Vì sao lượng điện tiêu thụ lại tăng cao trong mùa nắng nóng?

VOH - Vào mùa nắng nóng, hóa đơn tiền điện của hầu hết các hộ gia đình dường như đều tăng cao. Vì sao lại như vậy?

Thời tiết cả nước đã bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, có thời điểm nhiệt độ ở mức hơn 36 độ C. Cùng với cái nắng gay gắt ngoài trời, hóa đơn tiền điện tăng cao cũng là mối bận tâm của rất nhiều hộ gia đình. Câu hỏi được đặt ra là vì sao cùng số lượng thiết bị điện và thời gian sử dụng tương đương nhưng lượng điện tiêu thụ lại nhiều hơn vào mùa nắng nóng?

Lý do tiền điện mùa nóng thường tăng cao

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng là do người dân sử dụng nhiều thiết bị để làm mát. Trong đó, máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhiều nhất và chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn trong gia đình.

Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm 28-64%, có khi lên đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Thời tiết nắng nóng nên người dân sử dụng thiết bị làm mát nhiều hơn. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng.

Vì sao lượng điện tiêu thụ lại tăng cao trong mùa nắng nóng? 1
Sử dụng nhiều thiết bị làm mát là nguyên nhân hàng đầu khiến điền tiện tăng cao mùa nóng - Ảnh: Internet

Đối chiếu điều hòa nhiệt độ, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng từ 2-3%. Nếu nhiệt độ điều hòa tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa có thể tăng thêm 10%.

Do đó, dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi, nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.

Như vậy, điện năng tiêu thụ của hệ thống điều hòa sẽ tăng khi nhiệt độ điều chỉnh càng thấp và ngược lại. Vào những ngày có nhiệt độ môi trường cao hơn (trời nóng hơn) mức tiêu thụ điện năng cũng cao hơn. Trong cùng một ngày, điện năng tiêu thụ vào buổi trưa sẽ cao hơn sáng và chiều, do đây thời điểm nắng nóng nhất trong ngày.

Ngoài ra, kỳ hóa đơn tháng gần đây nhất (tháng 4) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn tháng trước đó (tháng 3) cũng là nguyên nhân khiến lượng điện tiêu thụ tăng.

Từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ sẽ tăng khoảng 3% so với giá hiện hành và nếu các đợt nắng nóng vẫn còn tiếp tục kéo dài trong những tháng tiếp theo thì lượng điện tiêu thụ của nhiều gia đình sẽ tiếp tục tăng.

Làm thế nào để giảm tiền điện tăng cao mùa nắng nóng?

Để hạn chế hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến trong các tháng mùa khô, EVNHCMC khuyến nghị người dân hãy sử dụng điện theo nguyên tắc bốn đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt khi không sử dụng”.

Đối với việc sử dụng các thiết bị làm mát, như máy điều hòa hãy chọn loại máy có hiệu suất cao, có công nghệ inverter và dán nhãn năng lượng.

Dàn nóng, dàn lạnh cần đặt ở những nơi thông thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, không bị cản trở hoặc quẩn gió.

Khi sử dụng điều hòa ở chế độ làm mát, đừng để nhiệt ở mức quá thấp. Mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ nên ở khoảng 3-5%. Theo khuyến cáo, nhiệt độ điều hòa không khí từ 26 độ C trở lên là mức giúp tiết kiệm năng lượng.

Thường xuyên rửa sạch lưới lọc không khí 3 tháng/lần và bảo dưỡng thiết bị định kỳ 1 năm/lần để giúp quá trình làm lạnh hiệu quả và tiết kiệm 5-7% điện năng.

Bên cạnh đó, người dân nên tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Có thể tận dụng ánh sáng Mặt trời và thông gió tự nhiên, để giúp làm giảm lượng điện năng tiêu thụ từ thiết bị điện.