Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là "tháng củ mật"?

VOH - Tháng 12 âm lịch, người dân thường gọi là tháng Chạp. Bên cạnh đó, đây cũng được gọi là "tháng củ mật". Vì sao lại gọi như vậy?

Tháng Chạp đang đến dần cùng với không khí se lạnh của những ngày cuối năm. Đây là thời điểm mà mọi người đang bận rộn để hoàn tất những dự định đang dang dở của mình. Nhiều người cho rằng, bước sang tháng Chạp đồng nghĩa với Tết Nguyên đán đã đến cửa nhà. Mời bạn cùng VOH tìm hiểu tháng Chạp là gì? Vì sao tháng 12 âm lịch được gọi là "tháng củ mật" trong bài viết dưới đây.

Nguồn gốc của tên gọi tháng Chạp

Theo nghiên cứu, chữ "chạp" trong "tháng Chạp" của tiếng Việt là một biến âm của từ "lạp" trong tiếng Hán. Điều này ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc xưa.

Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh cũng giải thích, "lạp" 臘 mang nghĩa ngày tất niên. Bên cạnh đó:

  • Lễ tế thần (tế chạp) vào tháng cuối năm âm lịch được gọi là "lạp". Truyền thống này bắt nguồn từ thời nhà Chu ở Trung Quốc.
  • Lễ tất niên gọi là "đại chạp" 大臘.
  • Tháng mười hai gọi là "lạp nguyệt" 臘月 cũng đồng nghĩa với tháng Chạp.

Khi nhắc đến "lạp", người ta nhắc đến việc đi "lạp mả", thăm nom, chăm sóc mồ mả cha ông để các phần mộ đều được tươm tất trước thềm năm mới. Điều này thể hiện sự nhớ ơn và tình cảm ấm áp của gia đình, dòng họ.

"Lạp" 臘 trong tiếng Hán cũng mang nghĩa là "thịt". Tháng cuối năm, người ta thường tích trữ các loại thực phẩm để đối phó với mùa đông và cũng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, thịt là loại thực phẩm quý giá, quan trọng. Từ đó, ta có “lạp tràng” 臘腸 được gọi là lạp xưởng, là một món ăn rất quen thuộc trong ngày Tết. 

Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là
Tháng Chạp là tháng cuối năm, tháng quay về với gia đình - Ảnh: Canva

Ý nghĩa của tháng Chạp - tháng 12 âm lịch

Đối với văn hóa Việt, tháng Chạp là tháng quan trọng và bận rộn nhất trong năm. Đây là thời gian mà mọi người người hướng đến cái Tết đoàn viên bên gia đình. Ai ai cũng đều tất bật, hối hả, dốc sức hoàn tất các kế hoạch trong năm cũ để chào đón năm mới.

Tháng Chạp cũng là tháng có nhiều ngày lễ truyền thống. Ngoài việc đi chùa, thắp hương vào mùng 1 để cầu mong cả tháng may mắn, trong tháng này còn có những cột mốc như sau:

  • Rằm tháng Chạp (15/12 âm lịch): Vào ngày này, các gia đình Việt thường làm lễ cúng Rằm để cầu may mắn, gia đạo bình yên, tưởng nhớ đến tổ tiên và tạ ơn các vị thần thánh. Đây cũng là thời điểm tốt để mọi người lặt lá mai để có được những bông mai nở hoàn hảo vào ngày Tết Nguyên đán.
  • Lễ cúng ông Công ông Táo (23/12 âm lịch): Tết ông Công ông Táo là một ngày lễ quan trọng trước Tết Nguyên đán. Cứ đến ngày này, người Việt thường sắm lễ cúng tiễn Táo Quân về trời. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người quay trở về nhà sum họp, cùng dọn dẹp đón chào năm mới.
  • Nấu bánh tét: Theo phong tục ngày Tết, nồi bánh tét được nấu vào những ngày cận Tết. Cả nhà sẽ thức chờ quanh nồi bánh tạo nên không khí ấm cúng của buổi sum họp gia đình ngày Tết.
  • Lễ cúng tất niên và cúng Giao thừa (29 - 30/12 âm lịch): Đây là một ngày lễ quan trọng diễn ra nhằm ghi nhận các công việc đã được hoàn tất trong năm cũ và cùng gia đình quây quần chuẩn bị thời khắc bước sang năm mới.
Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là
Quây quần nấu bánh tét là nét đẹp truyền thống của những người dân Nam Bộ ngày Tết - Ảnh: Canva

Xem thêm:
60 stt ông Công ông Táo, lời chúc, thơ ông Táo hay nhất
80 status cuối năm ý nghĩa, cap hay cho ngày cuối năm ngắn gọn hài hước
20+ status Tết hay và ý nghĩa khiến bạn nôn nao trong lòng

"Tháng củ mật" nghĩa là gì?

