Chờ...

Top 15 truyện cổ tích Việt Nam hay và ý nghĩa nhất

VOH - Những truyện cổ tích đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Dưới đây là tổng hợp 15 truyện cổ tích Việt Nam hay nhất mà bạn chắc chắn đã nghe qua.
Mục lục
  1. Tấm Cám
    1. Tóm tắt nội dung truyện Tấm Cám
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Tấm Cám
  2. Cây khế
    1. Tóm tắt nội dung truyện Cây Khế
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Cây khế
  3. Sọ Dừa
    1. Tóm tắt nội dung truyện Sọ Dừa
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Sọ Dừa
  4. Thánh Gióng
    1. Tóm tắt nội dung truyện Thánh Gióng
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Thánh Gióng
  5. Rùa và Thỏ
    1. Tóm tắt nội dung truyện Rùa và Thỏ
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Rùa và Thỏ
  6. Cậu bé thông minh
    1. Tóm tắt nội dung truyện Cậu bé thông minh
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Cậu bé thông minh
  7. Câu chuyện bó đũa
    1. Tóm tắt nội dung truyện Câu chuyện bó đũa
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Câu chuyện bó đũa
  8. Cây tre trăm đốt
    1. Tóm tắt nội dung truyện Cây tre trăm đốt
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Cây tre trăm đốt
  9. Sơn Tinh Thủy Tinh
    1. Tóm tắt nội dung truyện Sơn Tinh Thủy Tinh
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Sơn Tinh Thủy Tinh
  10. Chú Cuội
    1. Tóm tắt nội dung truyện Chú Cuội
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Chú Cuội
  11. Nàng tiên ốc
    1. Tóm tắt nội dung truyện Nàng tiên ốc
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Nàng tiên ốc
  12. Thạch Sanh Lý Thông
    1. Tóm tắt nội dung truyện Thạch Sanh Lý Thông
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Thạch Sanh Lý Thông
  13. Hồ Ba Bể
    1. Tóm tắt nội dung truyện Hồ Ba Bể
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Hồ Ba Bể
  14. Mai An Tiêm – Truyện Cổ Tích Dưa Hấu
    1. Tóm tắt nội dung truyện Mai An Tiêm
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Mai An Tiêm
  15. Bánh Chưng bánh Giầy
    1. Tóm tắt nội dung truyện Bánh Chưng bánh Giầy
    2. Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Bánh Chưng bánh Giầy

Việt Nam là một đất nước giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Trong đó, các câu chuyện cổ tích Việt Nam được xem là một phần không thể thiếu của văn hóa dân tộc. Những câu chuyện này không chỉ giúp trẻ em hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của đất nước mà còn mang lại nhiều giá trị giáo dục và tinh thần.

Dưới đây, VOH sẽ gửi đến các bạn những câu chuyện cổ tích Việt Nam hay nhất từ trước đến nay được truyền lại qua nhiều thế hệ và trở thành những ký ức đẹp của tuổi thơ của nhiều người.

Tấm Cám

Tóm tắt nội dung truyện Tấm Cám

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam. Câu chuyện kể về hai cô gái là Tấm và Cám, kể từ khi mẹ của Tấm qua đời, cô phải sống với người mẹ kế và chịu đựng sự đối xử tàn nhẫn của bà ta.

Mặc dù bị mẹ con Cám cấm đi chơi hội nhưng nhờ sự giúp đỡ của ông Bụt, Tấm đã có mặt tại lễ hội và trở thành hoàng hậu sau khi cô thử vừa chiếc giày mà nhà vua nhặt được. Thế nên, mẹ con Cám sinh lòng đố kỵ tìm mọi cách để giết chết Tấm. Sau khi chết, Tấm hóa thành lần lượt chim vàng anh, cây xoan đào, quả thị nhưng đều bị mẹ con Cám hãm hại đến cùng. Sau tất cả, Tấm trở lại hoàng cung sống với nhà vua. Còn mẹ con cám thì bị trời phạt vì những tội ác mà mình gây ra. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Tấm Cám

Câu chuyện như muốn nhắc nhở chúng ta rằng “Ở hiền sẽ gặp lành” còn những kẻ độc ác sớm muộn cũng sẽ nhận báo ứng về những điều mình đã gây ra. 

Tấm Cám
Tấm Cám

Cây khế

Tóm tắt nội dung truyện Cây Khế

Cây khế là câu chuyện cổ tích Việt Nam nói về tính tham lam của con người. Truyện kể về những ngày xưa, trong một gia đình có hai người anh em cha mẹ mất sớm. Hai anh em cùng chia nhau gia tài nhưng người anh cùng vợ đã tham lam lấy hết số của cải chỉ chia cho người em một mảnh vườn nhỏ cùng cây khế. Vợ chồng người em vốn thật thà, họ không than trách hay phân chia tranh giành, họ vui vẻ nhận lấy và ngày ngày chăm sóc thật tốt cây khế. 

Thế rồi, mùa khế đến, cây khế cho rất nhiều quả to, vàng tươi và mọng nước. Bỗng ngày nọ, một con đại bàng sà xuống ăn hết khế. Thấy thế, người em cùng vợ xua đuổi đại bàng đi và than trách: “hai vợ chồng ta chăm bón cây khế chờ ngày cho quả ngọt đem bán kiếm kế sinh nhai sau ngươi lại ăn hết khế”. Đại bàng nghe xong, liền đáp lớn: “Ăn một quả khế trả một cục vàng. May túi ba gang mang theo mà đựng”.

Như lời đã hứa, hôm sau quạ chở vợ chồng người em ra hoang đảo lấy vàng và chỉ lấy đúng túi ba gang mang về. Từ đó, vợ chồng người em trở nên giàu có. Hay tin, vợ chồng người anh nổi bản tính tham lam đòi đổi hết gia tài để lấy bằng được cây khế. Và rồi mùa khế chín, đại bàng lại đến ăn khế và hứa trả vàng. Khác với bản tính thật thà của người em, người anh cùng vợ may tui lớn để lấy thật nhiều vàng. Kết quả trên đường về, đại bàng mỏi cánh hất hai vợ chồng người anh xuống biển. Cái kết đầy đáng thương của kẻ tham lam, hám tiền. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Cây khế

Truyện Cây khế phê phán những kẻ tham lam, ích kỷ trong cuộc sống, chỉ muốn nhận chứ chẳng bao giờ muốn cho đi. Đồng thời, truyện ngợi ca những con người lương thiện chăm chỉ, nhắc nhở chúng ta về tình nghĩa anh em phải biết yêu thương lẫn nhau, không tranh giành, ganh đua. 

Cây khế  
Ảnh minh họa truyện cổ tích Cây khế  

Sọ Dừa

Tóm tắt nội dung truyện Sọ Dừa

Truyện Sọ Dừa kể về một cặp vợ chồng già lương thiện nhưng mãi không có con. Một hôm bà vợ vào rừng đốn củi, uống nước trong cái sọ dừa, về nhà có mang. Ít lâu sau sinh ra một đứa bé kì dị, không chân không tay, tròn như một quả dừa. Thấy đứa bé biết nói tiếng người, cặp vợ chồng già rất vui mừng và nuôi nấng đứa bé. Đứa bé được gọi là Sọ Dừa.

Lớn lên vì nghèo khổ nên Sọ Dừa làm mướn trong gia đình phú ông. Trong khi 2 cô chị gái lớn của phú ông luôn kinh thường, hắt hủi Sọ Dừa thì cô em út luôn đối xử tốt và đem lòng yêu Sọ Dừa. Một thời gian sau, cậu xin mẹ hỏi cưới cô út cho mình và phải đáp ứng điều kiện sính lễ ngặt nghèo của phú ông. Không ngờ Sọ Dừa đáp ứng được, trong ngày cưới cậu trở thành một chàng trai khôi ngôi tuấn tú làm cô út rất vui mừng. Nhưng cô chị lại đem lòng đố kỵ. 

