Sau khi tốt nghiệp Đại học, chúng ta đều mong muốn tìm được một công việc phù hợp, chăm chỉ ‘cày cuốc’ để sớm được thăng chức, tăng lương thậm chí là tạo dựng sự nghiệp cho chính mình. Tuy nhiên, chỉ khi chính thức bước chân vào xã hội, bạn mới cảm nhận được sâu sắc việc giữa thực tế và tưởng tượng luôn có một khoảng cách nhất định. Nơi làm việc cũng có nhưng quy tắc ‘bất thành văn’ mà dù không ai nói, bạn vẫn phải biết, đôi khi là phải tự mình trải nghiệm và đúc kết.
- Sau khi đi làm, bạn sẽ nhận ra rằng, bằng cấp chỉ là một tờ giấy và chúng ta không nhất thiết phải quá chú trọng vào nó.
Bằng cấp chỉ là điểm khởi đầu, là “tấm vé” giúp chúng ta tìm được một công việc tốt. Nếu bạn muốn có chỗ đứng trong xã hội, muốn được thăng chức, được tăng lương thì phải bộc lộ được khả năng của bản thân trong công việc. Hãy nhớ rằng, bằng cấp quan trọng nhưng năng lực và kinh nghiệm càng quan trọng hơn. Bằng cấp là quá khứ, là phần thưởng còn khả năng là tương lai.
- Không làm phiền người khác khi bạn có thể tự mình làm việc.
Đừng làm phiền người khác nếu bạn có thể tự mình giải quyết vấn đề vì dù là việc nhỏ nhất thì cũng phải mang ơn.
- Nếu bạn muốn kiếm được tiền từ sếp, bạn phải phục vụ sếp của mình.
Đừng kiêu ngạo vì trong mắt sếp, có một thứ quan trọng hơn năng lực làm việc, đó chính là thái độ làm việc.
- Ở nơi làm việc, không có lời nói dối và nói thật, chỉ có điều nên nói và điều không nên nói.
Nơi làm việc chưa bao giờ là nơi nói sự thật, khi đã bước chân vào xã hội thu nhỏ này, bạn phải luôn ghi nhớ, đâu là điều nên nói và đâu là điều không nên nói.
- Những người nói xấu đồng nghiệp trước mặt bạn chỉ cần quay lưng là sẽ nói xấu về bạn với người khác.
Ở nơi làm việc, kiểu người chuyên nói xấu sau lưng này không hề hiếm. Bề ngoài, họ đối xử tốt với bạn nhưng chỉ cần họ đi cùng người khác, bạn lập tức sẽ trở thành đối tượng bị nói xấu. Nếu gặp trường hợp này, chúng ta chỉ cần im lặng, không cần để tâm quá nhiều (nếu vấn đề vấn đề bị đẩy đi quá xa, đừng ngại trao đổi thẳng thắn, tìm kiếm đồng minh và sự giúp đỡ).
- Nếu bạn có thể trao đổi công việc bằng email thì đừng chỉ trao đổi trực tiếp bằng lời nói.
Chúng ta có thể trò truyện, trao đổi về công việc bằng lời nói trước, sau đó gửi lại nội dung qua email. Điều này không chỉ thuận tiện cho việc tham khảo, xem lại về sau mà còn có nội dung để làm bằng chứng.
- Là một người mới, chúng ta cần duy trì sự nhiệt tình và tinh thần học hỏi tuy nhiên đừng làm quá.
Thể hiện sự nhiệt tình hoặc tâm lý luôn muốn học hỏi những điều mới là điều mà bạn nên làm nhưng hãy giữ mọi thứ ở mức vừa phải, đừng khiến chúng trở nên phản cảm.
- Ở nơi làm việc, bạn nắm giữ một nửa số phận của mình, một nửa còn lại nằm trong tay sếp.
Không ngừng học hỏi, nâng cao khả năng, hoàn thiện bản thân là cách giúp chúng ta trở nên có giá trị hơn. Bằng cách này, sếp sẽ thấy được sự thay đổi của bạn và chú ý đến bạn. Nếu trường hợp này không xảy ra thì ít nhất chúng ta cũng đã cố gắng hết sức và có quyền lựa chọn một công ty tốt hơn.
- Dù mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp có tốt đến đâu, bạn cũng cần phải có sự ưu tiên. Giữa bạn và đồng nghiệp, ngoài quan hệ bạn bè còn có thể nảy sinh thêm xung đột về lợi ích.
Không nên thân thiết quá mức và giữ khoảng cách thích hợp được xem là cách giúp mối quan hệ đồng nghiệp duy trì được lâu hơn.
- Đừng nói cho người khác biết bí mật của bạn, đặc biệt là chuyện cá nhân, tình cảm, tiền lương, tiền thưởng…
Nơi làm việc là nơi để làm việc, bạn ở đây để làm việc nên hãy chú ý những gì mà mình chia sẻ.
- Nếu bạn không có vẻ ngoài ưa nhìn, hãy học cách ăm mặc sạch sẽ và tươm tất.
Hình ảnh của bạn không chỉ thể hiện khí chất cá nhân mà còn liên quan đến hình ảnh của toàn bộ công ty. Đó là lý do vì sao mà chúng ta nên chăm chút cho bản thân và cố gắng xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu nhất có thể mỗi khi đi làm.
- Nếu bạn có vẻ ngoài ưa nhìn, hãy giữ thái độ khiêm tốn và để người khác nhìn thấy khía cạnh khiêm tốn của mình.
Chúng ta không thể phủ nhận lợi thế của một người có vẻ ngoài ưa nhìn. Lời khuyên dành cho bạn là đừng ăn mặc quá cầu kỳ vì rất có thể nó sẽ trở thành lý do khơi gợi sự đố kỵ của người khác.
- Ở nơi làm việc, rất khó để gặp được những người bạn thực sự, trừ khi không có sự cạnh tranh về mặt lợi ích.
Ở nơi làm việc, mọi người có thể rất thân thiết với nhau nhưng trên thực tế, sau giờ làm, chuyện liên lạc với nhau rất ít khi xảy ra. Việc tìm được những người bạn thực sự ở nơi làm việc là điều rất may mắn nên nếu có, bạn hãy trân trọng.
- Ở nơi làm việc, người ta có thể có tham vọng nhưng không nên thể hiện quá lộ liễu vì tham vọng thì ai cũng có nhưng “chỗ ngồi” thì có hạn.
Úp mở về tham vọng, về tính hiếu thắng của bản thân nghĩa là bạn đang công khai “tuyên chiến” với các đồng nghiệp khác trong công ty.
- Khi bạn mắc lỗi và bị sếp phê bình, đừng bao biện, hãy tự chịu trách nhiệm.
Trực tiếp thừa nhận sai lầm và tránh mắc phải chúng trong tương lai tốt hơn là tìm cách bao biện cho bản thân.
Người có năng lực có thể tỏa sáng ở bất cứ đâu nhưng đôi khi, chỉ dựa vào năng lực là chưa đủ, chúng ta còn cần nhiều hơn thế. Với những người mới bước chân vào xã hội, việc biết trước những quy tắc "bất thành văn" ở nơi làm việc có thể giúp ích phần nào. Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể thay đổi và những điều trên đây chỉ mang tính chất tham khảo nên bạn hãy để bản thân có cơ hội được trải nghiệm.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet