Tiêu điểm: Nhân Humanity

"Telephonophobia": Nỗi sợ điện thoại đang là mối lo ngại mới của Gen Z

VOH - Trong xã hội hiện đại, thế hệ Gen Z (sinh từ 1997-2012) đang phải đối mặt với một nỗi sợ hãi ngày càng phổ biến, có tên gọi là "telephonophobia" - nỗi sợ khi thực hiện hoặc nhận cuộc gọi điện thoại.

Được nghiên cứu là có liên quan đến chứng rối loạn lo âu xã hội, hội chứng này không chỉ gây căng thẳng mà còn có thể khiến người mắc phải cảm thấy buồn nôn, tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt và căng cơ khi nghe tiếng chuông điện thoại. Điều này đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là trong công việc và giao tiếp xã hội.

Nỗi sợ "Telephonophobia" của Gen Z

Theo khảo sát của website Uswitch với 2.000 người Anh, gần 70% người trong độ tuổi từ 18 đến 34 cho biết họ thích nhắn tin hơn là gọi điện. Khoảng 23% trong số họ thậm chí không bao giờ nhận cuộc gọi, trong khi 50% cho rằng các cuộc gọi đột ngột thường mang đến những tin tức xấu.

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng nỗi sợ này thường bắt nguồn từ nỗi ám ảnh bị đánh giá hay cảm giác xấu hổ khi giao tiếp qua điện thoại, điều mà các phương tiện nhắn tin giúp tránh được.

Điều này thể hiện rõ qua những chia sẻ của các bạn trẻ như Kean, 26 tuổi, người luôn chọn cách chia tay qua tin nhắn để tránh cuộc trò chuyện khó xử. Cô bé Nyah, 16 tuổi lại từ chối tất cả cuộc gọi vì sợ rằng không thể truyền đạt cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể qua điện thoại.

Những tình huống này cho thấy "telephonophobia" đang ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và các mối quan hệ cá nhân.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2023-05-3618-5101-1684490220
Một học viên mô phỏng cuộc trò chuyện qua điện thoại với một người hướng dẫn trong một lớp học giao tiếp ở Hàn Quốc - Ảnh: Chosun

Giải pháp từ các khóa học hỗ trợ

Trước tình hình này, một số trường học ở Anh bắt đầu tổ chức các khóa học giúp học sinh, sinh viên vượt qua nỗi sợ điện thoại. Trường Cao đẳng Nottingham là một trong những nơi đi đầu với các lớp học đặc biệt nhằm giúp các bạn trẻ tự tin sử dụng điện thoại trong công việc và cuộc sống. 

Liz Baxter, một cố vấn nghề nghiệp tại trường cho biết nhiều học sinh, sinh viên cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi phải thực hiện cuộc gọi điện thoại.

Các khóa học này bao gồm các bài tập thực hành thực tế, như gọi điện để hỏi giờ mở cửa của nhà hàng hoặc kiểm tra hàng tồn kho tại các cửa hàng, giúp học viên dần dần vượt qua giới hạn bản thân.

Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ trực tuyến chính là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nỗi sợ này.

Kyle Butterworth, một người đã từng mắc phải "telephonophobia", cho biết sự phổ biến của các dịch vụ online như đặt lịch hẹn hay gọi đồ ăn mà không cần phải nhấc máy đã khiến mọi người dần ngại giao tiếp trực tiếp. Điều này khiến kỹ năng giao tiếp qua điện thoại trở nên ít được luyện tập và thậm chí trở thành nỗi ám ảnh.

Để vượt qua nỗi sợ này, Butterworth khuyên mọi người nên chủ động luyện tập gọi điện và kiểm soát cuộc trò chuyện. Việc chuẩn bị trước những điều cần nói sẽ giúp giảm bớt cảm giác lo âu và khiến việc nhận cuộc gọi trở nên dễ dàng hơn.

Với sự gia tăng của hội chứng "telephonophobia", các khóa học hỗ trợ giao tiếp qua điện thoại chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, giúp Gen Z và những thế hệ trẻ có thể vượt qua nỗi sợ và tự tin hơn trong cuộc sống. Điều này không chỉ giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp mà còn tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả hơn.

Bình luận