Ít lâu sau, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên và được vua cử đi xứ. Trước khi đi, cậu đưa vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà và dặn vợ ở nhà phải cẩn thận. Sau khi Sọ Dừa đi vắng, hai cô chị nghĩ mọi cách nhưng không hãm hại được cô út vì có những “bảo vật” mà Sọ Dừa để lại. Cuối cùng, hai vợ chồng Sọ Dừa sống hạnh phúc bên nhau còn hai cô chị vì xấu hổ nên bỏ đi biệt xứ. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Sọ Dừa

Truyện Sọ Dừa đề cao vẻ đẹp bên trong của con người. Khi chúng ta đánh giá một ai đó không nên chỉ nhìn phiến diện ở vẻ bề ngoài, phải xem xét toàn diện để cách cư xử phù hợp. Ngoài ra, truyện còn nêu lên bài học về lòng nhân ái, quy luật nhân quả "gieo nhân nào gặp quả đó".

 Sọ dừa  
Sọ dừa  

Thánh Gióng

Tóm tắt nội dung truyện Thánh Gióng

Thánh Gióng là truyện cổ tích Việt Nam lâu đời nhất của Việt Nam. Bối cảnh của truyện là vào đời vua Hùng thứ 6, có hai vợ chồng hiền lành nhưng mãi không có con. Như mọi ngày, bà vợ ra đồng và thấy giấu chân to trên mặt đất nên ướm thử chân vào. Nào ngờ về nhà bà mang thai. Cậu bé sinh ra rất khôi ngô nhưng lên ba tuổi mà vẫn chưa biết đi, cũng không biết nói chỉ biết cười.

Năm đó giặc Ân sang xâm chiếm nước ta, Vua cử sứ giả loan tin tìm người tài dẹp giặc. Lúc này, Gióng bỗng dưng cất tiếng nói đầu tiên và lớn nhanh như thổi. Cậu xin vua làm một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, roi sắt để đánh giặc. Khi nghe tin giặc Ân đã đánh đến chân nói, Gióng vươn mình thành một tráng sĩ lực lưỡng, mặc áo giáp, phi ngựa xông thẳng vào giặc. Mỗi khi roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường quật vào địch khiến địch nằm la liệt. Sau khi chiến thắng, Gióng cùng ngựa sắt bay thẳng lên trời. Vua và dân chúng nhớ công ơn nên lập đền thờ Thánh Gióng và phong ông là Phù Đổng Thiên Vương. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Thánh Gióng

Truyện cổ tích Thánh Gióng thể hiện ước mơ, quan điểm của nhân dân ta về người anh hùng đánh giặc, cứu nước đồng thời thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc cha anh, những vị anh hùng bất tử là biểu tượng cho lòng yêu nước, sức mạnh quật cường cùng tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. 

Thánh Gióng  
Thánh Gióng  

Rùa và Thỏ

Tóm tắt nội dung truyện Rùa và Thỏ

Truyện Rùa và Thỏ là một câu chuyện cổ tích về sự kiên trì và bền bỉ. Câu chuyện kể về cuộc đua giữa con rùa và con thỏ. Con thỏ cho rằng mình nhanh hơn con rùa nên đã đồng ý tham gia cuộc đua. Khi bắt đầu chạy Thỏ xuất phát nhanh như mũi tên về phía trước. Còn Rùa thì chậm chạp, bền bỉ bò từng bước trên đường đua. Nghĩ rằng mình đã bỏ xa Rùa nên Thỏ quyết định ngắm mây trời và nằm ngủ bên đường. Khi Thỏ tỉnh dậy thì thấy Rùa đã sắp về đích. Lúc này Thỏ ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh về đích nhưng không kịp nữa rồi.  

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Rùa và Thỏ

Mặc dù chỉ là câu chuyện cổ tích ngắn nhưng để lại rất nhiều bài học thực tiễn trong cuộc sống. Hãy luôn kiên trì và bền bỉ để đạt được những mục tiêu của mình, đặc biệt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được chủ quan, thờ ơ nếu không kết quả nhận về sẽ giống như chú thỏ kia.  

