Ngày 7/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, từ dịp Tết Nguyên đán 2023 đến nay đơn vị đã tiếp nhận 168 trường hợp đến tiêm ngừa bệnh dại do bị chó, mèo cắn.
Trong ngày 6/2, đã có gần 100 người đến tiêm ngừa dại. Trong đó, 20 trường hợp đến tiêm ngừa lần đầu do bị chó, mèo cắn. Số còn lại đến tiêm nhắc mũi tiếp theo. Trong hôm nay (7/2), ngành y tế chưa có thống kê con số bị chó, mèo cắn mới.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh long, số người đi tiêm ngừa bệnh dại do chó, mèo cắn tăng cao nguyên nhân có thể do người dân đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết dịp năm mới và bị chó, mèo tấn công.
Ngành y tế Vĩnh Long khuyến cáo, hiện nay tiêm ngừa dại chính là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa nguy cơ tử vong khi bị chó, mèo cắn. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cách duy nhất để phòng ngừa chính là tiêm vắc-xin. Người bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở cần được tiêm ít nhất 5 mũi vắc-xin để ngừa bệnh dại.
Ngoài ra, trường hợp người dân bị động vật cắn, cào, liếm vết thương hở cần sớm rửa vết thương trong vòng 15 phút đầu bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Không băng kín vết thương hoặc khiến vết thương nghiêm trọng hơn. Sau đó, đến ngay trung tâm tiêm chủng để được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Đối với các hộ có nuôi chó, mèo trong nhà cần quản lý chặt chẽ vật nuôi và tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y. Tránh thả rông vật nuôi ra đường có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Trường hợp dẫn chó ra ngoài đường phải đảm an toàn, trong đó phải rọ mõm chó. Theo quy định, chủ vật nuôi có thể bị xử phát 1 - 2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa đến nơi công cộng.