Mỗi năm, đò ngang vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách nhưng hầu hết là những bến nhỏ, phương tiện lạc hậu, chưa thực hiện tốt an toàn giao thông đường thủy. Trong đó nhiều bến đò hoạt động tại khu vực ngã ba sông có mật độ phương tiện lớn, lại giao cắt với luồng hàng hải nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Báo cáo tại hội nghị “Tổng kết công tác phòng ngừa và điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường thủy” giai đoạn 2005-2011, được tổ chức mới đây ở TPHCM, đại tá Phạm Quốc Cương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII- Bộ công an) cho biết: “Từ năm 2005 đến 2011, cả nước xảy ra 1.405 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết và mất tích 999 người, chìm 1.002 phương tiện”.
Do địa hình đường thủy phức tạp, TP.HCM đứng thứ 2 cả nước về số vụ tai nạn giao thông đường thủy, nhiều bến đò do các phương tiện đã cũ kỹ, thiếu an toàn vẫn được sử dụng để vận chuyển hành khách. Một số bến đò được trang bị các phao cứu sinh, áo phao nhưng không mấy ai mặn mà sử dụng. Phao cứu sinh thường được chủ đò cất trong bao ni lông, áo phao thì có nơi chất thành đống trên đò, có nơi treo trên lan can... Khi lưu thông trên sông, người dân vẫn còn rất chủ quan với việc bảo đảm an toàn cho chính mình.
Trước thực trạng này, Bộ GTVT ban hành Thông tư 15, quy định: Kể từ ngày 15/7/2012, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Người lái có trách nhiệm từ chối chở những hành khách không mặc áo phao theo hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao.
Áo phao và dụng cụ nổi cá nhân sử dụng trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định và được bảo quản khô ráo, sạch sẽ và bảo đảm tính năng an toàn kỹ thuật khi sử dụng. Áo phao, dụng cụ nổi cá nhân phải được để ở chỗ thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ lấy và không làm che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế, Thông tư 15 của Bộ GTVT chưa được chấp hành tốt, còn nhiều biểu hiện thờ ơ và đối phó.
Tại nhiều bến đò trên địa bàn thành phố, có tấm bảng với khẩu hiệu “mặc áo phao khi đi đò là bảo vệ chính mình” nhưng chủ phương tiện và hành khách vẫn cứ phớt lờ. Vì vậy, hàng ngày, hàng ngàn người vẫn qua sông trên những chuyến đò ngang không an toàn với nhiều hiểm họa luôn chờ chực… Đó là chưa kể mưa bão, triều cường cũng là nguy cơ tiềm ẩn từ việc đi lại thiếu an toàn của hành khách.
Từ thực tiễn cho thấy, để chủ trương bắt buộc người sử dụng phương tiện thủy phải mặc áo phao phát huy hiệu quả, thì ý thức của chủ phương tiện và hành khách đều phải được nâng lên. Chủ phương tiện cần chấp hành đầy đủ quy định tại Thông tư 15 của Bộ GTVT, trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi trên đò. Hành khách phải tự giác sử dụng phương tiện cứu hộ và dụng cụ cứu sinh để hạn chế tối đa thiệt hại trong trường hợp xảy ra tai nạn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy chế xử phạt cụ thể để Thông tư 15 được thực hiện triệt để, góp phần khắc phục tình trạng thiếu ý thức, phớt lờ, đối phó của hành khách và chủ phương tiện, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân trên những chuyến đò ngang.