Vợ và con trai đưa nhau ra tòa vì tranh tài sản của chồng quá cố

(VOH) - Vì ưu tiên người nối dõi, người chồng quá cố đã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho 2 con trai, trong khi vợ cùng 4 con gái không được một xu nào.

Ông Karnail Singh và bà Harbans Kaur kết hôn năm 1955, sinh sống ở London, có với nhau 7 người con nhưng 1 người con đã qua đời. Họ chung sống với nhau 66 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 2021, theo Daily mail.

Trong di chúc, ông Karnail Singh đã để lại tất cả tài sản của mình cho 2 người con trai mà không chia phần cho vợ và 4 người con gái. Không chấp nhận điều này, góa phụ 83 tuổi Harbans đã kiện lên tòa án để tranh giành thừa kế với 2 người con trai. 

Nguyên nhân của sự bất công này là do ông Karnail Singh ưu tiên người nối dõi nên chỉ để lại tài sản cho 2 người con trai, cố gạt vợ và 4 cô con gái ra khỏi danh sách thừa kế. Trong khi đó, hàng tháng, vợ của ông chỉ nhận được trợ cấp của nhà nước khoảng 14.445 USD.

Vợ và con trai đưa nhau ra tòa vì tranh tài sản của chồng quá cố 1
Tòa án tối cao ở London, Anh - Nguồn ảnh: VietNamNet

Được biết, gia đình Karnail Singh có truyền thống kinh doanh quần áo. Bà Harbans Kaur ước tính, tổng tài sản ông để lại khoảng 2,2 triệu USD. Tuy nhiên, người con trai cho biết, tổng tài sản chỉ khoảng 1,4 triệu USD.

"Theo di chúc ngày 25/6/2005, tài sản chia đều cho 2 người con trai. Người quá cố muốn để lại tài sản cho những người nối dõi", thẩm phán nói.

Kết thúc vụ kiện, vợ của ông Karnail Sing đã được hưởng 50% giá trị tài sản. Thẩm phán cho biết, các bằng chứng cho thấy, bà Harbans đã làm tốt nhiệm vụ của người vợ, người mẹ trong suốt 66 năm chung sống với chồng. Bà cũng đóng góp trong công việc kinh doanh của gia đình.

"Trong cuộc hôn nhân kéo dài 66 năm, người phụ nữ đã đóng góp đầy đủ và bình đẳng. Nhưng cuối cùng bà ấy chẳng có gì. Bà xứng đáng được hưởng 50% giá trị tài sản thừa kế từ chồng. Đây là điều khoản hợp lý", thẩm phán nói.

Theo luật sư Heledd Wyn, phán quyết trên như lời cảnh báo với mọi người. "Không hề đơn giản khi loại bỏ ai đó khỏi di chúc, đặc biệt là vợ hay chồng đã sinh sống cùng nhau nhiều năm, không mắc lỗi lầm gì", Heledd Wyn cho biết.