Thỏ và Rùa
Thỏ và Rùa

Cậu bé thông minh

Tóm tắt nội dung truyện Cậu bé thông minh

Chuyện bắt đầu khi nhà vua muốn tìm hiền tài phục vụ đất nước nên ông đã sai sứ giả đi khắp nơi đặt ra những câu đố hóc búa để thử tài. Một ngày nọ, sứ giả đến ngôi làng nghèo, thấy hai cha con cày ruộng giữa trời nắng bèn gọi hai người lại để đưa ra câu đố.

Với sự nhanh trí của mình, cậu bé đã làm khó được sứ giả với câu hỏi ngược lại. Sứ giả rất vui mừng, nhanh chóng bẩm báo với Vua. Vua sau đó đã mời cậu vào cung và đưa ra các câu đố thách thức khác nhưng cậu đều giải quyết nhanh chóng khiến Vua rất hân hoan.

Một ngày nọ, nước láng giềng muốn kéo quân xâm lược nước ta. Chúng đưa ra câu đố nếu không ai trả lời được sẽ tiến quân sang đánh chiếm. Bằng tài trí hơn người, cậu bé đã giải quyết được câu đố và khiến sứ giả nước láng giềng sợ hãi. Nhà vua sau đó phong cậu bé làm Trạng Nguyên và xây dinh thự cho cậu để góp phần vào công việc chung của đất nước. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Cậu bé thông minh

Cậu bé thông minh là câu chuyện cổ tích thú vị nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Câu chuyện là niềm tin về thế hệ tương lai của nước nhà, khẳng định nước Nam có nhiều nhân tài giúp sức đất nước bằng tài trí của mình.

Cậu bé thông minh
Cậu bé thông minh

Câu chuyện bó đũa

Tóm tắt nội dung truyện Câu chuyện bó đũa

Chuyện kể về một gia đình nọ có rất đông anh em. Lúc còn bé, anh chị em trong nhà rất yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau. Tuy nhiên khi lớn lên mỗi người một tính, thường xuyên bất hòa và xích mích trong nội bộ gia đình. Người cha cảm thấy rất phiền lòng và ông đã suy nghĩ ra cách để gắn kết tình anh em của họ lại. Một ngày nọ, ông gọi anh em trong nhà đến để đưa cho họ một bó đũa với thử thách nếu ai bẻ hết bó đũa sẽ có thưởng.

Thế là anh em thi nhau bẻ bó đũa với mong muốn phần thưởng sẽ thuộc về mình. Nhưng tất cả đều không ai làm được. Người cha thấy thế bèn lấy từng chiếc đũa ra bé và chúng gãy rất dễ dàng. Nhưng những người con không khâm phục, họ cho rằng như thế là phạm luật và lấy từng chiếc rũa bẻ như thế là điều vô cùng dễ dàng.

Lúc này người cha ôn tồn đáp đây chính là bài học về sức mạnh của tình đoàn kết và hậu quả của sự chia rẽ. Nếu như các con đoàn kết thì chắc chắn sẽ gia đình ta sẽ hạnh phúc, không có gì có thể lay chuyển được. Nhưng nếu như bất hòa thì chắc chắn gia đình ta sẽ tan vỡ, đau khổ. Nghe thế, các người con như hiểu ra mọi chuyện và từ đó họ sống hạnh phúc bên nhau.

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Câu chuyện bó đũa

Câu chuyện bó đũa mang đến bài học nhân văn về sức mạnh của sự đoàn kết. Truyện còn nhắc nhở anh em một nhà phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để xây dựng một gia đình bình yên, hạnh phúc. 

Câu chuyện bó đũa  
Câu chuyện bó đũa  

Cây tre trăm đốt

Tóm tắt nội dung truyện Cây tre trăm đốt

Ngày xửa ngày xưa tại một làng quê nghèo có anh chàng hiền lành, thân thiện tên là Khoai. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên sống một mình trong một túp lều. Vì quá nghèo khổ nên anh làm thuê cho gia đình phú hộ. Thấy Khoai làm rất được việc nên phú hộ hứa sẽ gả con gái cho anh nếu anh làm lụng chăm chỉ. Nghe thấy thế, Khoai làm việc quần quật suốt ngày đêm thậm chí những việc nặng nhọc anh cũng nhận làm không than vãn nửa lời. 

Ba năm trôi qua, đến lúc phú ông phải thực hiện lời hứa của mình. Nhưng phú ông lại lật mặt đưa ra điều kiện là Khoai phải vào rừng tìm được cây tre dài trăm đốt nếu không sẽ không chịu gả con gái cho anh. Khoai quyết tâm đi vào rừng tìm bằng được cây tre trăm đốt nhưng tìm cả ngày trời không thấy cây tre đâu, anh đành ngậm ngùi ngồi khóc vì biết phú ông đã lừa mình. Đúng lúc này ông Bụt xuất hiện, bảo Khoai đi đón một trăm đốt tre và cho Khoai hai câu thần chú. “Khắc nhập, khắc nhập” để gắn các đốt tre lại với nhau. Và khắc xuất, khắc xuất để tách rời. 

Về đến nhà phú ông thấy phú ông mở tiệc cưới cho con gái với người khác. Khoai tức giận và cho phú ông một bài học nhớ đời bằng hai câu thần chú. Thế là phú ông phải gọi con gái cho Khoai và hai người họ sống bên nhau đến suốt đời. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Cây tre trăm đốt

Cây tre trăm đốt đề cao những người lương thiện, chăm chỉ, luôn hết mình với công việc sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng, còn những kẻ thất hứa, vô ơn bội nghĩa sẽ phải bị trừng trị. Truyện còn để lại bài học kinh nghiệm về cái đúng cái sai, phải biết đấu tranh cho công bằng, lẽ phải. 

Cây tre trăm đốt  
Cây tre trăm đốt  

Sơn Tinh Thủy Tinh

Tóm tắt nội dung truyện Sơn Tinh Thủy Tinh

Có lẽ Sơn Tinh Thủy Tinh là câu chuyện cổ tích ấn tượng nhất trong văn hóa dân gian Việt Nam. Vào đời vua Hùng thứ mười tám có người con gái xinh đẹp tên là Mị Nương. Ông rất yêu thương cô và muốn tìm cho cô một người chồng thật tài giỏi.

Một hôm nọ, có hai chàng trai đến cầu hôn công chúa là Sơn Tinh và Thủy Tình. Nhà vua đưa ra điều kiện nếu ai mang sính lễ đến trước sẽ cưới được Mị Nương. Sính lễ bao gồm: “Một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”. Sơn Tinh đến trước và rước Mị Nương về núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau không phục bèn tức giận đem quân đuổi đánh nhằm cướp Mị Nương về.

Tuy nhiên, cuộc chiến nghiêng về phía Sơn Tinh, khi Thủy Tinh dân nước tới đâu thì Sơn Tinh dâng núi lên tới đó. Cả hai đánh nhau suốt mấy tháng liền cuối cùng Thủy Tinh chịu trận và rút quân. Cứ thế, hằng năm Thủy Tinh lại dâng nước lũ lên đánh Sơn Tinh nhưng đều thất bại. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Sơn Tinh Thủy Tinh

Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh là câu chuyện hư cấu do nhân dân ta tưởng tượng nên để giải thích cho hiện tượng lũ lụt của tự nhiên. Đồng thời, truyện còn thể hiện khát vọng của người Việt từ thời xa xưa về việc chế ngự thiên tai, mong muốn một cuộc sống bình yên.Thêm nữa, Sơn Tinh Thủy Tinh ngợi ca công lao dựng nước của các vua Hùng.

Sơn Tinh Thủy Tinh
Sơn Tinh Thủy Tinh

Chú Cuội

Tóm tắt nội dung truyện Chú Cuội

Truyện cổ tích Chú Cuội là câu chuyện cổ tích được kể nhiều nhất mỗi khi dịp trung thu đến. Câu chuyện kể về chàng tiều phu nghèo tên là Cuội. Trong một lần đi kiếm củi trong rừng, Cuội phát hiện hổ mẹ đã mớm cho hổ con một loại lá cây khiến hổ con sống lại. 

