Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thưa dần, những làng nghề truyền thống Tết

(VOH) - Trải qua bao thăng trầm, làng nghề Tết tuy dần mai một nhưng vẫn còn những người cố gắng bám trụ, giữ gìn nét đẹp truyền thống và mong muốn có sự kế thừa tại một đô thị sầm uất.

Ngày cuối năm, khi đi qua những làng nghề Tết còn lại ở TPHCM, chắc chắn sẽ phải dừng bước để ngắm nhìn những sản phẩm thủ công, cảm giác hòa mình vào không khí xuân với tiếng cười nói hối hả, tiếng máy hoạt động rộn ràng.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân cũng thay đổi theo, những lò ‘bếp ông Táo’ một thời phổ biến nay đã rất ít người sử dụng.

Cố tìm chỉ còn thấy cơ sở sản xuất lò đất của ông Trần Văn Tiếp, tại chân cầu Rạch Cây - quận 8.

Thưa dần, những làng nghề truyền thống Tết 1
Những chiếc lò đất được sản xuất thủ công cho dịp Tết tại cơ sở của ông Trần Văn Tiếp - Ảnh: Thuỷ Tiên.

Ông Tiếp kể, khu vực này trước đây có rất nhiều cơ sở làm lò đất, đa số nằm cạnh kênh, rạch để tiện vận chuyển đất, hàng hóa. Cứ 23 tháng Chạp, cúng ông Táo xong là nhà nhà thay bếp mới.

Theo thời gian, đến nay chỉ còn lại ông bám trụ, nhân công của ông đa phần đều là người gắn bó với công việc từ 30 năm trở lên.

Vào dịp sắp Tết, người thợ làm lò đất tại đây đang hối hả vận chuyển những lô hàng cuối cùng lên xe, còn ông Tiếp thì bày tỏ vui mừng khi đơn hàng vẫn còn, lại thêm một năm nữa cơ sở của mình còn hoạt động tốt.

Tuy biết tương lai khó có thể duy trì mãi, nhưng ông Tiếp vẫn hy vọng mình sẽ giữ được nghề này.

Thưa dần, những làng nghề truyền thống Tết 2
Một trong những người thợ còn bám trụ với nghề làm lò đất tại TPHCM đang chăm chút cho từng chiếc lò - Ảnh: Thuỷ Tiên.

Đến thăm làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh), đây là một trong những nơi sản xuất nhang lớn và lâu đời nhất khu vực Nam bộ. 

Những ngày giáp Tết, khu vực này rực sắc vàng, ánh đỏ từ những sạp phơi nhang ven đường. 

Khoảng 10 năm gần đây, máy móc đã giúp giảm được khá nhiều sức lao động trong sản xuất nhang. Nhang từ làng nghề Lê Minh Xuân không chỉ tiêu thụ tại TPHCM mà còn được phân phối đi nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ.

Thưa dần, những làng nghề truyền thống Tết 3
Những bó nhang rực rỡ trong nắng Tết tại làng nhang Lê Minh Xuân - Ảnh: Thuỷ Tiên.

Một làng nghề khác cũng khá nhộn nhịp ngày Tết đó là làng nghề làm đầu lân tại khu vực đường Lò Gốm, quận 6.

Những ngày cận Tết, các cơ sở làm đầu lân trở nên nhộn nhịp hơn, phải tranh thủ ngày đêm để kịp tiến độ cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Thưa dần, những làng nghề truyền thống Tết 4
Đang hoàn thành đầu Lân.

Dọc theo đường Lò Gốm đến Lãnh Binh Thăng, những xe đẩy bán đầu Lân cho trẻ em với tiếng trống rộn ràng, có xe ghé vào lấy thêm hàng, có xe trả bớt hàng theo thỏa thuận.

Vật liệu chính làm đầu Lân là mây và tre. Việc bó khung là công đoạn quan trọng nhất, quyết định hình hài, độ bền của sản phẩm. Đầu Lân thường trang trí bằng lông cừu. Lân đẹp là những con có đôi mắt và bộ râu thể hiện được uy quyền.

Thưa dần, những làng nghề truyền thống Tết 5
Khung trễ tạo dựng hình hài và độ bền của đầu Lân.

Theo chia sẻ từ nhiều người có thâm niên, chỉ những ai thật sự đam mê mới đủ kiên nhẫn theo nghề, do lợi nhuận ngày càng giảm khi quá nhiều sản phẩm nhập từ Hongkong, Trung Quốc. 

Có thể nói, cùng với những phong tục truyền thống ngày xuân, các sản phẩm thủ công dịp Tết đã góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Những người bám trụ với nghề truyền thống cho đến ngày nay đã góp công sức nhỏ bé cho một việc ý nghĩa lớn - giữ lại những nét văn hoá Hồn Việt, Tết Việt.

Bình luận