Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tìm hiểu về mâm ngũ quả, cách bày trí và lưu ý cần nhớ

(VOH) – Trong văn hóa của người Việt, vào ngày Tết trên bàn thờ gia tiên hoặc phòng khách luôn trưng bày mâm ngũ quả, với mong muốn một năm mới có đủ “Phúc – Quý – Thọ - Khang – Ninh”.

Mỗi độ xuân đến Tết về, trên bàn thờ gia tiên hay trên phòng khách ngoài cành đào, cành mai tươi thắm, bánh tét, bánh chưng thì còn một có một mâm ngũ quả. Nó được coi như một nghi thức chào đón năm mới của hầu hết các gia đình Việt. Tuy mỗi vùng miền sẽ có cách trưng bày, sắp xếp mâm ngũ quả khác nhau, song chúng đều đại diện cho những nguyện ước, mong muốn của gia chủ trong năm mới.

1. Mâm ngũ quả là gì?

Từ xưa, mâm ngũ quả được xem là một phần quan trọng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một mâm trái cây có khoảng 5 loại trái cây khác nhau thường được trưng bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách trong những ngày Tết Nguyên Đán.

Ngày nay các loại quả trên mâm ngũ quả đã đa dạng và phong phú hơn ngày xưa rất nhiều. Tuy vậy, mỗi loại quả được chọn đều ẩn chứa một ý nghĩa riêng, ngoài việc trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp chúng còn thể hiện mong ước của gia chủ thông qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp.

Mâm ngũ quả 1
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền

2. Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết

Trong văn hóa tâm linh của người Việt, phong tục chưng mâm ngũ quả ngày Tết chính là thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Ngoài ra, sự kết hợp 5 loại quả khác nhau trong cùng một mâm trưng bày còn có nhiều ý nghĩa tâm linh thú vị. Đầu tiên xét về chữ Ngũ (chữ Nho: 五) có nghĩa là 5, là biểu tượng chung của sự sống, giống như “Ngũ phúc”; có thể lý giải “Ngũ quả” ở đây chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng để thờ cúng.

Hơn thế, dù là cư dân vùng nông nghiệp, coi trọng ngũ cốc hơn ngũ quả, nhưng người dân lại thường nhìn ngũ quả để dự đoán được/mất của các mùa vụ lương thực trong năm. Lâu dần, sự xác tín biến thành tập tục, nên “ngũ quả” có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân, cũng là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy. Dù năm qua làm ăn ra sao thì vẫn có mâm ngũ quả để trưng trên bàn thờ.

Thứ 2, mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây khác nhau và trong kinh Vu Lan Bồn, chúng là đại hiện cho Ngũ phúc lâm môn: Phúc (giàu có, tài lộc) – Quý (địa vị, công danh) – Thọ (sống lâu trăm tuổi) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình an). Đây chính là những ước nguyện mà tất cả mọi người đều mong muốn có được trong năm mới.

Thứ 3, trong Phật Giáo, 5 màu sắc của mâm ngũ quả lại là biểu tượng cho “ngũ thiện căn” gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

Cuối cùng, 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau trên mâm ngũ quả tượng trưng cho quy luật đất trời theo ngũ hành. Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ) và Thổ (màu vàng) – năm hành sinh ra vạn vật trong vũ trụ, nhằm ước mong sự hoài hòa, cân bằng, trọn vẹn trong cuộc sống.

Xem thêm:
Cây nêu là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục dựng cây nêu ngày Tết
Tài lộc, may mắn bủa vây với 120 câu đối Tết ý nghĩa
Những câu đối chữ hay và ý nghĩa cho ngày Tết

3. Mâm ngũ quả ngày Tết gồm những gì?

Vì các loại quả trong mâm ngũ quả thường mang một ý nghĩa nhất định nên hầu như ít có gia đình nào chọn lựa qua loa mà sẽ dựa vào hình dáng/cấu tạo/hương vị, màu sắc và cách đọc tên:

  • Màu sắc: Thường sẽ tuân theo ngũ hành như màu đỏ, màu vàng, màu xanh,…
  • Hình dáng/cấu tạo/hương vị: Hình dáng cấu tạo có tính gợi tả điều tốt lành. Hương vị trái cây phải ngọt thơm, không đắng, chát, cay.
  • Cách đọc tên: Các loại quả ghi ghép tên lại với nhau thể hiện ước nguyện, mong ước của gia chủ.
Mâm ngũ quả 2
Mỗi loại quả được chọn đều thể hiện ước nguyện của gia chủ trong năm mới