Nhân cơ hội hổ mẹ tha hổ con đi nơi khác, Cuội bèn nhanh chóng đem cây thuốc quý về nhà. Nhờ có cây thuốc, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Trong một lần cứu sống ông lão ăn mày dọc đường, ông đã dặn Cuội là không được tưới nước bẩn lên cây thuốc quý nếu không cây sẽ bay về trời. Vợ Cuội khi tỉnh lại sau bệnh mắc chứng hay quên. Một hôm quên lời chồng dặn, vợ Cuội đã tưới nước bẩn vào cây khiến cây thuốc bay lên trời. Thấy thế Cuội túm lấy rễ và bay theo cây thuốc lên cung trăng. “Bóng trăng trắng ngà có cây đa to. Có thằng Cuội già ôm một mối mơ” là những câu hát hay xuất phát từ truyện cổ tích Chú Cuội

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Chú Cuội

Chú Cuội là câu chuyện hư cấu của nhân dân ta nhằm giải thích cho những chỗ lõm của Mặt Trăng trông giống như chú Cuội ngồi gốc cây đa vào những ngày trăng tròn. Đồng thời truyện còn thể hiện ước mơ khám phá, chinh phục vũ trụ rộng lớn, nơi mà chúng ta chưa thể đặt chân đến. Đặc biệt, giá trị to lớn của sự hữu hạn được thể hiện một cách rõ nét trong truyện, vì vậy phải biết trân trọng quá khứ, sống tốt cho hiện tại và hướng tới tương lai. 

 Chú Cuội  
Chú Cuội  

Nàng tiên ốc

Tóm tắt nội dung truyện Nàng tiên ốc

Thuở xưa có một bà cụ nghèo sống một mình trong một túp lều nhỏ. Bà rất khao khát có một cô con gái ở cạnh trò chuyện, chăm sóc. Công việc chính của bà là ngày ngày ra đồng bắt ốc đem ra chợ bán kiếm kế sinh nhai. Một hôm nọ, bà nhặt được một vỏ ốc rất đẹp. Không nỡ đem bán nên bà bèn bỏ vào chiếc chum nước cạnh nhà. Mỗi lần bà đi làm trở về nhà đều thấy nhà sạch tươm tất, cơm nước đã được chuẩn bị đầy đủ. 

Cảm thấy nghi ngờ nên một hôm bà ra đồng được nửa đường thì quay về nhà tìm chỗ nấp để quan sát. Bỗng dưng từ đâu một cô gái xinh đẹp như cô tiên giáng trần xuất hiện. Thấy thế bà liền chạy lại đập vỡ vỏ ốc. Nghe tiếng động cô gái liền chạy lại chum nước nhưng không kịp nữa rồi. Bà cụ nhẹ nhàng nói với cô gái: “Từ nay hãy ở lại với mẹ nhé”. Từ đó hai mẹ con chung sống hạnh phúc bên nhau. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Nàng tiên ốc

Nàng tiên ốc là bài học về câu chuyện ở đời chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau dù cho không phải ruột thịt. Sống hiền lành, luôn biết giúp đỡ người khác thì ông trời ắt sẽ không phụ lòng người. Ngay cả đối với con vật, nếu mình biết quý trọng, chăm sóc nó thì nó sẽ biết ơn và giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc hơn như cái cách mà nàng tiên ốc đã làm với bà lão.

Nàng tiên ốc  
Nàng tiên ốc  

Thạch Sanh Lý Thông

Tóm tắt nội dung truyện Thạch Sanh Lý Thông

Ngày xưa, có hai vợ chồng sống lương thiện nhưng mãi không có con. Thấy thế Ngọc Hoàng bèn động lòng thương tình cho con trai xuống đầu thai trong nhà của họ. Thế là Thạch Sanh được sinh ra nhưng không lâu sau đó thì bố mẹ mất. Thạch Sạch sống một mình bằng nghề đốn củi. Trong một lần đi bán rượu, Lý Thông gặp Thạch Sanh và kết nghĩa anh em. Thạch Sanh rất cảm động và nhận lời ngay.

