải có những hiểu biết nhất định về các nghi lễ, hoạt động… diễn ra trong khoảng thời gian này. Những câu đố ngày Tết khó nhất dưới đây sẽ giúp bạn bổ sung thêm nhiều kiến thức thú vị.
1. Nước nào cũng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia?
2. Quốc gia nào bỏ Tết Nguyên đán, chuyển sang đón tết Tây (Tết Dương lịch)?
3. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới gọi là?
4. Con gì tới 12 giờ khuya thì có lúc thay đổi kích thước từ nhỏ qua to hoặc từ to qua nhỏ?
5. Đây là việc mà gia đình nào cũng làm vào dịp đầu xuân năm mới?
6. Kể tên 12 con giáp?
7. Tên các vị thần đại diện cho sự giàu sang, hạnh phúc và sức khỏe?
8. Bánh chưng tượng trưng cho đất vậy bánh gì tượng trưng cho trời?
9. Tại sao dân ta dùng bánh giầy và bánh chưng để cúng tổ tiên?
10. Theo truyền thuyết dân gian, Nhà Táo có 2 ông 1 bà hay 2 bà 1 ông hay 2 ông 2 bà?
11. Tết Nguyên đán là ngày nào?
12. Đây là một hoạt động thường thấy vào dịp Tết Nguyên đán, mang ý nghĩa mong bình an, hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng?
13. Đây là một hoạt động được thực hiện và hoàn thành trước Tết, có ý nghĩa mong những điều không tốt của năm cũ được xóa bỏ, đón chào những điều mới, may mắn cho một năm sắp tới?
14. Kể tên 5 món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết?
15. Tiền mừng tuổi trước đây thường chỉ là tiền hào, tiền xu mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt. Điều này có ý nghĩa gì?
16. Phong tục này giúp xua đi những điều không may mắn của năm cũ để sẵn sàng đón một năm mới tốt đẹp và vui vẻ hơn. Có nơi gọi đây là “Tục tẩy trần đêm tất niên”. Đây là phong tục gì?
17. Tết Nguyên Đán còn được gọi là?
18. Vì sao người xưa quan niệm phải kiêng đổ rác trong ngày Tết?
19. Vì sao kiêng cho nước, cho lửa vào ngày mùng 1 Tết?
20. Sau lễ cúng Táo quân, người Việt thường trồng cây gì để xua đuổi ma quỷ?
21. Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ vị thần nào?
22. Người bước vào nhà đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết được gọi là?
23. Tháng 12 Âm lịch còn được gọi là tháng gì?
24. Tháng 1 Âm lịch còn được gọi là tháng gì?
25. Mâm ngũ quả ở miền Nam thường có những loại quả nào?
26. Tháng 2 Dương lịch có bao nhiêu ngày?
27. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình thường thực hiện một nghi lễ được gọi là?
28. Điền từ còn thiếu vào câu sau:
Mùng 1 Tết..., mùng 2 Tết..., mùng 3 Tết...
29. Tháng nào trong năm thường được gọi là tháng củ mật?
30. Năm 2024 là năm con gì?
31. Năm 2024 là năm nhuận hay không nhuận?
32. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt thường đến gặp ông Đồ để làm gì?
