Chúng ta thường nghe thấy khái niệm "thao túng tâm lý" khi một người dùng những hành động để cố gắng kiểm soát người khác. Vậy thao túng tâm lý là gì? Biểu hiện thế nào? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau.
Thao túng tâm lý là gì?
Thao túng tâm lý là hình thức làm ảnh hưởng quá mức tới người khác thông qua việc điều khiển tinh thần và tâm lý, cảm xúc. Mục đích của hành vi này là thâu tóm quyền kiểm soát các hành vi, thái độ của nạn nhân.
Việc thao túng tâm lý sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong các mối quan hệ. Người thực hiện hành vi có thể lợi dụng nạn nhân làm những việc phục vụ lợi ích của mình.
Cần phân biệt giữa việc ảnh hưởng lành mạnh với thao túng tâm lý độc hại. Một mối quan hệ lành mạnh sẽ luôn cân bằng sự cho và nhận, và mọi hành động, lời nói đều mang tính chất xây dựng. Trong khi thao túng tâm lý chỉ vì lợi ích của một bên.
Xem thêm:
Bệnh tự luyến hay hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?
Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai
Tại sao nhiều người lại sợ "khủng hoảng tuổi 25"?
Thao túng tâm lý trong tiếng Anh là gì?
Trong tiếng Anh, thao túng tâm lý là "Psychological Manipulation", tạm dịch là điều khiển, kiểm soát tâm trí người khác.
Khái niệm thao túng tâm lý cũng thường được nhắc đến với cụm từ "Gaslighting" - một trong những "mánh khóe" phổ biến trong thuật điều khiển tâm trí.
Gaslighting là làm cho ai đó tự nghi ngờ nhận thức, trải nghiệm và suy yếu niềm tin vào bản thân, từ đó dễ dàng khiến họ làm theo ý mình.
Thao túng tâm lý trong tình yêu là gì?
Thao túng tâm lý trong tình yêu là hành vi mà một người dùng các mẹo để kiểm soát tâm trí, hành động, cảm xúc của đối phương trong mối quan hệ tình cảm. Điều này có thể làm mất đi sự cân bằng trong suy nghĩ và hành động của cả hai.
Các hình thức thao túng tâm lý trong tình yêu có thể bao gồm tuyên bố sức mạnh, phản bội niềm tin và đe dọa để tạo sự phụ thuộc.
Nếu người đó khiến bạn cảm thấy mình yếu kém, không xứng đáng được hưởng hạnh phúc, hay khi mọi trục trặc xảy ra thì bạn là người phải chịu chỉ trích, những biểu hiện này có thể là dấu hiệu của việc bạn đã bị thao túng trong tình yêu.
Người bị thao túng trong tình yêu thường có những biểu hiện sau:
- Luôn cảm thấy bất an, thiếu an toàn.
- Thiếu niềm tin vào bản thân, luôn nghi ngờ chính mình.
- Thường xuyên xin lỗi ngay cả khi tin rằng mình không làm gì sai.
- Thường xuyên có cảm giác bối rối, tổn thương, tức giận và thất vọng.
Xem thêm:
Ghost là gì? Ý nghĩa của từ ghosting trong tình yêu
Crush là gì? Uncrush là gì? Nhận biết crush trong tình yêu
Si tình là gì? 5 biểu hiện cho thấy bạn đang là một 'kẻ si tình'
Biểu hiện của người bị thao túng tâm lý
Khi bị thao túng tâm lý, nạn nhân sẽ thường có những biểu hiện như sau:
- Tự chất vấn bản thân: Người bị thao túng tâm lý thường sẽ luôn ở trong trạng thái cảm thấy bản thân mình không đủ tốt, không xứng đáng với những gì đang có hoặc không xứng đáng được hạnh phúc.
- Tự lừa dối mình: Nạn nhân thường cố tìm những lý do để thuyết phục bản thân rằng sự việc không tệ đến thế, hoặc mình đang quá nhạy cảm với sự việc đã xảy ra.
- Sợ thể hiện cảm xúc hay ý kiến: Người bị thao túng nghĩ rằng chia sẻ ý kiến thường sẽ khiến mọi việc tệ đi nên chọn cách im lặng.
- Dễ bị tổn thương và bất an: Họ thường cảm thấy mình lúc nào cũng phải cẩn trọng khi ở cạnh người yêu, gia đình, bạn bè.
