Chờ...

Tránh những điều sau để xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp tốt hơn

VOH - Giao tiếp tại nơi làm việc không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ mà còn tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, có những hành động và lời nói dễ dẫn đến rắc rối không đáng có. Chuyên gia Mariah Grumet từ New York, Mỹ, đã chỉ ra sáu điều cần tránh để giao tiếp hiệu quả hơn trong môi trường công sở.

dong nghiep_voh
Ảnh minh họa: BI

1. Tránh buôn chuyện về người khác

Nhiều người cho rằng "tám chuyện" về đồng nghiệp là cách để làm thân và hòa nhập với tập thể, nhưng đây là thói quen tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo Grumet, việc lan truyền tin đồn, dù có vẻ vô hại, vẫn là hành vi thiếu chuyên nghiệp và dễ tạo ra căng thẳng không đáng có. "Ở nơi làm việc, cần có những ranh giới nhất định được tôn trọng. Buôn chuyện về người khác, dù bạn thân thiết với họ, là không phù hợp," cô khẳng định.

2. Đề cập đến các chủ đề nhạy cảm

Nơi làm việc không phải là không gian phù hợp để bàn luận về những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị, sức khỏe hoặc ngoại hình. Đây là những chủ đề dễ gây tranh cãi và ảnh hưởng đến mối quan hệ công việc. Grumet cho rằng, dù bạn có thân thiết với một đồng nghiệp đến đâu, cũng nên giữ sự chuyên nghiệp khi giao tiếp. Thay vì đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, nên lựa chọn các chủ đề nhẹ nhàng như sở thích cá nhân, giải trí hay hoạt động ngoài giờ.

3. Không đi họp muộn

Việc đến đúng giờ trong các cuộc họp thể hiện sự tôn trọng dành cho người khác cũng như chính công việc của bạn. Đến trễ không chỉ gây bất tiện mà còn tạo ấn tượng xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn. Grumet nhấn mạnh: "Sự đúng giờ là yếu tố quan trọng thể hiện thái độ nghiêm túc trong công việc."

4. Tránh pha trò gây tổn thương người khác

Hài hước là một phần trong giao tiếp, nhưng khi đùa cợt cần cẩn trọng để tránh gây tổn thương đến người khác. Những lời nói vô ý có thể khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. "Tôn trọng đồng nghiệp không bao giờ là thừa, vì vậy, cần tránh pha trò nhắm vào những vấn đề cá nhân hoặc dễ gây hiểu lầm," Grumet chia sẻ.

5. Chú ý ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp, đôi khi còn quan trọng hơn cả lời nói. Những cử chỉ, động tác nhỏ như khoanh tay, liếc nhìn hoặc thiếu tập trung có thể gây hiểu lầm và làm mất thiện cảm. "Cần đảm bảo ngôn ngữ cơ thể của bạn hỗ trợ cho thông điệp muốn truyền tải," Grumet giải thích. Ví dụ, hãy nghiêng người về phía trước khi lắng nghe hoặc tránh khoanh tay khi người khác đang nói chuyện để thể hiện sự cởi mở và chú ý.

6. Duy trì sự chuyên nghiệp trong mọi tình huống

Ngay cả khi có mối quan hệ thân thiết với một đồng nghiệp, cũng không nên để sự thoải mái làm mất đi tính chuyên nghiệp. Các vấn đề cá nhân hoặc thông tin riêng tư không nên được bàn luận quá mức tại nơi làm việc. Hãy giữ sự cân bằng giữa mối quan hệ công việc và cá nhân để đảm bảo môi trường làm việc luôn chuyên nghiệp, tích cực.

Giao tiếp tại nơi làm việc không chỉ đơn thuần là trao đổi thông tin mà còn là xây dựng hình ảnh cá nhân và tạo dựng mối quan hệ. Bằng cách tránh những điều kể trên, bạn có thể tăng cường kỹ năng giao tiếp và góp phần tạo ra một môi trường làm việc tích cực, hiệu quả.