ĐÁP ÁN
1. Cả 3 nước đều đón Tết Nguyên đán như Việt Nam
2. Nhật Bản
3. Giao thừa
4. Con giáp vì qua năm mới sẽ sang một con giáp mới.
5. Đi chúc Tết
6. Chuột (Tí), trâu (Sửu), hổ (Dần), mèo (Mão), rồng (Thìn), rắn (Tỵ), ngựa (Ngọ), dê (Mùi), khỉ (Thân), gà (Dậu), chó (Tuất), lợn (Hợi)
7. Phúc, Lộc, Thọ
8. Bánh giầy
9. Để ví công lao tổ tiên to lớn như Trời và Đất
10. 2 ông 1 bà
11. Ngày mùng 1 tháng Giêng hay mùng 1 tháng 1 Âm lịch
12. Múa lân - sư - rồng
13. Lau dọn nhà
14. Bánh chưng/bánh tét, thịt nấu đông, gà luộc, nem rán, dưa hành, canh khổ qua, dưa món, canh măng khô, giò…
15. Theo quan niệm xưa, tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới
16. Tắm lá mùi chiều 29/30 Tết
17. Tết Âm lịch/ Tết ta
18. Vì sợ may mắn, tài lộc đi khỏi nhà
19. Theo quan niệm dân gian, nước, lửa tượng trưng cho tài lộc, may mắn; cho nước, cho lửa đồng nghĩa với việc mất lộc trong cả năm, tiền bạc làm ra cũng không giữ được
20. Cây nêu
21. Có nguồn gốc từ Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc và được Việt hóa thành thành sự tích “2 ông 1 bà” - thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc
22. Người xông nhà/ đất
23. Tháng Chạp
24. Tháng Giêng
25. Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (mang ý nghĩa "Cầu sung vừa đủ xài")
26. Năm không nhuận tháng 2 sẽ có 28 ngày, năm nhuận tháng 2 sẽ có 29 ngày
27. Cúng đưa ông Táo về trời (để trình báo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra ở trần gian)
28. Cha - mẹ - thầy
29. Tháng Chạp - tháng 12
30. Năm 2024 là năm Giáp Thìn, năm con rồng
31. Năm nhuận
32. Xin chữ về treo với hy vọng một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn
Xem thêm:
70 câu đố về mùa xuân, câu đố Tết cho trẻ em
Tài lộc, may mắn bủa vây với 120 câu đối Tết ý nghĩa
50+ câu đố chữ thú vị không thể bỏ qua
Những câu đố về ngày Tết cho trẻ mầm non
Vừa học vừa chơi với những câu đố vui ngày Tết là hoạt động khơi gợi hứng thú trong học tập cũng như giúp các bạn nhỏ hiểu thêm về một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất của người Việt. Sau đây, VOH xin gợi ý các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh những câu đố Tết đơn giản để cùng bé thử thách.
1. Loài hoa tượng trưng cho mùa xuân ở miền Bắc?
2. Loài hoa tượng trưng cho mùa xuân ở miền Nam?
3. Các bạn nhỏ thường được nhận gì vào dịp Tết?
4. Bánh chưng trưng chưng cho cái gì?
5. Ngày Tết các thầy Đồ thường làm gì?
6. Mùa gì ấm áp
Mưa phùn nhẹ bay
Khắp chốn cỏ cây
Đâm chồi nảy lộc?
7. Cây gì lá nhỏ
Quả nó xinh xinh
Vàng tươi trĩu cành
Bày trong ngày Tết?
8. Mâm này ngày Tết,
Năm quả trên mâm,
Nhà nào cũng có,
Đặt trên bàn thờ
Là gì?
9. Một năm chỉ có một ngày, Họ hàng sum họp, mọi nhà đều vui.
Là ngày gì?
10. Ông Công ông Táo về chầu trời bằng gì?
ĐÁP ÁN
1. Hoa đào
2. Hoa mai
3. Lì xì
4. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất
5. Viết chữ, viết câu đối
6. Mùa xuân
7. Cây quất (cây tắc)
8. Mâm ngũ quả
9. Ngày mùng 1 Tết
10. Cá chép
Xem thêm:
90 câu đố cho bé, câu đố vui cho trẻ em mầm non, tiểu học (kèm đáp án)
‘Tuyển chọn’ câu đố IQ cho trẻ em mầm non, tiểu học cực hay
'Bộ sưu tập' các câu đố con vật cho trẻ cực thú vị, giúp bé vừa học vừa chơi
Những câu đố về món ăn ngày Tết
Tết Nguyên đán là một dịp lễ lớn, ngoài các phong tục ý nghĩa thì món ăn truyền thống của người Việt cũng vô cùng phong phú. Vì vậy, nhắc đến những câu đố ngày Tết, đặc biệt là câu đố cho trẻ mầm non thì chúng ta không thể ỏ qua danh sách câu đố về món ăn.
1. Bánh chưng, bánh dày thường được làm bằng gạo gì?
2. Bánh chưng, bánh dày thường được gọi bằng lá gì?
3. Điền vào chỗ trống
…, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
4. Trái gì xanh vỏ đỏ lòng, thường được bày trong nhà vào dịp Tết?
5. Một loại đồ ngọt không thể thiếu trong ngày Tết?
6. Bánh gì vuông vuông,
Trong ba ngày Tết,
Lang Liêu làm nó,
Dâng lên Vua Hùng?
7. Đậu vàng, thịt lợn, nếp thơm
Lá làm áo giáp, rồng ôm phía ngoài
Bánh gì hình trụ thuôn dài
Xứ Nam tết đến luôn bày đón xuân?
8. Củ gì già tuổi càng cay,
Thường làm mứt tết những ngày đầu xuân
Là củ gì?
9. Vườn xanh lại đóng khố xanh
Xung quanh trồng hành, thả lợn vào trong.
Đố là bánh gì?