Một số loại trái cây thường được lựa chọn trong mâm ngũ quả ngày Tết truyền thống như:

  • Dưa hấu, bưởi: Hình dáng căng tròn tươi mát. Có ý nghĩa đủ đầy, may mắn.
  • Trái quýt, hồng: Sắc đỏ cam rực rỡ. Ý nghĩa là sự may mắn và thành đạt.
  • Trái lựu: Nhiều hạt bên trong. Ý nghĩa mong muốn cháu con nhiều, vui nhà vui cửa.
  • Trái lê: Hương vị ngọt ngào. Ý nghĩa làm gì cũng suôn sẻ, thuận lợi.
  • Trái táo: Có nghĩa phú quý.
  • Thanh Long: Có ý nghĩa rồng mây gặp hội.
  • Quả trứng gà có hình trái đào tiên: Ngụ ý lộc trời ban xuống.
  • Quả dừa: Có âm tương tự như “vừa”. Ý nghĩa là no đủ, không thiếu.
  • Sung: Ý nghĩa là sự sung túc trong mọi mặt.
  • Đu đủ: Ý nghĩa thể sự phồn thịnh, đủ đầy.
  • Xoài: Có âm tương tự như “xài” theo miền Tây. Ý nghĩa là cầu mong một năm tiêu xài không sợ thiếu.
  • Quả Phật Thủ: Hương thơm quyến rũ và hình dáng đẹp mắt. Ý nghĩa mang lại may mắn, phước lành, bình yên, sức khỏe.
  • Khóm/thơm: Ý nghĩa thể hiện sự giàu có, may mắn, thịnh vượng.

Ngoài ra, một số loại quả trên mâm ngũ quả ngày Tết khác cũng thường sử dụng như: quả nho, quả dư, quả mãng cầu, chuối, cam, ớt, vú sữa….

4. Mâm ngũ quả 3 miền Bắc Trung Nam khác nhau thế nào?

Thông thường, một mâm ngũ quả truyền thống sẽ gồm có: Thanh long đỏ (Phúc), Đu đủ vàng (Quý), Phật thủ xanh (Thọ), Bưởi vàng (Khang) và Chuối xanh (Ninh). Tuy nhiên, ngày nay trải dài từ Bắc vào Nam, các loại trái cây dùng để trưng bày trên mâm ngũ quả đã đa dạng hơn và cũng có sự khác biệt vùng miền. Hơn thế, các loại quả trưng bày cũng có thể nhiều hơn 5 loại quả, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ 5 sắc màu và ý nghĩa.

4.1 Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc

Ở miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp phải đầy đủ các loại trái cây như: Chuối xanh, Phật thủ, Ớt, Cam, Thanh long,… với màu sắc rực rỡ, hài hòa và đảm bảo theo Ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.

Mâm ngũ quả 3
Ảnh minh họa mâm ngũ quả Tết miền Bắc

Trong đó, chuối trong mâm ngũ quả phải được bày theo nải, chọn loại chuối xanh, tượng trưng cho sự quần tụ, sum vầy, đầm ấm. Bưởi phải có màu vàng, tượng trưng cho may mắn, giàu sang. Thanh Long, Ớt và Cam có màu cam, đỏ, vàng rực rỡ - biểu tượng cho may mắn, thành đạt.

Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả theo kiểu truyền thống, với nải chuối xanh ở dưới, tiếp theo là quả bưởi (hoặc quả Phật thủ) đặt ở giữa, xung quanh là những loại trái cây còn lại.

4.2 Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam

Tại miền Nam, hầu hết các gia đình sẽ trưng bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu dừa đủ xài sung”, do đó, các loại quả thường dùng là: quả Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Xoài, Sung.

Mâm ngũ quả 4
Ảnh minh họa mâm ngũ quả Tết miền Nam

Với quan niệm đọc lái tên các loại quả, người miền Nam thường không dùng chuối, cam, lê để bày mâm ngũ quả, bởi theo họ những loại quả này mang ý nghĩa không đẹp, chẳng hạn như: chuối - chúi nhủi, cam - cam chịu, lê - lê lết,…

Người miền Nam thường có cách trang trí mâm ngũ quả theo kiểu đặt quả Đu Đủ, Dừa, Xoài lên mâm đầu tiên, ở vị trí giữa. Sau đó mới lần lượt bày những loại quả còn lại lên.

4.3 Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung

Còn với miền Trung, các loại quả thường thấy trên mâm ngũ quả là: Thanh long, Dưa hấu, Mãng cầu, Dừa, Sung,... Bởi lẽ khí hậu nơi đây không được ôn hòa nên mâm ngũ quả cũng mang hướng đơn giản ít nhiều.