- Cảm thấy cô đơn và bất lực: Họ bị thuyết phục rằng mình lập dị, bất ổn như đúng nhận định của kẻ thao túng nói, khiến họ cảm thấy cô đơn.
- Hay xin lỗi dù không phải lỗi của mình: Nạn nhân luôn cảm thấy những hành động của mình sẽ gây ra phiền phức đến cho người khác.
- Đánh mất lòng tin vào chính mình: Họ không thể tin tưởng vào chính mình, dần đưa ra quyết định chỉ để làm hài lòng người khác.
Những hành vi thao túng tâm lý thường gặp
Thao túng tâm lý là một thủ thuật khá tinh vi mà nhiều người khó có thể nhận ra. Sau đây là những cách thức thao túng tâm lý người khác thường gặp.
Gaslighting
Gaslighting là một thủ thuật thao túng tâm lý cao cấp, khiến cho nạn nhân nghĩ rằng nhận thức và cảm nhận của mình là sai lầm hoặc mình đang “làm quá". Hành vi này nếu xảy ra lâu dài sẽ khiến nạn nhân phải đặt câu hỏi về lý trí và sự tỉnh táo của chính họ.
Cụ thể, khi một người có những hành vi sai trái và bị người khác nghi ngờ, người đó sẽ đưa ra những lời nói, hành động giả dối để biện hộ. Sau đó, người này còn khiến cho đối phương cảm thấy những suy nghĩ, những nghi ngờ ban đầu chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, không có thật.
Gaslighting xảy ra thường xuyên trong những mối quan hệ yêu đương, ví dụ điển hình là che giấu cho hành vi ngoại tình. Khi nạn nhân cảm nhận được có gì đó không đúng trong mối quan hệ và nói chuyện thẳng thắn, kẻ thao túng sẽ chối bỏ đến cùng, khiến nạn nhân tin rằng những lời tố cáo ấy chỉ là sự ảo tưởng.
Mục tiêu của kẻ thao túng chính là trốn tránh những hành vi sai lầm của mình và cố giữ bí mật để không bị phát hiện. Thậm chí khi bị phát hiện, những kẻ này sẽ dùng lời nói để khiến nạn nhân nghĩ rằng họ mới là vấn đề.
Gây hấn thụ động (Passive-aggressive)
Khi có hành vi gây hấn thụ động, kẻ thao túng không thể hiện cảm xúc tiêu cực trực tiếp các vấn đề với người đó. Thay vào đó, họ tìm những cách gián tiếp để thể hiện sự tức giận của mình và làm suy yếu đối phương.
Một số hành vi gây hấn thụ động như:
- Sử dụng sự hài hước, châm biếm để bàn luận vấn đề.
- Từ chối những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng.
- Cố ý tạo sai lầm, trì hoãn trong việc thực hiện các hành động.
- Thể hiện sự thất vọng hoặc không hài lòng thông qua thái độ.
Chỉ trích cá nhân (Personalizing criticism)
Nếu như ai đó cố tình làm bạn thấy tồi tệ khi liên tục nhắc lại những sai lầm trong quá khứ, đó chính là chỉ trích cá nhân.
Chỉ trích cá nhân rất thường thấy trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Những hành vi của bố mẹ như liên tục chỉ trích những lỗi nhỏ nhặt thay vì đưa ra những lời khuyên răn thường rất dễ gây tổn thương lâu dài cho tinh thần của các con.
Tìm kiếm người để đổ lỗi (Scapegoating)
Scapegoating là một người hoặc nhóm người bị đổ lỗi vô cớ cho hành vi mà họ không phạm phải. Những kẻ thao túng sẽ nhắm vào nhóm đối tượng này để đổ lỗi mà không quan tâm đến việc làm tổn thương người khác.
Những kẻ đó có thể thuyết phục bạn rằng lỗi của họ chính là của bạn mà không hề cảm thấy áy náy hay do dự.
Im lặng độc hại (Stonewalling)
Stonewalling - "bức tường đá" được dựng lên khi một người từ chối giải thích hay làm rõ mong muốn của mình với người kia. Biểu hiện đơn giản nhất của kiểu thao túng tâm lý này là sự im lặng, không quan tâm, để tâm đến những gì đối phương nói với mình.
Stonewalling thường xảy ra khi một cặp đôi đang cãi vã. Lúc này, một trong hai người sẽ thu mình lại và từ chối việc giải thích hay làm rõ mong muốn của họ. Họ trở thành một “bức tường đá” với người kia.
Đối với nhiều người, mở lòng và bộc lộ cảm xúc là một việc khá khó khăn. Tuy nhiên, có những kẻ sẽ lạm dụng điều này để thao túng người yêu. Bằng cách tạo dựng một "bức tường đá", họ có thể né tránh những câu hỏi của đối phương hoặc để không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Đe dọa (Threatening)
Hành vi này thường thể hiện ở chỗ một người nào đó nắm được những điểm yếu của đối phương hoặc họ có một quyền lực nhất định. Những người này họ sẽ sử dụng lợi thế mình có được đưa ra những thông tin đe dọa, thao túng khiến người khác bắt buộc phải làm theo ý của mình.
Hạ thấp đối phương (Downplaying)
Người có hành vi này ghen tị với bạn và chỉ chê bai những nỗ lực của bạn để cảm thấy tốt hơn về mình. Những "câu thoại kinh điển" của hành vi này là:
“Cái đó cũng thường thôi mà, đâu có gì khó đâu.”
“Nó học giỏi do siêng thôi chứ cũng không phải thông minh gì lắm.”
“Chỉ được cái ăn may.”
Thân thiết, gần gũi bất thường (Love-bombing)
Những kẻ thao túng sẽ khiến cho đối phương có cảm giác gần gũi bằng lời khen ngợi và thể hiện tình cảm cuồng nhiệt (love-bombing). Tuy nhiên, đây là một mối quan hệ giả tạo và không bền vững.
Xem thêm:
Tích cực độc hại là gì? Khi nào thì tích cực trở nên độc hại?
Giá trị bản thân là gì? Những danh ngôn, câu nói hay nhất về giá trị bản thân
Thụ động là gì? Làm thế nào để khắc phục tính thụ động?
Làm sao để tránh "bẫy" thao túng tâm lý?
Rất khó có thể thay đổi hay ngăn cản người thao túng tâm lý dừng những hành vi trên. Nếu phải thường xuyên phải đối mặt với hành vi thao túng tâm lý, bạn có thể chủ động đối phó qua một số cách sau đây:
- Tránh tiếp xúc với những người có xu hướng thể hiện tình cảm thái quá dù không thân thiết.
- Khẳng định bản thân và những giới hạn của riêng mình.
- Hiểu rõ bản thân.
- Không đưa ra quyết định vội vàng mà cần thời gian để suy nghĩ một cách lý trí.
- Chia sẻ vấn đề của mình với những người mà bản thân tin tưởng để có góc nhìn đa chiều.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà trị liệu hoặc chuyên gia sức khỏe tâm lý.
Cần làm gì khi thấy mình đang bị thao túng tâm lý?
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng khó chịu trong một mối quan hệ, bạn có thể thực hiện một số cách để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình. Những điều bạn có thể làm bao gồm:
- Giữ khoảng cách: Hãy có khoảng cách nhất định với những người khiến bạn cảm thấy bất an và khó chịu.
- Lưu giữ bằng chứng: Bởi vì thao túng tâm lý có thể khiến bạn tự trách và nghi ngờ bản thân, hãy lưu giữ những trải nghiệm của bạn. Viết nhật ký, lưu các cuộc trò chuyện để bạn có thể xem lại và không nghi ngờ những cảm xúc, suy đoán của mình.
- Yêu cầu sự tôn trọng: Hãy nói rõ với đối phương rằng bạn sẽ không thể chấp nhận hành động xem thường cảm xúc hoặc phủ nhận những gì bạn chia sẻ.
- Có thêm góc nhìn từ bên ngoài: Nói chuyện với người khác về những gì bạn đang trải qua. Quan điểm của người khác có thể giúp bạn hiểu rõ tình hình hiện tại.
Hãy nhớ rằng, bạn không có lỗi vì những gì bạn trải qua. Người chỉ trích bạn hành xử theo cách đó là vì chính họ mong muốn. Bạn không khiến họ đưa ra lựa chọn này và bạn cũng không thể thay đổi điều họ làm. Bạn không nên thỏa hiệp với sự độc hại, dù nó đến từ đâu. Điều cần làm chính là tỉnh táo nhận biết các dấu hiệu để đảm bảo sức khỏe tinh thần của chính mình.
Trên đây là những lý giải của VOH về thao túng tâm lý là gì, thao túng tâm lý trong tình yêu là gì cũng như thế nào là bị thao túng tâm lý. Hành vi này có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bạn. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để có thể bình tĩnh đối diện nếu gặp phải hành vi độc hại này.
Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.