Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Công viên Quốc gia, Đại học California ở Davis và Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ngạc nhiên – sau khi tiến hành thử nghiệm tại 75 địa điểm trên tuyến đường thủy của dãy Brooks ở Alaska.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications: Earth & Environment, các con sông và suối trong phạm vi này dường như rỉ sét, trở nên đục và có màu cam trong vòng 5 đến 10 năm qua.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự đổi màu là do các kim loại như sắt, kẽm, đồng, niken và chì gây ra – một số trong đó gây độc cho hệ sinh thái sông suối – khi lớp băng vĩnh cửu tan ra và làm lộ ra các khoáng chất bị khóa dưới lòng đất hàng nghìn năm.
Nghiên cứu cho biết, đất ở Bắc Cực tự nhiên chứa carbon hữu cơ, chất dinh dưỡng và kim loại, chẳng hạn như thủy ngân, trong lớp băng vĩnh cửu của chúng. Nhiệt độ cao đã khiến các khoáng chất này và các nguồn nước xung quanh chúng gặp nhau khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn 4 lần so với phần còn lại của thế giới. Tại một số địa điểm, mức tăng mạnh nhất là từ năm 2017 đến năm 2018 và trùng với những năm ấm nhất được ghi nhận vào thời điểm đó.
Sự đổi màu này có liên quan đến sự “suy giảm nghiêm trọng” đời sống thủy sinh, làm dấy lên mối lo ngại về việc, lớp băng vĩnh cửu tiếp tục tan chảy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cộng đồng sống dựa vào các tuyến đường thủy này.
Các nhà nghiên cứu viết rằng, chỉ riêng ở các con sông Bắc Cực ở Alaska có nhiều loại cá “rất quan trọng đối với sinh kế, thể thao và nghề cá thương mại”. Cộng đồng địa phương đã bày tỏ mối quan ngại và quan sát của họ đối với các nhà nghiên cứu bắt đầu từ 7 năm trước.