Chờ...

Tối nay Việt Nam ngắm được “vua mưa sao băng” 4,6 tỷ năm tuổi

VOH - Dự báo thời gian cực điểm của Geminids rơi vào khoảng 19 giờ (giờ UTC) ngày 14/12, khoảng 2 giờ sáng ngày 15/12 (giờ Việt Nam).

Định vị tại TPHCM, trang Date and Time cho biết đêm cực đại của trận mưa sao băng Geminids sẽ rơi vào đêm 14, rạng sáng 15/12. Trong khi đó, các quốc gia Âu - Mỹ sẽ đón đêm cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14/12.

Dự kiến trong đêm "đỉnh" này, mưa sao băng Geminids sẽ tuôn ra tận 150 ngôi sao băng mỗi giờ.

Theo các nhà nghiên cứu, Geminids được mệnh danh là "vua của các trận mưa sao băng". Nó được nhiều người coi là trận mưa sao băng lộng lẫy nhất trên bầu trời, cực đại có thể tạo ra tới 120 sao băng mỗi giờ với vô vàn sắc màu.

Đây là trận mưa sao băng được tạo ra bởi các mảnh vụn do tiểu hành tinh 3200 Phaethon để lại, được phát hiện vào năm 1982.

Tối nay Việt Nam ngắm được “vua mưa sao băng” 4,6 tỷ năm tuổi
Mưa sao băng Geminids - Ảnh: Space.com 

Trận mưa diễn ra hàng năm từ ngày 7 - 17/12. "Năm nay, trăng mới sẽ để lại một bầu trời tối hoàn hảo. Người xem quan sát tốt nhất từ một vị trí tối sau nửa đêm. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Gemini, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời", Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) thông tin.

Các ngôi sao băng Geminids là kho báu vô song, bởi 3200 Phaethon đã được chứng minh là một tiểu hành tinh cổ đại, ít nhất 4,6 tỷ năm tuổi, cổ xưa hơn cả Trái Đất.

Nó cũng thuộc nhóm tiểu hành tinh carbonaceous chondrites, có thể chứa đựng các "khối xây dựng sự sống" sơ khai.

Dù có nguồn gốc từ 3200 Phaethon nhưng trận mưa sao băng vẫn được đặt tên là Geminids theo "truyền thống": Lấy tên của chòm sao nơi nó xuất phát trên bầu trời.

Để tìm kiếm nơi khởi đầu của siêu mưa sao băng, bạn có thể hướng mắt lên bầu trời và tìm chòm sao Song Tử, có tên tiếng Latin là Gemini và mang hình dạng hai người anh em song sinh.

Dẫn nguồn từ IMO (International Meteor Organization), Tổ chức mưa sao băng quốc tế, đại diện HAAC cho biết năm nay, dự báo thời gian cực điểm của Geminids rơi vào khoảng 19 giờ (giờ UTC) ngày 14/12, khoảng 2 giờ sáng ngày 15/12 (giờ Việt Nam).

HAAC hướng dẫn chòm sao Song Tử lên cao tầm 22 giờ, vì thế có thể quan sát từ khung giờ này cho tới rạng sáng, với tâm điểm quan sát là bao quát từ chân trời đông bắc lên đến đỉnh đầu, nơi có chòm sao Song Tử.

Theo chuyên gia, việc quan sát mưa sao băng không cần bất kì thiết bị hỗ trợ nào, chỉ cần mắt thường và một bầu trời có sao với điều kiện thuận lợi.