Gaslight là gì? Cách nhận diện “bậc thầy” thao túng tâm lý người khác

VOH - Khi bạn có một hoặc nhiều nỗi sợ hãi, nhận thức mờ nhạt và mất dần niềm tin vào bản thân, bạn có thể đang bị một người khác gaslighting. Vậy gaslight là gì?

Nhiều người trong chúng ta đôi khi bị gaslight nhưng lại không hề hay biết và cứ nghĩ bản thân vô cùng bất tài, vô dụng, từ đó không còn niềm tin vào chính mình. Vậy gaslight là gì mà lại đáng sợ đến thế, cùng VOH tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Gaslight/gaslighting là gì?

Từ điển Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ - APA định nghĩa, gaslight (hay gaslighting) là từ được sử dụng để nói về hành vi thao túng tâm lý người khác. Trong đó, một bên dùng những câu chuyện sai sự thật một cách liên tục khiến cho bên còn lại hoài nghi khả năng bản thân trong việc đánh giá sự thật, mức độ nhận thức, giá trị cá nhân,…

Người bị gaslight thời gian dài có thể dẫn đến căng thẳng thần kinh, mất tự tin và sức phản kháng. Đồng thời dễ bị ảnh hưởng bởi mọi người xung quanh.

Gaslight thường diễn ra một cách âm thầm và rất khó phát hiện. Thậm chí, thời gian đầu bạn còn có thể cảm thấy có lỗi khi nghĩ xấu cho kẻ đang thao túng mình.

voh-gaslight-la-gi-1

Nguồn gốc gaslight có từ đâu?

Nguồn gốc gaslight bắt nguồn từ một vở kịch vào năm 1938 có tên Gas Light (Tạm dịch: Thắp sáng đèn ga). Vở kịch nói về một người đàn ông cố gắng điều khiển, thao túng người vợ của mình để bà nghĩ rằng bản thân đang điên dại.

Người đàn ông này đã thắp đèn ga để đi tìm báo vật được giấu trong nhà. Khi người vợ nghe tiếng bước chân và phát hiện ánh sáng thì ông ta lại nói dối và cố gắng thuyết phục vợ rằng không có bất thường gì xảy ra. Tất cả những gì người vợ nghe và thấy chỉ là do trí tưởng tượng của bà mà thôi.

Trong xã hội hiện đại, gaslight xuất hiện ở rất nhiều bối cảnh, từ các mối quan hệ yêu đương, gia đình, bạn bè và cả ở nơi làm việc, học tập.

Gaslight trong tình yêu

Gaslight trong tình yêu có thể xảy ra trong mọi mối quan hệ lãng mạn ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Từ các mối quan hệ tuổi teen, tuổi trưởng thành, thậm chí còn xuất hiện trong cả hôn nhân.

Nhớ lại câu chuyện của nàng hotgirl “Anna Bắc Giang” - người được mệnh danh là “bậc thầy” thao túng tâm lý, khi cô nàng đã flex có bố là thương gia giàu có, quan chức cấp cao, đại gia bất động sản, thậm chí là cán bộ tình báo… Cô khiến cho hàng chục người tin tưởng và đưa tiền cho cô, với con số lên đến hàng chục tỷ đồng.

Thậm chí, cô nàng còn cao tay đến mức thành công lợi dụng lòng tin và tình yêu của một cậu thanh niên để thực hiện hành vi lừa đảo của mình.

Có thể thấy, gaslight trong tình yêu có thể bắt đầu từ những hành động rất nhỏ, sau đó phát triển dần lên, khiến bạn khó phát hiện điểm bất thường trong vấn đề nào đó, nhất là khi bạn đã đặt lòng tin của mình vào họ.

Vậy làm thế nào để có thể nhận biết dấu hiệu gaslight trong tình yêu? Thật ra, có nhiều dấu hiệu giúp bạn nhận biết bản thân có đang bị thao túng hay không.

Đầu tiên, bạn thường xuyên nghi ngờ bản thân hoặc gặp khó khăn khi tự đưa ra quyết định. Đôi lúc lại có cảm giác bối rối về mối quan hệ của mình, chẳng hạn như: “Người ấy thật tốt nhưng lúc nào mình cũng cảm thấy có vấn đề”.

Thứ hai, khi nói chuyện cùng người ấy, bạn thường bị rơi vào một cuộc hội thoại mà bạn không dự định có.

Thứ 3, dường như lúc nào bạn cũng phải là người xin lỗi hoặc tìm ra lời bào chữa cho hành động của đối phương.

voh-gaslight-la-gi-2

Gaslight nơi công sở

Không chỉ xuất hiện trong các mối quan hệ yêu đương, gia đình, bạn bè, gaslight còn xuất hiện ở chốn công sở, nơi mà những người đi làm điều dành 8 tiếng một ngày để làm việc, tiếp xúc, trò chuyện và thu thập thông tin.