Mẹ con Lý Thông độc ác đã lừa Thạch Sanh vào hang ổ của Chằn tinh để nộp mạng thay họ. Nhưng bằng sức mạnh và tài trí, Thạch Sanh đã tiêu diệt Chằn tinh. Thấy thế, Lý Thông lại lập mưu và đưa đầu Chằn tinh vào cung lập công với Vua. Biết mình bị lừa nhưng Thạch Sanh đã bỏ qua vì nghĩ đến tình nghĩa anh em. 

Một ngày nọ, công chúa bị Đại bàng quắp đi, Thạch Sanh một lần nữa ra tay nghĩa hiệp cứu được công chúa. Thế nhưng, Lý Thông bằng “mưu hèn kế bẩn” lại giành công về phần mình. Sau đó nhờ vào đàn thần Thạch Sanh mới được giải oan. Còn mẹ con Lý Thông thì chịu quả báo với những lỗi lầm vào mà họ đã gây ra. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Thạch Sanh Lý Thông

Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông thể hiện mong muốn của người xưa về một xã hội công bằng, không áp bức, bất công. Đồng thời, truyện còn răn dạy chúng ta về bài học đối nhân xử thế, quy luật nhân quả "gieo gió gặp bão".

 Thạch Sanh Lý Thông  
Thạch Sanh Lý Thông  

Hồ Ba Bể

Tóm tắt nội dung truyện Hồ Ba Bể

Ngày xửa ngày xưa tại vùng quê Bắc Kạn có tổ chức lễ hội cúng Phật cầu bình an, phúc đức cho cuộc sống nơi đây. Từ đâu xuất hiện một bà lão ăn xin già nua, người toàn mùi hôi thối. Đi đến đâu bà cũng bị mọi người xua đuổi và mắng chửi.

Thế nhưng, có hai mẹ con nọ thương tình nên đưa bà cụ về nhà mình cho cơm ăn và ngủ nhờ một đêm. Tối hôm đó, một con giao long rực sáng trên giường của bà cụ. Hai mẹ con thấy thế rất hoảng sợ nhưng vẫn nhắm mắt nằm im cho đến sáng. Hôm sau bà cụ dọn dẹp đồ đạc và chuẩn bị rời đi. Để cảm ơn hai mẹ con, bà cụ báo tin vùng này sắp có lũ lớn và dạy cách để hai mẹ con tránh nạn. 

Hai mẹ con lương thiện bèn đi thông báo với mọi người trong làng nhưng chẳng ai quan tâm. Đêm hôm đó nước dâng lên, làng quê chìm trong biển nước. Duy chỉ căn nhà của hai mẹ con là bình yên. Hai mẹ con đã theo của bà cụ, dùng hai mảnh trấu hóa thành thuyền để cứu dân làng gặp nạn. Từ đó chỗ đất sụp xuống được gọi là Hồ Ba Bể còn ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con thành chiếc gò nổi giữa hồ. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Hồ Ba Bể

sự tích Hồ Ba Bể giải thích sự hình thành của hồ Ba Bể ngày nay. Đồng thời, truyện ngợi ca lòng nhân ái, sẵn sàng đứng ra giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn chắc chắn sẽ nhận lại sự đền đáp xứng đáng. 

Hồ Ba Bể  
Hồ Ba Bể  

Mai An Tiêm – Truyện Cổ Tích Dưa Hấu

Tóm tắt nội dung truyện Mai An Tiêm

Truyện cổ tích Dưa hấu không chỉ kể về nguồn gốc của quả dưa hấu mà còn là bài học về sự cần cù, siêng năng, tinh thần không bỏ cuộc chắc chắn sẽ hái được quả ngọt. 

Bối cảnh từ đầu vua Hùng thứ mười bảy có người con trai nuôi tên là Mai An Tiêm. Anh rất thông minh, chăm chỉ nên được Vua cha hết mực yêu thương. Nhưng những lời đốn vì sự kiêu ngạo của Mai An Tiêm đến tai Vua. Tức giận, vua đày vợ chồng Mai An Tiêm ra hoang đảo. 