"Củ mật" là một từ Hán Việt. Trong đó:

  • "Củ" nghĩa là xem xét, kiểm soát. Người xưa hay gọi là “củ sát” 糾察.
  • "Mật" là kín, khít, không để lộ, thất thoát.

Như vậy, "củ mật" hiểu đơn giản là kiểm soát cẩn thận. Cách gọi này là lời nhắc nhở lẫn nhau của người xưa. Trong tháng cuối cùng của năm, cần hết sức thận trọng bảo vệ tài sản, đồng thời cẩn thận củi lửa khi nấu nướng, tiệc tùng.

PGS. TS Trần Hữu Sơn cũng giải thích vì sao tháng Chạp được gọi là "tháng củ mật". Theo ông, tháng 12 âm lịch được gọi là "tháng củ mật" để nhắc nhở nhau cẩn thận vì đây là tháng giáp Tết, là tháng hành động của kẻ xấu, nạn trộm cắp sẽ dễ xảy ra.

Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là
Tháng củ mật nghĩa là tháng cẩn thận bảo vệ tài sản - Ảnh: Internet

Tháng Chạp - tháng bận rộn nhất trong năm

Có lẽ, hương vị của Tết sẽ xộc đến nhanh chóng khi chúng ta cúng Rằm và cúng ông Công ông Táo. Lúc này, những phiên chợ Tết bắt đầu nhộn nhịp, đầy màu sắc của đồ ăn, quần áo mới, của những bông hoa nở đầu tiên,...

Vào tháng Chạp, bạn có thể làm những hoạt động sau để tận hưởng trọn vẹn không khí của những ngày tháng cuối năm.

Đi chợ Tết

Đi chợ Tết là một thú vui đặc biệt. Người ta thường đi chợ từ rất sớm để chọn cho mình những món đồ ưng ý nhất. Những người phụ nữ lúc này sẽ tất bật lên danh sách món ăn, tính toán chi tiêu để sắm sửa trang trí trong nhà.

Nếu đi chợ Tết, bạn sẽ thấy để có một cái Tết đầm ấm, đoàn viên cần rất nhiều sự chuẩn bị tỉ mẩn và chu đáo.

Cúng ông Công ông Táo

Theo văn hóa dân gian, ông Công ông Táo là các vị thần trông coi bếp núc, quản việc gia đình. Vào 23 tháng Chạp, mọi người sẽ chuẩn bị những con cá vàng đẹp, khoẻ để thả xuống sông hồ gần nhất để cá ấy làm phương tiện cho các vị thần cưỡi vượt qua ngàn trùng mây, "tâu trình" với Ngọc Hoàng về cách ăn ở của các thành viên của gia đình trong năm qua.

Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là
Sắc đỏ rạng rỡ của chợ Tết - Ảnh: Canva

Dọn dẹp nhà cửa

Sau 23 tháng Chạp cũng là lúc dọn dẹp nhà cửa. Mặc dù công việc này khá mệt mỏi nhưng ai nấy cũng đều háo hức. Cùng nhau sum họp, quây quần tân trang ngôi nhà cũng là dịp để các thành viên tăng sự kết nối với nhau.

Trang trí đón Tết

Sau khi dọn dẹp, trang trí nhà cửa cũng giúp tăng không khí Tết. Những bình hoa rực rỡ, những câu đối, tranh dán đủ màu sắc cũng được trang hoàng trước cửa. Việc trang trí sẽ hoàn tất khi những dây kim tuyến lấp lánh, dây chữ Phúc, Lộc, Thọ, Vạn Sự Như Ý,... được treo lủng lẳng trên những cành quýt, cành mai,... 

Làm lễ cúng tất niên

Sáng 30, nhiều gia đình sẽ đi "lạp mộ", nhổ cỏ, lau chùi dọn dẹp phần mộ tổ tiên, thắp hương. Trưa 30 sẽ làm lễ mời Gia tiên về sum vầy hưởng Tết cùng con cháu với mâm lễ tươm tất với bánh trái, thịt kho,...

Đón Giao thừa

Vào đêm Giao thừa, mọi người sẽ bắt đầu cúng lễ, thắp hương cho Gia tiên, tiến hành xông nhà để "tẩy uế", giúp cả gia đình tràn ngập năng lượng tích cực.

Đón Giao thừa cùng gia đình sẽ là thời điểm hạnh phúc nhất năm khi bạn được tận hưởng sự đầm ấm, yêu thương bên cạnh những người thân yêu.

Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là
Đón Giao thừa cùng gia đình sẽ là thời điểm hạnh phúc nhất năm - Ảnh: Internet

Trên đây là những lý giải của VOH về tháng Chạp là gì? "Tháng củ mật" là gì? Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những thông tin để hiểu thêm về tháng đặc biệt ý nghĩa này. Từ đó có thêm sự chuẩn bị để chào đón tháng cuối năm kỹ càng và tươm tất.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.