Hành vi thao túng tâm lý nơi công sở thường gặp ở những đối tượng có mối quan hệ gần như: sếp và nhân viên hay giữa các đồng nghiệp với nhau. Đôi khi, bạn còn không nhận thức được mình đang bị gaslight mà chỉ cho rằng những lời nói, hành động đó được xuất phát từ thiện chí của họ để mình được tốt hơn.

Vậy nên, để nhận biết bạn có đang bị gaslight nơi công sở hay không, hãy cùng xem bạn có gặp một trong các tình huống dưới đây không nhé.

  • Bị chế trách vô cớ: Nếu bạn thường xuyên bị nhắc nhở điểm yếu hoặc thiếu sót một cách vô căn cứ thì có thể bạn đang bị gaslight. Thông thường, những nhận xét mang tính gaslight sẽ không mang tính đóng góp mà chỉ để tấn công bạn ở mức độ cá nhân.
  • Bị nói xấu sau lưng: Một dấu hiệu khác của thao túng tâm lý là những ánh nhìn không thiện cảm hoặc những “cuộc xì xào” sau lưng bạn.
  • Công khai bình luận tiêu cực: Khi giao tiếp trực diện, trong cuộc họp online hoặc thông qua văn bản đánh giá người gaslight thường sẽ có những bình luận tiêu cực một cách công khai về bạn.
  • Bị chế giễu cạnh khóe: Người đang có ý thao túng tâm lý với bạn thường sẽ quan sát mọi hành động dù nhỏ nhất của bạn chỉ để mỉa mai, chẳng hạn: “Bàn làm việc hôm nay sạch sẽ nhỉ, chắc là ít việc nên rảnh rỗi đúng không?”…
  • Phủ nhận mọi nỗ lực của bạn: Khi bạn có được thành tích, người gaslight thường sẽ tìm đủ lý do để phụ nhận điều đó. Thay vì ghi nhận nỗ lực của bạn, họ sẽ nói là bạn ăn may, nhờ có người hướng dẫn, người đồng nghiệp hỗ trợ, nhờ khách hàng dễ tính…
  • Bị đối xử bất công: Người gaslight thường đem bạn ra để so sánh với đồng nghiệp khác mặc dù thành tích của bạn rất đáng kể. Thế nhưng, khi bạn chất vấn, họ sẽ lại dẫn dắt bạn theo hướng khác khiến bạn nghi ngờ năng lực của mình.

Có thể thoát khỏi sự gaslight bằng cách nào?

Gaslight thời gian dài bạn sẽ không còn tin vào khả năng chính mình, thậm chí nó có thể để lại những vết cắt sâu không tưởng trong lòng của bạn. Thế nên, để thoát khỏi sự gaslight của người khác bạn hãy:

Làm ngơ động thái của người muốn thao túng bạn

Người gaslighting thường rất thích hạ bệ bạn để bạn nghi ngờ giá trị của mình. Vì vậy, thay vì đi tìm lý do tại sao họ đối xử với bạn như vậy, bạn nên làm ngơ mọi động thái của họ và dành thời gian chăm sóc bản thân mình, giữ bản thân luôn sáng suốt sẽ khiến kẻ muốn thao túng không còn cơ hội thực hiện hành vi.

Hiểu, lắng nghe và tin tưởng bản thân mình

Hiểu, lắng nghe và tin tưởng chính mình là điều vô cùng quan trọng với bất kỳ ai. Khi bạn hiểu được giá trị bản thân sẽ không ai có thể làm lung lay nhận thức của bạn được nữa.

voh-gaslight-la-gi-3

Tìm kiếm sự giúp đỡ của những người mình tin tưởng

Một trong những cách phòng tránh gaslight là tìm được “đồng minh”. Khi thấy đối tượng muốn gaslight, bạn hãy tìm sự giúp đỡ từ những người mà bạn tin tưởng.

Quản lý tốt cảm xúc cá nhân

Một người thiếu tự tin sẽ rất dễ bị người khác thao túng. Vì vậy, việc quản lý tốt cảm xúc cá nhân cũng là cách để bạn thoát khỏi sự gaslight. Nếu có đủ sự riêng tư bạn có thể viết nhật ký, ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác của mình vì điều đó giúp bạn nhẹ nhõm hơn.

Thay đổi môi trường sống hoặc môi trường làm việc

Thay đổi môi trường sống hoặc nơi làm việc cũng là cách tránh xa những kẻ gaslight. Đi tìm một môi trường phù hợp, lành mạnh không chỉ giúp bạn hạn chế tiếp xúc với kẻ thao túng, bạn còn có thể phát triển bản thân.

Gaslight thật sự là một hành vi độc hại cần được loại bỏ trong bất kỳ mối quan hệ nào. Và chỉ khi chúng ta biết cách nhận diện người gaslight cũng như thoát khỏi sự thao túng của người khác thì sức khỏe tinh thần và sự tự tin mới càng trở nên bền vững.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.

Bình luận