Chờ...

Vì sao thường có chè trôi nước trong ngày Đông chí?

(VOH) - Đông chí là ngày mà thời gian ban đêm dài nhất trong năm ở bán cầu bắc, là ngày mà thời gian ban đêm ngắn nhất ở bán cầu nam. Ngày Đông chí năm 2019 là ngày 22/12 (tức ngày 27/11 âm lịch).

Ngày đông chí là ngày gì?

Một năm có 4 mùa 8 tiết đó là Xuân Hạ Thu Đông, Lập Xuân, Xuân Phân, Lập Hè, Hè Chí, Lập Thu, Thu Phân, Lập Đông, Đông Chí. 8 tiết này ra đời theo lịch cổ đại trung quốc và tên gọi của chúng biểu trưng cho thời điểm khởi đầu một mùa và thời điểm kết thúc một mùa. Đông chí là tiết cuối cùng trong năm và Ngày Đông chí là mốc thời gian trong tiết cuối năm giúp người Trung Quốc xác định ngày Tết Nguyên Đán của họ.

Theo quy ước, tiết Đông chí bắt đầu từ khoảng thời gian ngày 21 hay 22/12 khi kết thúc tiết đại tuyết, và nó sẽ kết thúc vào khoảng ngày 5 hay ngày 6/1.

Trong năm, ngày chí diễn ra 2 lần, một vào mùa hè được gọi là ngày Hạ chí vào tháng 6, và một còn lại vào mùa đông được gọi là ngày Đông chí vào tháng 12.

ngày Đông chí

Ảnh: internet

Ngày đông chí có gì đặc biệt?

Ngày Đông chí là ngày mà thời gian ban đêm dài nhất trong năm ở bán cầu bắc, là ngày mà thời gian ban đêm ngắn nhất ở bán cầu nam.

Ngoài ra, đây là thời điểm có liên quan đến vị trí của hành tinh trên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Đó là lúc kinh độ Mặt Trời bằng 270 độ ở Bắc bán cầu và cũng là ngày bắt đầu mùa đông tại Bắc bán cầu.

Theo phương Tây, ngày này đánh dấu sự bắt đầu của mùa đông ở bán cầu bắc và sự bắt đầu của mùa hè của bán cầu nam do tại thời điểm này mặt trời xuống tới điểm thấp nhất về phía Nam trên bầu trời và bắt đầu quay trở lại phía Bắc. Lúc này Trái Đất sẽ nghiêng 23,5 độ so với mặt phẳng hoàng đạo và bán cầu nam của Trái Đất nghiêng về mặt trời nhiều nhất.

Thực phẩm cho ngày Đông chí

Do ngày Đông chí tiết trời còn rất lạnh nên những thực phẩm làm ấm cơ thể sẽ được chọn để mang lên bàn thờ cúng tổ tiên rồi cả nhà sẽ cùng thưởng thức những món ăn nóng hổi này trong mâm cơm gia đình.

Ngày Đông chí bắt nguồn từ Trung Quốc nên ngày này đặc biệt có ý nghĩa với người dân nước này. Do đó, vào ngày Đông chí, tại mỗi vùng miền của Trung Quốc người dân sẽ có những món ăn đặc trưng khác nhau vừa mang ý nghĩa biểu tượng lại vẫn đáp ứng đúng tiêu chí là nóng hổi và làm ấm cơ thể.

ngày Đông chí

Tại vùng phía Bắc lạnh lẽo của Trung Quốc, món ăn phổ biến vào ngày Đông chí sẽ là bánh bao hấp và hoành thánh. Ảnh: internet

Tại vùng phía Bắc lạnh lẽo của Trung Quốc, các món thịt và rượu chính là các thực phẩm sẽ giúp làm ấm cơ thể và món ăn phổ biến vào ngày này sẽ là bánh bao hấp và hoành thánh.

Còn tại phương Nam của Trung Quốc, ngày Đông chí sẽ có một món bánh đặc biệt đó là thang viên (một loại bánh gần giống bánh trôi nước, còn gọi là chè trôi tàu hoặc là bánh trôi tàu). Những món ăn này đều có vỏ bột và nhân phong phú mang ý nghĩa đủ đầy, viên mãn và hạnh phúc. Đây là lời cầu chúc cho năm mới ăn khang thịnh vượng của người Trung Quốc và tục lệ văn hóa thờ cúng và tổ chức lễ hội là để tiễn năm cũ đi, đón những điều may mắn, hạnh phúc đến trong năm mới.

Tại Mỹ, có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày Đông chí như Lễ hội Yule của đạo Wicca, một trong 8 lễ hội Sabbat của những người theo đạo đa thần giáo kiểu mới (neopagan).

Rất nhiều nền văn hóa khác cũng tổ chức lễ hội vào ngày này hoặc xung quanh ngày này như lễ hội lễ hội Yalda, lễ hội Saturnalia, lễ Giáng Sinh, Hanukkah, lễ hội Festivus, lễ hội Kwanzaa và lễ hội HumanLight.

ngày Đông chí

Vào ngày Đông chí, nhiều gia đình ở nước ta vẫn có thói quen cúng tế tổ tiên, ông bà với món “chè trôi nước” mang ý nghĩa “đoàn viên, đoàn tụ”. Ảnh: internet

Tại nước ta, ngày Đông chí chỉ là một mốc thời gian chứ không mang ý nghĩa đặc sắc gì nên thường không có lễ hội hay truyền thống nào được diễn ra trong ngày này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ tập quán của đồng bào dân tộc Hoa, vào ngày Đông chí, nhiều gia đình ở nước ta vẫn có thói quen cúng tế tổ tiên, ông bà với món “chè trôi nước” mang ý nghĩa “đoàn viên, đoàn tụ”.