Mâm ngũ quả 5
Ảnh minh họa mâm ngũ quả Tết miền Trung

Hơn thế, mâm ngũ quả miền Trung còn là sự giao thoa giữa hai miền Bắc – Nam. Cách bày trí mâm ngũ quả là theo kiểu quả to và nặng được đặt ở dưới làm đế. Quả nhỏ hơn sẽ xếp bên trên theo dạng hình tháp. Một số gia đình còn tạo điểm nhấn bằng cách trang trí thêm các loại hoa tươi lâu như cúc, hoa ly lên trên để tạo màu sắc cho mâm ngũ quả.

Xem thêm:
Ý nghĩa của phong tục lì xì trong ngày Tết
Tuyệt đối không đặt các đồ vật sau trước cửa kẻo thần Tài ‘chạy mất’
5 chủ đề không nên hỏi vào dịp Tết nếu không muốn bị gọi là ‘vô duyên’

5. Cách sắp xếp mâm ngũ quả ngày Tết

Nhiều gia đình hiện nay khi chọn "ngũ quả" trưng ngày Tết dường như chỉ chú trọng đến các loại quả mà không quan tâm đến số lượng trưng bày cũng như cách xếp mâm ngũ quả ngày Tết đẹp, mang lại may mắn.

Theo truyền thống, ngoài việc chọn đúng 5 loại quả thể hiện mong ước trong năm mới thì mỗi loại quả chỉ nên chọn số lẻ, tức 1 - 3 - 5 - 7 - 9… bởi số lẻ chính là tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.

Ví dụ, khi chọn mâm ngũ quả gồm các loại như: Thanh long đỏ, Đu đủ vàng, Phật thủ, Bưởi và Chuối xanh thì bạn có thể mua theo số lượng sau:

  • Chuối xanh: 1 nải
  • Bưởi: 1 quả
  • Đu đủ: 1 quả
  • Phật thủ: 3 quả
  • Thanh long: 3 quả

Các cách sắp mâm ngũ quả ngày Tết đẹp sẽ tùy vào sự khéo léo của mỗi người. Tuy nhiên, có một quy tắc chung chính là những quả nào to và nặng nhất thì nên đặt đầu tiên và ở vị trí giữa mâm. Những quả nhẹ và nhỏ thì sẽ xếp sau và bày biện xung quanh mâm làm sao để tạo sự cân đối và đẹp mắt là được.

6. Một số lưu ý cần nhớ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

Một mâm ngũ quả trưng ngày Tết thường sẽ đặt trên bàn thờ hay phòng khách tầm khoảng từ 3 – 5 ngày (tùy vào từng gia đình). Do đó, trong khâu chọn lựa cần phải kỹ càng, cụ thể:

  • Chọn những loại quả vừa chín tới để vẫn có được màu sắc tươi và bày được lâu.
  • Chọn quả chắc tay, không bị dập, trầy xước, còn cuống và lá.
  • Không nên rửa các loại quả trước khi trưng bày vì rất dễ làm quả nhanh bị héo hoặc hỏng. Bạn chỉ cần dùng khăn giấy lau sạch phần vỏ ngoài của các loại trái cây là được.
  • Không bày các loại quả như mít, sầu riêng,… lên mâm ngũ quả bởi nhiều gai góc và có mùi quá nồng, không phù hợp không gian tâm linh.
  • Không dùng quả giả khi chưng mâm ngũ quả ngày Tết.

7. Một số hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết đẹp

Để có được một mâm ngũ quả đẹp mắt và mang lại may mắn trong năm mới, bạn có thể tham khảo một vài hình ảnh về cách bày trí, sắp xếp mâm ngũ quả được sưu tầm và tổng hợp sau đây:

Mâm ngũ quả 6
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 1
Mâm ngũ quả 7
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 2
Mâm ngũ quả 8
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 3
Mâm ngũ quả 9
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 4
Mâm ngũ quả 10
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 5
Mâm ngũ quả 11
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 6
Mâm ngũ quả 12
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 7
Mâm ngũ quả 13
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 8
Mâm ngũ quả 14
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 9
Mâm ngũ quả 15
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết mẫu 10

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Dù ở vùng miền nào, mâm ngũ quả đều mang ý nghĩa của lòng hiếu thảo, thành kính từ con cháu dâng lên tổ tiên, ông bà và ẩn chứa ước nguyện một năm vạn cát an khang trong gia đình.

Sưu tầm - Tổng hợp

Bình luận