Tiêu điểm: Nhân Humanity

Truyện cổ tích có còn là cổ tích?

(VOH) - Đã từ lâu, truyện cổ tích là những điều thần tiên gắn liền với tuổi thơ mơ mộng. Chính những câu chuyện ấy đã góp phần hình thành nên nhân cách của những mầm non tương lai. Nhưng tiếc thay, những câu chuyện cổ tích xưa đã bị người lớn ngày nay làm cho méo mó và gieo vào đầu các em những hình ảnh phản cảm cùng với các ngôn từ bạo lực, thậm chí là thô tục. Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều truyện tranh cổ tích bị biến dạng, sai lệch so với nguyên bản, làm mất dần ý nghĩa của những câu chuyện thần tiên.
 
Với lý do cố gắng "hiện đại hóa" truyện cổ tích, thời gian gần đây Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp NXB Giáo dục cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam xuất bản hai bộ truyện tranh cổ tích. Phần I gồm 20 truyện cổ tích chọn lọc Việt Nam, phần II gồm truyện thần thoại và cổ tích nước ngoài.Tuy nhiên, việc hiện đại hóa này khiến  nhiều người lo ngại sẽ làm lệch lạc trí tượng tượng của trẻ thơ so với mong muốn ban đầu.

Truyện cổ tích là một trong những yếu tố hình thành nên tính cách trẻ thơ, do vậy tính nhân bản và đạo đức phải được đề cao, ngôn từ, tình tiết và hình ảnh phải được chắt lọc..Truyện cổ tích từ lâu thường được truyền khẩu lại nên mỗi người khi kể có thể thêm bớt đôi chút tùy theo trí nhớ và khả năng sáng tạo nhưng chỉ nên làm cho nó đẹp hơn, tử tế hơn chứ không được xuyên tạc, bóp mép giá trị đạo đức của nó. Nếu như các thế hệ đi trước đã quá quen thuộc với Truyện cổ Grim, Andersen, hay Kho tàng truyện cổ Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi… thì giờ đây, để tìm cho con em mình những câu chuyện như vậy, thật là một bài toán khó đối với các bậc phụ huynh.

Nghe thật phi lý, nhưng có đi dạo một vòng quanh các nhà sách, tìm đọc những câu chuyện cổ tích được các nhà xuất bản làm lại mới hiểu được nỗi khổ ấy. Có thể nói, thị trường truyện tranh dành cho thiếu nhi ngày càng đa dạng và phong phú. Nhận thấy đây là mảnh đất màu mỡ nên nhiều nhà xuất bản đã tìm cách khai thác triệt để bằng bất cứ giá nào. Bên cạnh những bộ truyện tranh thông thường thì truyện cổ tích được làm dưới dạng truyện tranh cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Những câu chuyện cổ tích giờ đây được vẽ thêm hình ảnh, càng khiến các em thiếu nhi thỏa sức tưởng tượng theo suy nghĩ của mình, điều đó càng làm cho các em thích thú và gần gũi hơn so với dạng truyện chữ thông thường.

Chưa kịp vui mừng với sự nhạy bén của các nhà xuất bản thì chúng ta đã phải giật mình khi đọc những cuốn sách chỉ dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi. Những câu chuyện cổ tích dường như bị biến tướng và những hình ảnh phản cảm với thế giới tuổi thơ nhan nhản trên các trang truyện tranh cổ tích. Nhiều câu chuyện cổ tích quen thuộc đã bị biến tướng, thêm thắt vào nhiều chi tiết mang tính hiện đại. Hình ảnh trong truyện phần lớn là những cảnh đánh nhau, thấm đẫm mùi bạo lực. Liệu cảnh An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang líu lo múa hát, máu chảy loang trong khuôn hình, vợ An Tiêm dùng nhan sắc quyến rũ cá và dặn con khi nào chơi chán, bắt chú hổ nấu cà ri có còn là cổ tích? Có thể nói, việc thể hiện câu chuyện cổ tích bằng hình ảnh là một nỗ lực đáng khích lệ của các nhà xuất bản nhằm làm cho câu chuyện trở nên gần gũi với các em hơn, nhưng không thể vì thế mà làm biến tướng câu chuyện bằng những hình vẽ quá hiện đại đến mức phản giáo dục.

Bên cạnh hình vẽ thì ngôn từ trong những trang truyện tranh cổ tích cũng là điều đáng nói. Thật ngỡ ngàng trong truyện Tấm Cám lại có đoạn đối thoại sặc mùi chợ búa như sau: “Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm...”. Không những thế, trong truyện còn có những lời thoại rất "hiện đại" như: “thấy chết liền”, “bái bai”, “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hãy dùng dầu gội... kẻo về dì mắng”... hay như “Đả đảo mèo gian ác”, “mèo là đồ chó”, “mèo nó đểu giả lắm”... trong chuyện Đeo lục lạc cho mèo.

Không chỉ ngôn ngữ hiện đại, hình ảnh phản cảm, những câu chuyện cổ tích bằng tranh thời nay còn bị các nhà xuất bản lược bớt nội dung và làm biến dạng cốt truyện. “Chú mèo đi hia” trong nguyên bản là bẫy chim đa đa để biếu vua, trong truyện biến thành bẫy thỏ và mất hẳn phần chú mèo đấu trí với tên phù thuỷ để có được toà lâu đài cho chủ nhân của mình hay truyện Công chúa ngủ trong rừng

từ 13 bà tiên chỉ còn lại 7 bà. Thậm chí những câu thơ quen thuộc như: “Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” cũng biến mất, thay vào đó là những câu nói khô cứng… Và kéo theo những điều đó là sự mất đi toàn bộ những giá trị đích thực của hình ảnh lung linh, huyền ảo, yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hút của một câu chuyện cổ tích.

Những tập truyện Cổ tích được bày bán tràn lan hiện nay, có thể bắt mắt vì hình thức đẹp, nhưng ít nhiều đã mất đi những ngôn từ trau chuốt, những lời lẽ dịu dàng, đằm thắm, cũng có nghĩa là đã mất đi phần quan trọng nhất được ví như là linh hồn của cốt truyện, đó là tính giáo dục, định hướng nhân cách, tâm hồn rộng mở cho trẻ thơ. Hãy để truyện cổ tích làm đúng chức năng của nó - nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Đừng vì mục đích thương mại mà thêm thắt và hư cấu quá đáng để rồi đánh mất đi tính giáo dục vốn có của loại truyện vốn dĩ rất hấp dẫn và lôi cuốn này.

Bình luận