10. Mặt thì vuông vức chữ điền
Bụng no đậu đỗ lại nghiền thịt heo
Hùng Vương xưa chấm Lang Liêu
Cũng vì tấm bánh quý yêu phân trần.
Là bánh gì?
11. Con gì quang quác
Cục tác cục te
Đẻ trứng tròn xoe
Gọi người đến lấy?
12. Em miền Nam tròn trịa
Anh đất Bắc vuông vuông
Cùng quê ở chốn ruộng nương
Quà xuân thắt chặt, tình thương đậm đà
Áo xanh phủ kín da ngà
Thắt lưng ngang dọc, trẻ già đều yêu
Là bánh gì?
13. Cây xanh mà trồng đậu xanh
Trồng đậu, trồng hành lại thả lợn vô?
ĐÁP ÁN
1. Gạo nếp
2. Lá dong, lá chuối
3. Thịt mỡ
4. Dưa hấu
5. Mứt Tết
6. Bánh chưng
7. Bánh tét
8. Củ gừng
9. Bánh chưng
10. Bánh chưng
11. Con gà
12. Bánh tét và bánh chưng
13. Bánh chưng
Xem thêm:
95 câu đố về đồ ăn “hack não” nhất hiện nay, có đáp án
80+ câu đố về quả có đáp án
Tổng hợp những câu đố dân gian Việt Nam thú vị
Các câu đố mẹo, câu đố hại não cho ngày Tết
Tết là dịp để gia đình, bạn bè sum vầy bên nhau, dành thời gian để thư giãn, giải trí nên các hoạt động tập thể rất được ưa chuộng. Năm nay, bạn hãy thử chơi giải đố hoặc dùng những câu đố mẹo này để tạo không khí vui vẻ cho những bữa cơm tất niên, những buổi tụ tập cùng bạn bè… Với các gia đình có trẻ nhỏ, đây cũng được xem là một hoạt động vô cùng ý nghĩa.
1. Ngày Tết, hai người cha và hai người con cùng đi mua muối. Mỗi người mua 1 hũ muối nhưng tại sao tổng số hũ muối lại là 3?
2. Nam đi chợ hoa Tết cùng mẹ và nhìn thấy có rất nhiều ong trên cành hoa. Nam làm thế nào để bắt được toàn bộ những chú ong này?
3. Người Việt Nam có Tết tây vậy người Tây có Tết ta không?
4. Tết năm nay, Mai 9 tuổi, anh trai Mai 12 tuổi. Hỏi 5 năm sau anh trai Mai sẽ hơn bé Xuân mấy tuổi?
5. Con gì có thể chết đi sống lại?
6. Cây gì không có hoa lại có quả?
7. Cái gì của mình nhưng không ai dám nhận?
8. Con gì chạy thì sống, đứng lại thì chết?
9. Con gì cho ăn thì chết, bỏ đói lại sống?
10. Cái gì có cao có thấp, có to có nhỏ nhưng không ai thấy được?
11. Con gì không làm việc, không kiếm ăn và luôn nằm một chỗ?
12. Một người đi trên bãi cát nhưng nhìn lại sau lưng thì không thấy dấu chân của mình. Hỏi vì sao?
13. Trong tiếng Việt từ nào bỏ dấu sắc mà vẫn giữ nguyên nghĩa?
14. Con gì có cánh mà không có lông?
15. Con gì chỉ ăn mà không uống?
ĐÁP ÁN
1. Hai người cha và hai người con chính là người ông, người bố và người cháu
2. Dùng máy ảnh
3. Không
4. 3 tuổi
5. Con lắc đồng hồ; con người, con vật trong game
6. Cây cân đòn (quả cân), cây cột điện (quả sứ)
7. Lông mày, lông mi
8. Con lắc đồng hồ, con tim
9. Con heo đất
10. Giọng nói
11. Con đường
12. Người này đi lùi
13. Tứ (Tứ/tư: con số 4)
14. Con diều
15. Con tằm
Có rất nhiều cách để tìm hiểu, lưu giữ và phát huy những nét đẹp, các phong tục đặc trưng của ngày Tết cổ truyền, giải đố cũng là một trong những hoạt động có thể góp phần làm được điều này. Hy vọng, 70 câu đố ngày Tết từ đơn giản dành cho trẻ mầm non đến khó dành cho học sinh tiểu học, trung học, phổ thông thậm chí là cả người lớn ở trên đã giúp bạn có thêm hiểu biết mới và khoảng thời gian vui vẻ.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Khám phá của VOH để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị và bổ ích nhé!