Vì sao có tục xông đất ngày đầu năm?

(VOH) – Sau thời khắc giao thừa cho đến sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, người khách đầu tiên bước vào cửa nhà sẽ gọi là người “xông đất”. Vậy tục xông đất ngày đầu năm mang lại ý nghĩa gì?

Trong văn hóa của người Việt, xông đất đầu năm là một trong những nghi thức quan trọng dịp Tết. Ông bà ta tin rằng, người khách đầu tiên bước vào nhà mình vào sáng mùng 1 Tết có thể sẽ đem đến điều may mắn hay rủi ro cho gia đình suốt năm đó.

1. Xông đất là gì?

Xông đất hay còn gọi là đạp đất, xông nhà là tục lệ đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam và vẫn được duy trì cho tới ngày nay.

Theo dân gian, sau thời khắc giao thừa, người bước vào gia đình đầu tiên sẽ là người xông đất. Xông là tiến lên, nhập vào, đất là địa vực của gia đình, bởi vậy mở đầu cho một năm mới, người đến đầu tiên với gia đình chính là người “xông đất”.

Vì sao có tục xông đất ngày đầu năm? 1
Sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên bước vào cửa nhà sẽ là người xông đất - Ảnh:Internet

Người xông đất theo quan niệm thời xưa chỉ cần khỏe mạnh, sung túc tới chúc Tết vào lúc sau giao Thừa là được. Tuy nhiên, một số gia đình ngày nay có xu hướng chọn người xông đất để đem lại cho gia đình tài lộc, bình an, may mắn và sức khỏe trong năm mới. Đó là những người có gia cảnh song toàn, con cháu đầy đàn, có tính cách vui vẻ, gia đình hạnh phúc, thịnh vượng… Thậm chí một số gia đình còn có thói quen chọn người tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi để mời đến xông đất ngày đầu năm.

Thời điểm xông đất có thể diễn ra trong vòng 3 ngày Tết, nhưng chủ yếu là ngày mùng một Tết, tình từ ngay thời khắc giao thừa.

2. Nguồn gốc của tục xông đất đầu năm

Tục xông đất năm mới xuất phát từ mong muốn của người dân về một năm mới nhiều may mắn, niềm vui và hạnh phúc. Theo sách “Tục thờ cúng của người Việt” của tác giả Bùi Xuân Mỹ do NXB Văn hoá - Thông tin phát hành, người xưa tin rằng, ngày đầu năm nếu được người vui vẻ, dễ tính tốt nết đến nhà trước nhất, thì cả năm trong nhà mọi việc sẽ hanh thông, thuận lợi.

Thuở xưa, người đến xông nhà sẽ đốt một bánh pháo mừng, cất cao giọng chúc chủ nhà mọi điều tốt lành, tùy theo từng trường hợp:

  • Nếu nhà có cha mẹ già thì sẽ chúc: Tăng phúc tăng thọ, Bách niên giai lão,…
  • Nếu gia đình làm nông thì lời chúc sẽ là: Phong đăng hoà cốc,...
  • Nếu gia đình làm nghề, buôn bán thì chúc: Tốt tài sai lộc, buôn may bán đắt, nhất bản vạn lợi, làm ăn phát đạt,…
  • Nếu gia đình có người đi làm thì lời chúc thường là: Thăng quan tiến chức, lên chức lên lương,…
  • Gia đình có trẻ nhỏ thì sẽ là: Mau ăn chóng lớn, học hành đỗ đạt,…

Lời chúc tụng còn kèm theo những bao đỏ để mừng tuổi và lì xì cho trẻ nhỏ, bạn bè, đồng nghiệp…

Chủ nhà cũng sẽ hoan hỉ đón chào và cảm ơn, đồng thời cùng chúc lại mọi điều hay. Có nơi còn đưa mừng tiền đựng trong một bao giấy nhỏ hồng điều gọi là phong bao để chúc may mắn. Tục đưa biểu tiền như vậy còn gọi là mở hàng.

Ngày nay, một số gia đình không nhờ vả ai xông đất và chính họ sẽ tự xông đất cho nhà mình. Chủ nhà hoặc người thân trong gia đình sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa trở về xông nhà mang theo những cành lộc đầu xuân, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình trong không khí đầm ấm và tràn trề hy vọng mới.

3. Ý nghĩa của việc xông đất đầu năm

Theo quan niệm ngày xưa, xông đất hay xông nhà có ảnh hưởng rất lớn đến may mắn hay rủi ro của gia chủ trong năm đó. Nếu tìm được người xông đất tốt, hợp tuổi thì sẽ “ăn nên làm ra”, mọi chuyện đều thuận lợi. Nếu gặp người xông đất không hợp với gia chủ thì cả năm sẽ không may mắn, khó khăn.

Vì sao có tục xông đất ngày đầu năm? 2
Tục xông đất vẫn được lưu truyền đến ngày nay dù đã có sự thay đổi ít nhiều - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, theo thời gian những phong tục tập quán xưa đã có phần mờ nhạt giữa nhiều sự thay đổi trong cuộc sống hiện đại. Bởi ngày nay, người ta đã không còn đặt nặng về sự may mắn, cũng không còn nhiều quy tắc như trước.

Này nay, xông đất được coi là một niềm vui nho nhỏ mỗi khi Tết đến. Tuy vậy, hàng năm mỗi gia đình vẫn đều mong đợi xem ai sẽ là người đến nhà mình xông đất đầu tiên, và chúng ta vẫn đi xông đất nhà bà con, bạn bè với niềm vui và cầu một năm bình an may mắn đến với gia đình gia chủ.

(Tổng hợp)