Bằng trí thông minh, nhanh nhẹn lẫn sự cần cù, hai vợ chồng Mai An Tiêm trồng trọt kiếm sống. Một hôm, một con chim lạ bay từ phương Tây bay ngang làm rơi những hạt màu đen xuống đất. Vài tháng sau một loài cây cho quả xanh, ruột đỏ và mọng nước xuất hiện từ loại hạt đen kia. Thấy thế, An Tiêm đặt tên cho loài cây này là Dưa hấu. 
An Tiêm buôn bán Dưa hấu để đổi lấy gạo và thức ăn cho gia đình. Vua cha nghe tin lấy làm khâm phục và sai người ra hoang đảo đón gia đình Mai An Tiêm. Sau đó, Mai An Tiêm phân phối giống hạt cho dân chúng và quả dưa hấu được trồng khắp nơi trên đất nước. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Mai An Tiêm

Truyện cổ tích Dưa hấu không chỉ kể về nguồn gốc của quả dưa hấu mà còn là bài học về sự cần cù, siêng năng, tinh thần không bỏ cuộc chắc chắn sẽ hái được quả ngọt. Đồng thời, truyện là lời nhắn nhủ về cách đối nhân xử thế, nên biết tiết chế bản thân, không nên bộc lộ cái tôi quá lớn để dẫn đến những rắc rối không đáng có. 

Mai An Tiêm – Truyện Cổ Tích Dưa Hấu
Mai An Tiêm – Truyện Cổ Tích Dưa Hấu

Bánh Chưng bánh Giầy

Tóm tắt nội dung truyện Bánh Chưng bánh Giầy

Vào đời vua Hùng thứ sáu, Vua muốn chọn ra người kế vị để cai trị đất nước. Để có thể tìm ra người phù hợp, Vua bèn đưa ra thử thách cho các hoàng tử nếu ai dâng lễ vật cúng đặc biệt sẽ truyền ngôi. Các hoàng tử thi nhau lên đường tìm các món ngon của lạ trong nhân gian làm lễ vật. Duy chỉ có Lang Liêu, hàng ngày anh chỉ lo việc đồng áng nên không biết làm thế nào mới tìm ra lễ vật đặc biệt vừa ý Vua cha. 

Một đêm nọ, Lang Liêu nằm mơ thấy một ông Tiên xuất hiện và chỉ chàng cách làm bánh từ gạo, đậu xanh và thịt lợn. Bánh hình tròn tượng trưng cho trời, bánh hình vuông tượng trưng cho đất. 

Đến ngày dâng lễ vật, Vua cha rất hài lòng về hai loại bánh mà Lang Liêu bày ra. Sau đó, Lang Liêu lên ngôi vua. Từ đó, bánh chưng bánh giầy ra đời và trở thành món ăn truyền thống của nhân dân ta vào mỗi dịp lễ, Tết. 

Thông điệp, giá trị nội dung & nghệ thuật truyện Bánh Chưng bánh Giầy

Bánh chưng bánh giầy giải thích cho nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy là loại bánh tiêu biểu trong truyền thống ngày Tết của nước ta. Đồng thời, truyện còn khen ngợi nền nông nghiệp nước ta từ thời sơ khai dựng nước và sự chăm chỉ, cần cù của người lao động đất Việt. Ngoài ra, truyện đề cao ý thức tôn kính tổ tiên, phong tục tập quán, ca ngợi truyền thống đạo lý cao ddepj của cha ông ta. 

Bánh chưng bánh giầy
Bánh chưng bánh giầy

Vừa rồi là tổng hợp những câu chuyện cổ tích hay, đặc sắc nhất, hy vọng sẽ mang đến cho khán giả những giây phút giải trí đắt giá. Hãy cùng VOH giải trí cập nhật liên tục những bộ truyện hay và hấp dẫn nhất mỗi ngày nhé!

Ảnh: Internet